+Aa-
    Zalo

    30 triệu đồng mới được an táng ở nghĩa trang thôn

    • DSPL
    ĐS&PL Cái khoản phí lạ lùng trên đã khiến gia đình có người mất khốn đốn khi lâm vào cảnh “chân tường”, buộc phải chạy vạy vay nộp mới có đất để chôn…

    Để được an táng tại nghĩa trang của thôn thì phải nộp khoản lệ phí là 30 triệu đồng. Cái giá đất cho người chết trên là dành cho những người mới đến ngụ cư tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội. Cái khoản phí lạ lùng trên đã khiến gia đình có người mất khốn đốn khi lâm vào cảnh “chân tường”, buộc phải chạy vạy vay nộp mới có đất để chôn…

    Chết mới tá hỏa phải “mua đất” chôn

    Câu chuyện tưởng thật như đùa nhưng lại diễn ra tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh khi đại diện của thôn bắt một gia đình có người chết phải nộp 30 triệu đồng thì mới được đem đi an táng. Sự việc diễn ra gây bức xúc dư luận khi người chết cũng bị “ăn vạ” như vậy.

    30 triệu đồng mới được an táng ở nghĩa trang thôn
    Một góc nghĩa trang thôn Đông Cao, nơi có “giá” 30 triệu đồng một chỗ an táng.
    Gia đình bị bắt “vạ” là anh Trần Xuân Đạt có hộ khẩu thường trú tại thôn. Anh Đạt có bố là ông Trần Xuân Sơn (83 tuổi), trước kia ông Sơn thường trú tại Tân Lập, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Do tuổi cao sức yếu nên thời gian gần đây ông Sơn cùng vợ là Trần Thị Ngươi về sống với vợ chồng người con trai duy nhất của ông là anh Đạt tại thôn Đông Cao. Tới tháng 4/2014, ông Đạt đã làm thủ tục nhập hộ khẩu với gia đình anh Đạt.

    Do bệnh nặng, nên vào 19h ngày 23/5 ông Sơn đã qua đời. Mong muốn của ông Sơn là được ở gần con trai nên gia đình đã chuẩn bị làm hậu sự chôn cất cho ông tại thôn. Nhưng khi đến chính quyền thôn Đông Cao để làm thủ tục xin mai táng tại nghĩa trang của thôn thì bất ngờ gia đình anh Đạt nhận được yêu cầu phải đóng đủ 30 triệu đồng thì mới được an táng tại đây. Đến sáng hôm sau, chính quyền thôn vẫn chưa thông báo tin báo tử của ông Sơn trên loa truyền thanh, trong khi đó gia đình nhà anh Đạt được gọi lên dự một hội nghị triệu tập “bất thường” bao gồm trưởng phó thôn, đại diện mặt trận tổ quốc và bí thư chi bộ Đông Cao… để yêu cầu nộp số tiền trên.

    Vì muốn người xấu số sớm được an nghỉ nên gia đình anh Đạt đã chạy vạy đủ số tiền để nộp cho chính quyền thôn. Việc giao tiền được xác nhận bằng một giấy biên nhận có chữ ký của phó thôn là bà Hoàng Thị Bình.

    Một quy định “làm khó” gia đình có người xấu số

    Đây là một quy định thực sự vô lý và lạ lùng khi bắt gia đình có người xấu số phải “cõng” một khoản tiền không nhỏ. Nếu gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn mà cùng lúc vừa lo tiền mai táng vừa lo đóng góp khoản phí “khổng lồ” trên thì quả thật là “cực hình”.

    Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Ngươi (SN 1954, vợ ông Sơn) không giấu nổi những bức xúc trước sự vô lý của các đại diện thôn: “Tôi không hiểu tại sao lại có quy định lạ lùng như vậy, có người mất gia đình đã thiệt thòi nhưng còn lại bị hạch sách như vậy thì thật là quá đáng. Không biết quy định trên là với ai nhưng chồng tôi cũng có hộ khẩu ở thôn, tôi cũng chưa thấy ai mất mà lại phải đóng tiền như vậy cả”.

    Bà Ngươi nói: “Nếu thôn có quy định bắt đóng góp như vậy thì chúng tôi cũng đóng thôi nhưng phải giải thích rõ ràng và không nên bắt ép gia đình tôi đúng lúc có người mất như vậy. Đằng này đại diện thôn lại thông báo và đưa ra yêu cầu ép buộc lúc gia đình tôi đang rối bời như vậy thì quả thật không thể nào chấp nhận được. Vả lại số tiền đó cũng không nhỏ, gia đình phải chạy vạy ngược xuôi mới có được”. Bà Ngươi cho biết thêm: “Chồng tôi vốn là một lão thành cách mạng, có nhiều công trạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Vậy mà khi mất đi ông cụ lại bị gây rắc rối như vậy khiến gia đình hết sức đau lòng. Theo nguyện vọng của ông ấy lúc cuối đời muốn được ở gần con trai thì tôi mới làm hậu sự cho ông ấy ở đây, chứ biết trước sự việc thế này tôi đã mang ông ấy về Quảng Ninh để đỡ gặp rắc rối”.

