+Aa-
    Zalo

    1001 cách "săn" thực phẩm sạch của dân văn phòng

    • DSPL
    ĐS&PL Để giải quyết nỗi lo thực phẩm bẩn lan tràn, dân văn phòng không ngần ngại dùng ngay mạng internet để cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm mua "đồ sạch" cho gia đình.

    Để giải quyết nỗi lo thực phẩm bẩn lan tràn, dân văn phòng không ngần ngại dùng ngay mạng internet để cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm mua "đồ sạch" cho gia đình.

    Thời buổi báo chí ngày nào cũng phanh phui những vụ thu giữ thực phẩm bẩn, kém chất lượng khiến nhiều người lo sợ.

    Khó khăn biện pháp "tự cung tự cấp"

    Nhiều tấm gương biết tận dụng không gian nhà ở để tự trồng rau, chăn nuôi... tự cấp tự túc được cho nhu cầu của gia đình được đăng tải ngợi khen. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện và thời gian để vừa đi làm vừa trồng trọt như vậy.

    Chị Mai (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay gia đình chị đã bỏ ra hàng triệu đồng đầu tư mua thùng hai đáy, đất vi sinh, giá trồng rau, cột thủy canh nhưng hiệu quả thu được cũng không khả quan.

    "Mình trồng trên sân thượng, nắng nóng làm rau lên không tốt lắm. Nhiều khi phải đi công tác xa vài ngày, ở nhà lũ trẻ chểnh mảng ít tưới nên rau cằn cỗi. Trồng thủy canh thì tiện hơn vì có giàn tưới tự động nhưng tốn điện và phải mua dinh dưỡng định kì bổ sung vào nước không thì rau còi cọc không phát triển."

    Không phải nhà ai cũng có điều kiện để tự trồng rau sạch được.

    Rất nhiều người than rằng tính ra số rau thu được từ cách tự trồng này còn lâu mới bù được số tiền đầu tư ban đầu. Chưa kể hàng ngày phải đầu tư thời gian chăm sóc cho rau trong khi còn phải đi làm, con cái, việc nhà bù đầu.

    Chị Hà ở Mỹ Đình (Hà Nội) thì cho hay căn hộ chị ở chỉ có 1 cái ban công nhỏ mà đã để máy giặt giá phơi đồ chiếm hết, chẳng còn chỗ nào cho trồng rau cả. Thích lắm chị cũng chỉ trồng mấy chậu nhỏ rau thơm trong nhà với tác dụng trang trí là chính.

    "Cứu cánh" thực phẩm sạch ở quê

    Những ai có người thân ở quê thì yên tâm rồi. Lâu lâu về nhà "khiêng" nào rau, gà, cá, thịt, trứng... Thậm chí đặt đồ quê gửi dài hạn theo xe tuyến lên thành phố.

    Chị Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định từ bỏ mua thực phẩm ngoài chợ và nhờ bố mẹ gửi thực phẩm từ quê mình - Hưng Yên ra.

    Rau, trứng ở quê gửi lên từ người quen được dân văn phòng ưa chuộng.

    “Xem trên báo đài thấy nhiều vụ mắc bệnh vì ăn phải thực phẩm ôi thiu, mình lo lắm, đặc biệt nhà mình lại có con nhỏ, nên việc đảm bảo thực phẩm được an toàn là điều vô cùng quan trọng. Hơn 1 năm nay, nhà mình chỉ ăm đồ ăn từ quê gửi ra”, chị Yến cho biết.

    Chị Yến cũng chia sẻ thêm, ở quê, bố mẹ chị trồng được nhiều loại rau như: rau muống, rau đay, rau cải, rau rền… nên ông bà thường gửi ra cho, còn các loại thực phẩm thịt, cá…ông bà thường ra chợ mua giúp.

    “Dịp 30/4 – 1/5 năm nay, gia đình mình không đi du lịch mà sẽ tổ chức ăn uổng tại nhà cùng bạn bè nên mình đã nhờ ông bà gửi thức ăn ra từ 1 ngày trước đó. Mình rất yên tâm về khu chợ ở làng mình. Ở đây, các cô, các bác đều tự nuôi trồng mọi thứ và đem ra chợ bán. Thực phẩm ở quê vừa ngon vừa rẻ, đặc biệt là an toàn dù quá trình vận chuyển hơi mất công chút”, chị Yến nói.

