+Aa-
    Zalo

    3 tỉnh thành đồng loạt yêu cầu người dân không ra đường vì bão Vamco

    • DSPL
    ĐS&PL Trước diễn biến của bão số 13 (bão Vamco), Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị đều ra "giờ giới nghiêm", yêu cầu người dân địa phương không ra đường.

    Trước diễn biến của bão số 13 (bão Vamco), Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị đều ra "giờ giới nghiêm", yêu cầu người dân địa phương không ra đường.

    Ngày 13/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành công điện về việc triển khai các công tác ứng phó với bão số 13 (còn gọi là bão Vamco).

    Để đảm bảo an toàn, chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18h ngày 14/11 đến khi có thông báo mới.

    Người dân ở Thừa Thiên - Huế chằng chống nhà cửa phòng, chống bão - Ảnh: Dân Việt

    Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở... Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ di dời 20.000 hộ dân với hơn 65.000 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn trước 10h ngày 14/11.

    Các địa phương tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, tàu thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 15h00 ngày 14/11.

    Theo chỉ đạo này, cơ quan chức năng địa phương hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với cơn bão số 13.

    Cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ký công điện yêu cầu thủ trưởng sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện triển khai ngay các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 13 (Vamco).

    Theo đó, lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu UBND quận, huyện sơ tán người dân đang sống trong các căn nhà không kiên cố đến nơi an toàn. Công việc này được thực hiện từ chiều 13/11 và chậm nhất đến 11h ngày 14/11 phải hoàn thành.

    "Lưu ý các quận ven biển phải tính tới kịch bản nước biển dâng và sóng ven biển do bão khi sơ tán người dân sống tại khu vực ven biển để đảm bảo an toàn", công điện nêu.

    Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu đơn vị liên quan tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, tàu, thuyền và lán trại tại công trình đang xây dựng.

    Đà Nẵng kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lụt.

    "Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố", công điện nêu.

    UBND TP Đà Nẵng cũng đồng ý cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm ngày 14/11, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

    Công an thành phố được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn, không cho người và phương tiện di chuyển qua những vị trí nguy hiểm, ngập sâu.

    Sở Giáo dục và Đào tạo cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14/11.

    Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi. Các đơn vị quân đội, cảnh sát giao thông đường thủy tổ chức đưa tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang.

    UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 13. Cơ quan này bắt đầu làm việc từ 9h ngày 14/11, tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng.

    Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.

    Trước diễn biến của cơn bão số 13, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tiếp tục có Công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 13 và mưa lũ.

    Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu sở NN&PTNT và bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với UBND các huyện ven biển tiếp tục kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi trú tránh an toàn.

    “Rà soát kỹ, không để sót tàu thuyền tại vùng neo đậu không an toàn; hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú. Tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại, lưu ý khu vực neo đậu quanh đảo Cồn Cỏ phải di chuyển tàu thuyền đến các nơi tránh trú an toàn; thực hiện cấm biển bắt đầu từ 14h ngày 13/11”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

    Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát lực lượng, trang thiết bị hiện có để thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; cập nhật điều chỉnh phương án sơ tán dân, chủ động di dời, sơ tán dân khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét.

    “Đặc biệt là các địa phương ở Hướng Hóa và Đakrông cần tổ chức sơ tán, di dời dân tại khu vực đã và đang có nguy cơ sạt lở đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuyệt đối không để người ở lại trong các lán trại công trình đang xây dựng, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ.

    Trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hoàn thành việc di dời sơ tán dân đến nơi an toàn trước 14h ngày 14/11”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

    Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm di dời tập trung, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các nội dung, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định và có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

    Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cắt tỉa cành cây… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

    “Tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp cơ sở. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra- trừ lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn và các trường hợp đặc biệt”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

    Các Sở NN&PTNT, Công thương, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát phương án đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, hệ thống đê điều, công trình đang thi công… Tập trung giám sát thực hiện việc đưa dần mực nước hồ đập về cao trình đón lũ, kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc đối với vùng hạ du để chủ động việc sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn khi xả lũ…

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/3-tinh-thanh-dong-loat-yeu-cau-nguoi-dan-khong-ra-duong-vi-bao-vamco-a345981.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan