+Aa-
    Zalo

    839 người sập bẫy tín dụng đen, gánh lãi “cắt cổ” ở Nha Trang

    • DSPL
    ĐS&PL Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng cho vay lãi nặng do Cường “mụn” cầm đầu đã thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 11 bị can và bắt tạm giam 3 người.

    Thủ đoạn “giăng bẫy” tinh vi

    Công an tỉnh Khánh Hòa vừa thông tin triệt phá băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng từ năm 2017 đến nay trên địa bàn TP. Nha Trang. Công an tỉnh đã khởi tố 11 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Nguyễn Mạnh Cường (còn gọi là Cường “mụn” - 53 tuổi), Võ Quốc Bảo (43 tuổi) và Trần Cao Phương (29 tuổi), cùng ngụ tại TP. Nha Trang). 8 bị can còn lại đã bị lực lượng chức năng cấm đi khỏi nơi cư trú.

    11 đối tượng trong băng nhóm tín dụng đen ở Khánh Hòa đã bị khởi tố (Ảnh Hữu Hòa).

    Khám xét nơi ở của những người trong băng nhóm này, công an thu giữ 203 triệu đồng, 4.000 USD, 8.500 USD Canada, một số trang sức kim loại màu vàng, thẻ tín dụng, ô tô, 9 xe máy, 16 điện thoại và hơn 800 bộ hồ sơ liên quan hoạt động cho vay.

    Theo điều tra, Cường trả lương từ 10 - 15 triệu đồng cho mỗi đàn em để thực hiện công việc cho vay, thu lãi và đòi tiền. Băng nhóm của Cường đi dán tờ rơi nhiều khu vực tại TP. Nha Trang, rao quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung “vay nhanh, không cần thế chấp” để thu hút người có nhu cầu.

    Khi có người liên hệ vay, nhóm của Cường có hai hình thức cho vay đó là: Vay “tiền đứng” không quy định thời gian trả tiền gốc, nhưng phải trả lãi suất 1%/ngày, tương ứng với mức lãi suất 360%/năm và gấp 18 lần so với quy định pháp luật về dân sự.

    Nếu vay “tiền góp” thì ấn định thời gian trả gốc và lãi trong thời hạn 27,5 ngày hoặc 60 ngày với mức lãi suất mỗi ngày 0,3636% và 0,3333%, tương ứng với mức lãi suất mỗi năm 130,896% và 119,988%, gấp 6,54 lần và 5,99 lần so với quy định.

    Theo chỉ đạo của Cường “mụn”, nhóm “đàn em” đến nhiều địa phương ở Khánh Hòa để khai thác “khách hàng” có nhu cầu vay tiền, đồng thời rao chào trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Bọn chúng “câu khách” bằng hình thức quảng cáo “thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân nhanh gọn”. Khi có người vay tiền, bọn chúng đến nhà kiểm tra, thu thập giấy tờ có liên quan như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và chụp ảnh chân dung người vay tiền.

    Trường hợp người vay tiền không trả nợ đúng kỳ hạn, Cường “mụn” chỉ đạo “đàn em” tung chiêu đe dọa tính mạng, khủng bố tinh thần bằng nhiều thủ đoạn để ép buộc người vay tiền phải tìm mọi cách trả nợ.

    Công an đã xác định có 839 người dính vào đường dây cho vay của Cường. Với thủ đoạn này, băng nhóm của Cường đã thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

    Thủ đoạn mới sẽ còn gia tăng, người dân cần cảnh giác

    Đưa quan điểm cá nhân về vụ việc này, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho rằng, thời điểm dịch bệnh khó khăn, cho vay nặng lãi càng có cơ hội phát triển khi người lao động mất việc, không có thu nhập. Đứng trước khó khăn, họ dễ dàng bị nhóm này dụ dỗ dẫn đến sa bẫy, rồi phải cõng trên lưng những khoản lãi khủng gấp nhiều lần tiền vay.

    Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng chắc hẳn vẫn còn nhiều vụ việc chưa được phát hiện.

    Chuyên gia kinh tế, GS.TS Đặng Đình Đào.

    Theo ông Đào, hiện nhiều người dân vẫn khó tiếp cận thủ tục vay các đơn vị tài chính, ngân hàng được nhà nước cho phép hoạt động, vì vậy, vấn nạn vay tín dụng đen càng trầm trọng hơn. 

    Nhưng để xử lý triệt để vấn nạn tín dụng đen thì không chỉ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động cần chuyển mình mạnh mẽ, đơn giản thủ tục hành chính hơn, mà chính bản thân người đi vay cũng cần thay đổi nhận thức, quan điểm và hành động.

    “Nhiều người không tỉnh táo đến mức dù cho các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều về hệ lụy của hoạt động tín dụng đen nhưng họ vẫn lao vào. Lý do thì rất nhiều, nhưng tiên trách kỷ hậu trách nhân, bản thân người vay đã thiếu sự chọn lọc thông tin để bị dụ dỗ, chạy theo sai lầm.

    Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không muốn làm hoặc làm ít nhưng muốn giàu nhanh, tìm đến con đường vay tín dụng đen để giải quyết những khó khăn trước mắt thì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, ông Đào nói.

    Để xử lý triệt để tình trạng này, ông Đào cho rằng phải tấn công toàn diện và huy động các lực lượng, từ công an, truyền thông, tài chính ngân hàng, và sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành.

    “Trong cuộc sống kinh tế thị trường không ai cho không ai cái gì mà đòi hỏi chúng ta phải có lao động, bỏ công sức ra để có được sản phẩm, có thu nhập. Những người trông chờ may rủi, lao vào con đường không chân chính thì không thể phát triển được.

    Người dân cần phải hết sức tỉnh táo, không để bị lợi dụng khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Thông thái sàng lọc thông tin trên mạng, đừng để nhàn cư vi bất thiện, lướt mạng điện thoại để bị lừa đảo. 

    Cũng đừng nghĩ vay dễ dàng thế này dại gì không vay. Trước hết người dân phải tự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, xác định rõ nhu cầu của bản thân trước những cám dỗ, những thông tin mời chào. Đừng nghĩ dễ kiếm tiền, dễ vay… bởi tất cả đều không có kết quả tốt đẹp.

    Thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều thủ đoạn mới xuất hiện trong vấn đề cho vay tín dụng đen. Bởi thế, người dân càng cần phải cảnh giác, tránh sa bẫy vay online không thế chấp nhưng chính là tín dụng đen”, ông Đào nhấn mạnh.

    Nhật Hạ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/839-nguoi-sap-bay-tin-dung-den-ganh-lai-cat-co-o-nha-trang-a525373.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.