    Cô Hải Bình (đường Láng, Hà Nội), thẳng thắn tuyên bố gia đình bác đã nói “không” với các loại rau củ quả mua ngoài chợ từ 3 năm trước.

    “Thịt lợn bơm hóa chất tăng trọng, siêu nạc, rau củ quả bơm thuốc hôm nay để ngày mai mang đi bán, cá nhiễm độc… tất cả đều vô cùng đáng sợ. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, dù quê ở tận Cao Bằng, nhưng tôi vẫn nhờ em gái ở quê chuyển các loại rau củ quả ra hàng tháng 2-3 lần”, cô Hải Bình nói.

    Kinh doanh thực phẩm sạch cho người quen, đồng nghiệp

    Không phải ai cũng có quê quán để nhờ gửi mua giúp thực phẩm sạch, vì vậy nhiều người đã từ những thông tin khoe trên mạng của người quen, đồng nghiệp để đặt hàng. Nhờ vậy mà cho ra đời hiện trạng kinh doanh thực phẩm sạch qua các mạng xã hội.

    Trang Facebook đăng thông tin bán lợn mán xịn của một phóng viên.

    Trên facebook một phóng viên của một tờ báo khá nổi tiếng vừa đăng “status” rao bán lợn bản nguyên con, lập tức “cơn mưa like” đổ về và có rất nhiều “comment” đặt mua loại thịt lợn này.

    Phóng viên này cho biết, mục đích của anh là muốn giới thiệu đến đồng nghiệp, người quen loại thịt lợn sạch, đáng tin cậy thay vì các loại thịt trôi nổi trên thị trường.

    “Lợn bản xịn nuôi từ 3-9 năm, nguồn gốc Hà Giang đã được cơ quan thú y chứng thực, do bà con đồng bào nuôi bằng ngô, cám. Loại lợn này thịt rất giòn và thơm… Em bán nguyên con, khách có thể xem lợn trước, hẹn ngày, đặt lịch mua và có người chở đến tận nơi, giao và kiểm thịt luôn. Mỗi con lợn có trọng lượng 40 -70 kg nên mọi người có thể rủ nhau cùng mua chung”, phóng viên này rao trên facebook.

    Không chỉ rủ nhau cùng mua chung lợn để phục vụ bữa ăn hằng ngày, nhiều đồng nghiệp người thân của phóng viên này còn đặt mua cho dịp Tết. Hoặc có người đặt mua cả con, xẻ từng miếng để đông lạnh ăn dần.

    Tương tự, một facebooker tên Vân khá nổi tiếng khác, đồng thời làm trong ngành luật – cũng mở một cửa hàng hoa quả online đã vài năm nay. Với vẻ bề ngoài xinh xắn, hiểu biết, khéo léo.. chị bán hàng rất “đắt khách”. Thi thoảng, cửa hàng online của chị lại có thêm món thịt lợn sạch do chị đặt mua từ người thân ở quê, thậm chí ở các vùng miền núi như Sapa, Lào Cai…

    Vì thế, có thời điểm cứ mỗi sáng đi làm, chị Vân lại khệ nệ “túi to túi nhỏ” mang thịt đến cơ quan cho đồng nghiệp, bạn bè.

    “Số hàng này đã được mọi người đặt từ tuần trước, gồm: thịt vai, ba chỉ, móng giò, sườn,... rồi giò, chả làm từ lợn mán... tất cả đều là thực phẩm sạch, được gửi từ trên quê xuống với giá khoảng 120 -150 nghìn đồng/kg tùy loại. Khâu giết mổ, phân chia, đóng bao đã có người nhà làm giúp.

    Trước đó mình chỉ nhờ mua rồi gửi xuống cho gia đình ăn. Nói chuyện ở cơ quan và khoe trên facebook ai cũng thích và nhờ mua hộ. Thôi thì đằng nào cũng một công đôi việc, mình nảy ý định kinh doanh luôn”, chị Vân cho hay.

    Chị Vân cũng tiết lộ, thực phẩm sạch giờ khá hút khách. Trung bình mỗi tuần chị thu được khoảng trên dưới 10 triệu đồng tiền lãi từ hoa quả và thịt. Số tiền này còn cao hơn cả lương của chị.

    Chị Nguyễn Thị Hạnh - chủ một shop bán thực phẩm sạch online chuyên bán đồ ở quê, riêng gà đồi, thịt lợn sạch thì lúc nào cũng có - cho hay mới đầu chị chỉ làm cho vui, nhưng nhờ hàng đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, khách hàng mách nhau nên hiện tại lượng khách của shop càng ngày càng đông.

