+Aa-
    Zalo

    2 áp thấp nhiệt đới cùng hoành hành trên Biển Đông: Chuyên gia khí tượng nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Các vùng gió thuận nhiệt đới hoạt động nhiều trên Biển Đông thời kỳ này nên việc xuất hiện 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới cùng lúc không phải hiện tượng bất thường"

    "Các vùng gió thuận nhiệt đới hoạt động nhiều trên Biển Đông thời kỳ này nên việc xuất hiện 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới cùng lúc không phải hiện tượng bất thường", Trưởng phòng Dự báo Khí tượng (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) nói.

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngoài áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão số 5, sáng sớm nay (2/9), trên khu vực giữa Biển Đông có một vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

    Trao đổi trên Zing.vn, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, việc xuất hiện 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới cùng lúc trên Biển Đông không phải quá hiếm gặp, nhất là trong cao điểm mùa mưa bão.

    "Các vùng gió thuận nhiệt đới hoạt động nhiều trên Biển Đông thời kỳ này nên việc xuất hiện 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới cùng lúc không phải hiện tượng bất thường", ông Năng cho biết.

    Hai áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và một áp thấp ngoài khơi Philippines đồng thời hoạt động -Ảnh vệ tinh lúc 11h ngày 2/9 (NCHMF)

    Theo ông, sự tương tác của 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông thể hiện qua cơ chế cơn nào mạnh hơn sẽ chi phối hoạt động của cơn còn lại. Do đó, việc xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới mới chưa chắc ảnh hưởng xấu đến thời tiết khu vực biển và đất liền.

    Theo VOV, ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, sáng nay (2/9), ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp với các thành viên Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

    Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia tăng cường thông tin dự báo và sớm có dự báo chi tiết về 2 áp thấp trên biển Đông và 1 áp thấp khác trên vùng biển của Philippines. Đây là hình thái thời tiết rất nguy hiểm trên biển Đông tính đến thời điểm này. Vì vậy ngoài tiếp tục kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền về thông tin của áp thấp di chuyển vào nơi trú tránh an toàn, hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, các địa phương trên đất liền cũng đặc biệt lưu ý đến mưa lớn, đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

    Lưu ý ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư và Bộ đội biên phòng tuyến biển, ông Trần Quang Hoài nêu rõ, phải tăng cường chỉ đạo các lực lượng đứng chân trên địa bàn phối hợp cùng chính quyền địa phương theo dõi sát diễn biến bão, đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu, thuyền, căn cứ tình hình thực tế bắn pháo hiệu thông báo áp thấp nhiệt đới đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

    "Đề nghị Trung tâm dự báo tăng cường hơn nữa công tác dự báo và theo dõi diễn biến cung cấp thông tin kịp thời của 3 cơn áp thấp này để phục vụ việc chỉ đạo, điều hành trong ứng phó. Theo diễn biến hiện nay, các áp thấp này có thể kết hợp với nhau tạo ra hình thái thời tiết rất nguy hiểm. Trên đất liền là rất lớn theo dự báo hiện nay vì vậy cần có những dự báo sát với điều kiện thực tế để điều hành ứng phó", ông Hoài nói.

    Tin tức mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia:

    Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ: Hồi 10h ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

    Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10h ngày 3/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

    Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, rồi di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 04/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

    Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

    Tin áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông: Hồi 10h ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

    Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 10h ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

    Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10 giờ ngày 04/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

    Cảnh báo gió mạnh và vùng nguy hiểm trên biển

    Cảnh báo gió mạnh: Khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm ATNĐ/bão cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-4,0m; biển động rất mạnh, từ gần sáng và ngày mai (3/9) vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7.

    Ngoài ra: Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh.

    Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới do áp thấp nhiệt đới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc.

    Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/2-ap-thap-nhiet-doi-cung-hoanh-hanh-tren-bien-dong-chuyen-gia-khi-tuong-noi-gi-a291237.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan