+Aa-
    Zalo

    40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: Đuổi địch bằng lối đánh “súng buộc”, “lựu đạn mỏ vịt”

    • DSPL
    ĐS&PL Với ông Trịnh Quốc Hồ, quãng thời gian ông cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ cột mốc 1288 trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là những ký ức không thể nào quên.

    Với cựu chiến binh Trịnh Quốc Hồ (Cầu Giấy, Hà Nội), quãng thời gian ông cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ cột mốc 1288 trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là những ký ức không thể nào quên...

    Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, lại từng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, vào cuối năm 1978, khi chủ quyền đất nước đứng trước nguy cơ lâm nguy bởi sự đe dọa của kè thù từ phía biên giới, ông Hồ lại rời quê hương Thường Tín (Hà Tây cũ) lên đường nhập ngũ theo lệnh động viên cục bộ của Tổ quốc.

    Lối đánh sáng tạo khiến địch khiếp vía

    Tròn 40 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh, kỷ niệm của cuộc chiến đấu tại cột mốc 1288 biên giới Lạng Sơn vẫn rõ như in trong tâm trí của cựu chiến binh Trịnh Quốc Hồ (SN 1950).

    Ông Hồ kể lại: “40 năm trước, khi đó tôi cùng các đồng đội thuộc Đại đội II, Trung đoàn 279 đóng quân tại Từ Liêm (Hà Nội) thì bất ngờ nhận được lệnh hành quân lên huyện Đình Lập (Lạng Sơn) để tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

    Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh, tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 279 đã tổ chức chuyến hành quân xuyên đêm từ 21h đến khoảng 2h sáng thì có mặt tại Đình Lập”.

    Theo lời chia sẻ của ông Hồ, đoán trước ý đồ tấn công của kẻ địch nên khi vừa đặt chân đến cứ điểm, quân ta chủ động đào hào mai phục, sẵn sàng chiến đấu nếu quân địch cố tình xâm chiếm lãnh thổ.

    Ông Hồ hồi tưởng lại trận đánh bảo vệ cột mốc mà ông và các đồng đội trải qua: “Rạng sáng ngày 22/2/1979, tại cột mốc 1288 (cách cửa khẩu Chi Lăng khoảng 10km), tiếng pháo bắt đầu rền vang xé tan không gian tĩnh lặng vốn có của mảnh đất Khe Buồm, Đình Lập. Trung Quốc bắt đầu tấn công.

    Sau đợt pháo vang rền ấy, có nhiều chiến sĩ bị thương, nhưng ai cũng cố gắng chiến đấu hết mình bảo vệ quả đồi. Khoảng 10h sáng, trời hết sương mù, chúng tôi mới nhìn thấy kẻ địch đang bò từ dưới lên.

    Ông Trịnh Quốc Hồ nhớ lại giây phút bảo vệ cột mốc 1288.

    Nhận thấy sự chênh lệch về quân lực, binh lực giữa ta và địch khá lớn, ban Chỉ huy chiến đấu quyết định sử dụng lối đánh phủ đầu đầy sáng tạo: “Buộc nhiều khẩu súng lại (súng buộc là súng của các đồng chí bị thương không sử dụng đến), dùng dây buộc vào các cò súng, cho một người giật hòng nghi binh. Kẻ địch hiểu nhầm là mình đông quân mà sẽ tấn công dè dặt, thận trọng. Còn có đồng chí nghĩ ra cách cho lựu đạn mỏ vịt (một loại lựu đạn giống hình lưỡi con vịt thường được sử dụng trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ - PV) vào một ống luồng, mỗi ống chứa 10 quả. Cứ thế chiến đấu đến 10h thì địch thôi xả súng, tạm ngưng nã pháo. Đến sáng ngày 23/2, đơn vị tuyến dưới lên tiếp viện”.

    Ông Hồ cho biết thêm về quá trình chiến đấu nơi chiến trường khốc liệt, khi địch tấn công từ dưới chân đồi thì quân ta đứng ở trên quăng lựu đạn xuống. Thay vì rút kíp từng quả lựu đạn một thì bằng cách này, chúng ta có thể cùng lúc ném được nhiều lựu đạn hơn.

    “Toàn quân quyết đấu với khẩu hiệu: “Không cho quân địch tràn lên đến nửa quả đồi”. Sau khoảng 2 giờ chiến đấu, kế hoạch xâm chiếm cột mốc 1288 của quân Trung Quốc đã bị đập tan. Chúng đành rút quân khỏi chiến trường Đình Lập không lâu sau đó”, ông Hồ bồi hồi nhớ lại.

    Đồng đội như anh em một nhà

    Những bữa rau rừng, mẩu lương khô, củ khoai, bát cháo loãng… mà người dân nhịn ăn để nhường cho bộ đội trong thời gian kháng chiến là hình ảnh không thể quên trong những ngày tháng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam ở cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

    Trước đó, nhân dân ta vừa mới trải qua những năm tháng trường kỳ với 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược. Ngay sau đó, quân đội Trung Quốc xâm lược nước ta, kinh tế vẫn kiệt quệ, đời sống của nhân dân gặp vô vàn khó khăn.

    Người lính già luôn nhớ về đồng đội, những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

    Cho đến bây giờ, ông Hồ vẫn nhớ về những việc mình và đồng đội đã từng trải qua: “Lương thực trong chiến đấu cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Thời gian chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt chặn ở cột mốc 1288, do đặc thù của cuộc chiến nên mọi sinh hoạt như ăn uống, ngủ, nghỉ... đều được thực hiện ngay tại hào.

    Lúc đó, lương thực rất khó khăn, hầu như chỉ có bánh bao, mì, sắn. Cơm thực sự là món xa xỉ đối với người chiến sĩ lúc bấy giờ. Bánh bao là nói cho sang, nhưng thực tế chỉ là bột mì nắm lại rồi luộc lên để ăn, thường thì phải chấm với muối hay uống nước mới có thể nuốt được.

    Chiến tranh khiến lương thực của người dân dường như mất hết, họ cũng phải tìm đến củ sắn, củ khoai hay bát cháo loãng để vượt qua cơn đói. Thế nhưng, người dân luôn sẵn sàng nhường đồ ăn của mình cho những người lính trên chiến trường”.

    Nhắc về tình đồng chí, đồng đội, người lính này không giấu nổi sự nghẹn ngào: “Phải nói, những ngày tháng chiến đấu ở Đình Lập là khoảng thời gian hết sức khó khăn. Đại đội của tôi lúc đó đa phần là lính mới. Các đồng chí khi ấy là sinh viên đại học, những chàng trai mới tuổi mười tám, đôi mươi vì tiếng gọi của Tổ quốc đã xung phong nhập ngũ tham gia chiến đấu.

    Khác với chúng tôi, người lính từng tham gia vào những cuộc kháng chiến trước đó... đã quá quen với những công việc hằng ngày của một người chiến sĩ, với những cậu lính mới, mọi công việc đơn giản nhất như đào hào, bảo dưỡng vũ khí... trở nên rất khó khăn. Chúng tôi phải dành thời gian để đào tạo lại từ đầu.

    Cũng chính sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến một vài thanh niên đang ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, cái lứa tuổi được cho là “không sợ trời, không sợ đất”, đôi lần nhớ nhà đến rơi lệ.

    Hiểu được tâm lý, những người "lính già” như tôi đã động viên để nhóm lính trẻ gạt qua những thoáng giây nhớ nhà, đứng dậy cầm súng chiến đấu giữ vững chủ quyền của đất nước”.

    Cho đến hôm nay, khi may mắn được trở về với cuộc sống hoà bình, người lính già ấy vẫn không thể nào quên đi những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Năm 2017, có dịp lên thăm lại chiến trường xưa, được tự tay mình thắp nén hương tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội là lòng của ông Hồ lại nghẹn ngào.

    Đối với người lính già năm xưa, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc mà ông từng trực tiếp cầm súng chiến đấu mãi là ký ức hào hùng, khó phai.

    Nguyễn Lâm - Nhật Lệ

    Theo Người Đưa Tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/40-nam-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-duoi-dich-bang-loi-danh-sung-buoc-luu-dan-mo-vit-a263157.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan