Ăn xin Sài Thành: Những chiêu trò "hút máu" người cùng khổ


Thứ 5, 07/09/2017 | 01:00


Cùng sự kiện

Ít người biết những đứa trẻ, phụ nữ nuôi con nhỏ... đều là những “chim mồi” được đào tạo bài bản để xuống đường với mục đích lợi dụng lòng hảo tâm của người khác.

Hàng ngày, trên các ngả đường tại TP.HCM xuất hiện nhiều đứa trẻ dưới 12 tuổi, phụ nữ nuôi con nhỏ ngả nón ăn xin. Mấy ai biết, họ là những “chim mồi” được đào tạo bài bản để xuống đường với mục đích lợi dụng lòng hảo tâm của người khác. Con mồi được “ông chủ” điều người chở đến các ngã tư xin ăn, thu về lợi nhuận không nhỏ cho kẻ chăn dắt.

Những chiêu trò hút máu người cùng khổ

Hoạt động chăn dắt trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ để ăn xin đã xuất hiện rầm rộ trở lại tại TP.HCM. Dù phải mài mặt ngoài đường cả ngày lẫn đêm, cuộc sống những kiếp ăn xin vẫn vô cùng khổ cực khi chính họ là nạn nhân của đường dây chăn dắt do các đối tượng siêng ăn nhác làm lập ra. Theo dõi hoạt động của nhiều đường dây ăn xin, PV dần lật mặt chiêu thức tinh vi của kẻ cầm đầu cũng như thấu hiểu cảnh đời của những phận đời khốn khó.

Trên nhiều giao lộ tại TP.HCM, tình trạng trẻ em, phụ nữ bồng con ăn xin ngày càng nhiều. Những khu vực ngã tư đường Lý Thường Kiệt nối dài, giao lộ Nguyễn Tri Phương, 3/2 (phường 7, quận 10), đường Cách Mạng Tháng Tám chạy dài (giáp quận 10 và quận 3), ngã tư Nguyễn Văn Linh, đường Trường Chinh (quận Tân Bình)... trở thành các điểm nóng về tình trạng ăn xin.

Đáng buồn hơn, phía sau những phận đời ăn xin là cuộc sống hưởng thụ của nhiều kẻ ký sinh. Các đối tượng này sử dụng, biến nhiều phụ nữ, trẻ em thành “công cụ” kiếm tiền.

Khung cảnh xuống đường ăn xin của những đứa trẻ.

Thâm nhập các điểm nóng trên, PV đã nắm bắt được chu trình “làm việc” của các nhóm ăn xin nói trên. Không biết xuất phát từ đâu, nhưng khoảng 8h sáng, những người ăn xin đều có mặt ở các trạm đèn giao thông, nơi giao nhau giữa các ngã tư đường, các khu chợ... Thành phần chính của nhóm người này là phụ nữ trong độ tuổi từ 18-30. Tất cả họ đều bồng trẻ còn rất nhỏ, tranh thủ lòng hảo tâm của người đi đường.

Ngoài ra, trong nhóm còn có nhiều trẻ em từ 5-8 tuổi. Mặc dù tuổi còn khá nhỏ, những đứa trẻ trông rất tinh ranh, nhanh nhạy. Mỗi khi thấy người đi đường dừng xe nghe điện thoại, dừng đèn đỏ, chúng lập tức ùa từ vỉa hè xuống, chìa nón, cúi đầu, quỳ gối xin tiền. Theo quan sát của PV, những đứa trẻ được trang bị nhiều “đồ nghề” để ăn xin một cách chuyên nghiệp. Ngoài chiếc nón rách, loang lổ vết bẩn, các em còn mang theo 1 cái túi nhỏ để đựng tiền, đồ ăn được khách cho.

Chưa hết, đám trẻ choai choai còn được kẻ chăn dắt trang bị thêm “bảo bối” là những đứa bé chỉ vài tháng tuổi. Sau hơn 1 giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi nhận thấy nhóm ăn xin xin được khá nhiều tiền. Mỗi khi có tiền, bọn trẻ vo tiền, nhét vào chiếc túi vuông đeo bên hông. Có bé chạy đến, đưa tiền cho những người phụ nữ bế con nhỏ, ngồi ven đường. Theo quan sát của PV, sau hơn 3 giờ đồng hồ “làm việc” dưới lòng đường, mỗi đứa trẻ ăn xin dễ dàng kiếm được vài trăm ngàn đồng.

Khoảng 12h trưa, tại ngã tư đường Lý Thường Kiệt nối dài, giao lộ Nguyễn Tri Phương, trời nắng gay gắt, khách qua đường vội vàng, PV không nhìn thấy đám trẻ ăn xin nữa. Theo dõi, PV phát hiện, nhóm này len lỏi vào các con hẻm, núp mình sau các tấm chắn của một công trình đang xây dựng rồi dần biến mất từ lúc nào. Hỏi người dân nơi đây, PV được biết nhóm trẻ ăn xin đã được người đến đón về nghỉ trưa. Kiên trì theo dõi, PV phát hiện những đối tượng đứng sau nhóm trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ ăn xin.

Theo hướng dẫn của người dân, PV nhận thấy, phía cuối con hẻm, vài người đàn ông lạ mặt đang đứng nhìn, phóng ánh mắt về các trụ đèn xanh đèn đỏ. Sau khi những phụ nữ bế con nhỏ, nhóm trẻ ăn xin lên xe, họ mới rồ ga đi mất. Sau khi những người này đi khuất, PV trở lại quầy bán nước ven đường của người phụ nữ trung niên tên Năm tìm hiểu về lai lịch nhóm ăn xin nói trên.

Tại đây, bà Năm cho biết: “Tôi bán hàng ở đây đã lâu nhưng không biết quê quán bọn trẻ và mấy chị phụ nữ ăn xin kia ở đâu. Ở đây, ai thấy thương cho tiền, sữa quà bánh thì chúng lấy. Khi hỏi quê quán, gia đình, nơi ở thì chúng im lặng. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng là chúng tới đây ăn xin, đến trưa lại có người đến chở về ăn trưa”.

Có người đưa rước, bóc lột tận xương

Cũng theo bà Năm, sau giờ nghỉ trưa, khoảng 14h chiều, nhóm ăn xin lại được chở ra chỗ cũ, bắt đầu công việc mới. Những người này ăn xin đến khuya lại có người đón về. Bà Năm cho biết, mỗi ngày, nhóm ăn xin có thể xin được cả triệu đồng.

“Có hôm, người phụ nữ bế con nhỏ đi ăn xin trong nhóm đến chỗ tôi mua chai nước lọc rồi nhờ tôi đổi tờ 500.000 đồng. Do đó, tôi mới biết, số tiền nhóm này xin được mỗi ngày là không nhỏ”, bà Năm cho biết thêm.

Theo người dân, nhiều phụ nữ bồng trẻ còn bú sữa xuất hiện chung với nhóm trẻ ăn xin. Tuy nhiên, những người này ít khi cầm nón xuống đường xin tiền. Họ thường xuyên bế con, ngồi trên vỉa hè, nhiều người đi bộ thấy cảnh mẹ con nheo nhóc, lấm lem cũng mủi lòng, cho tiền.

Đợi đến 14h chiều, PV trở lại đoạn đường Nguyễn Tri Phương. Lúc này, các đối tượng đưa đón cũng vừa đến điểm “làm việc”. Quan sát, chúng tôi phát hiện, những người chở nhóm ăn xin đều bịt khẩu trang, di chuyển trên những chiếc xe cũ kỹ. Sau khi nhóm ăn xin đã vào vị trí, các đối tượng này liền phóng xe biến mất.

Đứa bé gái xin tiền PV nhưng nhất quyết không nói gì về gia đình.

Thấy sự xuất hiện của PV, một cậu bé đen đúa, gầy nhom chừng 10 - 11 tuổi bế đứa trẻ vài tháng tuổi, đến trước mặt huơ huơ chiếc nón lưỡi trai, xin tiền. Thấy vậy, tôi hỏi: “Bố mẹ con đâu. Nhà con ở đâu”. Dù nghe câu hỏi nhưng cậu bé không trả lời mà gật đầu lia lịa, tay vẫn huơ huơ chiếc nón.

Tiếp đó, tôi hứa: “Nói cô nghe nhà con ở đâu, có mấy anh chị em. Cô sẽ cho tiền”. Lúc này, cậu bé nhìn tôi bằng ánh mắt cảnh giác rồi đầu lắc lia lịa. Tôi hỏi tiếp: “Sao cô hỏi con không trả lời? Em bé mấy tuổi rồi”. Nghe vậy, cậu bé lí nhí: “8 tháng”. Nghẹn lòng, tôi không hỏi gì thêm mà bỏ tiền vào chiếc nón, cậu bé quay đi, nở nụ cười chiến thắng.

Đi được một đoạn, cậu bé đến chỗ bé gái khoảng 7 tuổi, tóc quăn, da đen gầy ốm thì thầm. Ít phút sau, cô bé nhanh chóng trở lại chỗ tôi đứng, hất hất chiếc mũ xin tiền. Lần này, tôi im lặng, rút tiền ra trước rồi mới hỏi: “Nhà con ở đâu? Ba mẹ hay ai đưa con đi xin tiền. Nói xong cô cho tiền”. Dù nhìn thấy tờ tiền trên tay tôi, đứa bé vẫn cương quyết không trả lời.

Chúng tôi rời ngã tư Lý Thường Kiệt – Nguyễn Tri Phương vào một quán nước ven đường để tiện quan sát. Từ đầu giờ chiều đến tối mịt, PV vẫn thấy nhóm trẻ xin ăn miệt mài ngả nón. Khi đèn đỏ, chúng ùa xuống đường, đèn xanh lại lên vỉa hè ngồi đợi hoặc nô đùa cùng nhau. Khuôn mặt và dáng vẻ chúng có vẻ mệt mỏi hơn khi trời dần về khuya. Lúc này, đường phố đã lên đèn. Bóng những đứa trẻ đổ dài, mờ ảo khiến chúng trông càng khổ cực và côi cút.

Khoảng 20h, giữa làn xe cộ ồn ào, nhóm trẻ ăn xin cùng với những phụ nữ bồng con tập trung lại ven đường, đứng thành nhóm đông. Sau đó, vài người đàn ông đi xe máy đến, chở tất cả lên xe, phóng nhanh hướng đường 3/2 xuôi về quận 6.

Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện các nhóm trẻ ăn xin ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ đều có người quản lý, dẫn dắt ăn xin. Trong đó, một số đối tượng thuộc thành phần bất hảo, lập đường dây chăn dắt để thu tiền mỗi ngày. Hầu hết, họ đều cho các “công cụ ăn xin” tập trung ở trọ tại các vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi (TP.HCM).

(Còn nữa...)

Huệ Trần

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-xin-sai-thanh-nhung-chieu-tro-hut-mau-nguoi-cung-kho-a200970.html