    Còn ông Hoàng Văn Nghị (SN 1959, người dân thôn Đông Cao, bố vợ anh Đạt) cho biết: “Việc thôn đưa ra quy định như vậy tôi cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi gia đình có người mất thì mới đột ngột thông báo như vậy, thật không thể chấp nhận được. Tôi đã phải chạy vạy giúp gia đình thì mới có đủ số tiền đóng cho thôn để mai táng người thân”. Ông Nghị cũng cho biết thêm: “Tôi ở đây đã 60 năm trời nhưng từ trước đến nay chưa thấy người dân nào trong thôn lại bị thu tiền như vậy cả. Số tiền trên là quá lớn với mỗi hộ gia đình, chỉ trông vào mấy sào ruộng và làm thuê mướn thì lấy đâu ra. Tôi đã kiến nghị lên xã nhằm giải thích rõ ràng giúp gia đình nhưng xã trả lời là việc này “tế nhị” không giải quyết được. Mãi đến ngày 30/6 thì họ mới có giấy mời gia đình lên để làm việc”.

    30 triệu đồng mới được an táng ở nghĩa trang thôn
    Bà Trần Thị Ngươi bức xúc phản ánh với phóng viên quy định lạ lùng của thôn.  
    Chính quyền nói gì?

    Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hoa - trưởng thôn Đông Cao cho biết: “Quy định trên là một điều trong hương ước của làng được xây dựng từ các cuộc họp của đại diện chính quyền thôn cùng 47 dòng họ trong làng. Trong hương ước có quy định là nếu người nơi khác đến đây mà muốn mai táng ở nghĩa trang của thôn thì phải đóng góp một khoản phí nhằm tu bổ nghĩa trang và sắm sửa đồ lễ”.

    Ông Hoa cũng thừa nhận rằng: “Hương ước chỉ mới là dự thảo được thôn xây dựng từ năm 2003, đến năm 2013 thì được sửa lại và trình lên cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được phê duyệt”. Về việc thu số tiền an táng người chết theo một hương ước dự thảo chưa được công nhận, chưa có tính pháp lý được ông Hoa giải thích rằng: “Nếu thôn không thu thì sẽ trái với những quy định của chính mình đề ra” và rằng: “Quy định trên của thôn là nhằm hạn chế những người ở nơi khác đến nghĩa trang của thôn chôn cất. Có một số trường hợp ở nơi khác nhưng khi chết lại mang về đây trong khi quỹ đất của thôn có hạn nên mới đề ra quy định như vậy, chứ người chính gốc ở làng thì thôn không hề thu phí”. Tuy nhiên, ở đây ông Hoa quên rằng ông Sơn cũng là người của thôn vì đã có hộ khẩu thường trú trong thôn.

    Việc đại diện của thôn Đông Cao thu mức phí “trên trời” với người đã khuất như vậy có đúng quy định không? Và việc thu theo một hương ước chỉ mới là dự thảo chưa có sự phê duyệt chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì có đúng pháp lý? Những câu hỏi này chúng tôi đã được bà Hồng Minh - cán bộ tư pháp xã Tráng Việt giải đáp: “Việc thôn Đông Cao thu tiền với người đã chết chính quyền xã hoàn toàn không hề hay biết. Khi nhận được đơn kiến nghị, xã sẽ tổ chức cuộc họp với gia đình anh Đạt và đại diện của thôn nhằm hòa giải, việc thu tiền của thôn có đúng hay không sẽ được giải quyết trong cuộc họp”.

    Một quy định hết sức lạ lùng của thôn Đông Cao với mức phí “khủng” như vậy đã làm khó cho gia đình không may có người xấu số. Quy định này thực sự vô lý nếu không muốn nói là một “hủ tục” khi bắt người dân phải đóng góp một khoản phí nặng nề như vậy. Thêm vào đó, việc chính quyền xã Tráng Việt đã giải quyết sự việc một cách chậm chạp, sau hơn một tháng trời, cũng gây bức xúc cho người dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/30-trieu-dong-moi-duoc-an-tang-o-nghia-trang-thon-a39776.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hà Nội: 155 cây xanh gãy đổ trong mưa giông

    Hà Nội: 155 cây xanh gãy đổ trong mưa giông

    (ĐSPL) – Công ty TNHH Một thành viên Cây xanh Hà Nội cho biết, đến sáng nay, 5/6, Công ty ghi nhận 155 trường hợp cây xanh gãy đổ. Trận mưa giông tối qua cũng đã gây mất điện trên diện rộng.