    Chị tiết lộ, thực phẩm sạch giờ khá hút khách. Trung bình mỗi tuần chị bán được khoảng trên dưới 6 triệu đồng tiền hàng, khoảng 25 triệu đồng/tháng, có tháng nhiều hơn, lời 6-7 triệu đồng/tháng. “Đây chỉ là việc làm thêm nhưng lời lãi gấp đôi lương hàng tháng của chị đấy”, chị Hạnh khoe.

    “Tuy nhiên, nếu nguồn hàng bán không đảm bảo chất lượng thì khách hàng sẽ tẩy chay ngay”, chị Hạnh lưu ý.

    Nhiều người tẩy chay rau quả mua ở chợ, chuyển qua mua từ trên mạng của người quen.

    Vẫn khó kiểm chứng được chất lượng

    Phải thừa nhận rằng mua đồ thực phẩm trên mạng cũng có những ưu điểm như tiện, không cần ra chợ chọn lựa, cũng không cần mất công chế biến. Ngồi một chỗ, chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn là đã có dịch vụ mang đến tận nơi. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng bán cũng đúng như quảng cáo.
    Cũng thường xuyên mua bán thực phẩm tươi sống trên mạng, chị Trần Thùy Trang ở Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội kể lại, có lần chị mua tôm biển của một shop quen trên mạng, chủ shop khẳng định tôm tươi ngon, vừa mới đánh bắt ở Cửa Lò rồi chuyển thẳng ra Hà Nội. Giá tôm “khá chát”, 450.000 đồng/kg, chị Thùy Trang đặt mua 1kg về hấp. “Khi ăn thì tôm cũng bình thường. Nhưng đang ăn thì đứa con gái lớn kêu lên: Mẹ ơi, con ăn phải cái tăm trong con tôm, và cháu chìa ra cái tăm nhọn hai đầu. Và, cân tôm ấy có đến 4-5 con được cắm tăm như vậy”, chị Thùy Trang cho hay.

    Là một người có công việc bận rộn từ sáng tới tối muộn nên chị Đào Mai Trang ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, thường xuyên mua thực phẩm trên chợ mạng về tiêu dùng. Từ rau, củ quả tươi đến thịt, cá, thủy hải sản, thậm chí, chị còn mua thực phẩm đã chế biến sẵn như cá kho, sườn rán, thịt kho tàu… về chỉ việc làm nóng lại và sử dụng, rất tiện lợi và không mất thời gian.

    Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề chất lượng cũng như mối lo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thực phẩm được mua bán trên mạng, chị Mai Trang cũng tặc lưỡi chia sẻ: “Thú thực, mình mua thực phẩm ở siêu thị hay các chợ dân sinh mắt thấy tay sờ thì cũng chỉ là cảm tính chứ cũng khó biết chất lượng ATTP đến đâu. Còn mua thực phẩm trên mạng thì càng tù mù, có khi còn là đồ đã ôi thiu, hết “đát” được gia công lại để bán cho người dùng. Nhưng khuất mắt trông coi, với lại tôi cũng thường xuyên mua của mấy shop quen, cũng có sự tin tưởng tương đối”.

    Trào lưu bán thực phẩm online du nhập ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay, nhưng cho đến thời điểm này, các cơ sở kinh doanh online chưa trải qua bất kì cuộc kiểm tra nào về ATTP. Và bởi vậy, các shop bán thực phẩm online đang nở rộ như nấm sau mưa, nhà nhà kinh doanh thực phẩm qua mạng, người người bán hàng ăn qua mạng.

    Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích trên thì việc sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn lại tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP khá cao, nhất là hàng bán qua mạng... Bởi hầu hết các cửa hàng chế biến sẵn là các cơ sở tự phát, theo hộ gia đình, kinh doanh online không có giấy phép cũng như các sản phẩm chế biến cũng không có giấy chứng nhận về ATTP. Các khách hàng biết đến cửa hàng thông qua Facebook, các trang rao vặt và các món chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng miệng chứ không hề có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc thực phẩm.

    Còn theo khuyến cáo của chuyên gia, người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về vệ sinh ATTP, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Chính vì vậy, nếu thực khách dễ dàng tin vào lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo an toàn” mà vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

    Minh Minh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/1001-cach-san-thuc-pham-sach-cua-dan-van-phong-a229851.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan