+Aa-
    Zalo

    Ăn xin Sài Thành: Phát hiện bị theo dõi, “trùm” chăn dắt cử đồng bọn dằn mặt

    • DSPL
    ĐS&PL Nhận biết bị theo dõi, những “ông trùm” đứng sau các đường dây này lập tức thực hiện nhiều hành vi, ứng xử theo kiểu côn đồ để thị uy, hù dọa PV.

    Để vạch trần bộ mặt gian trá, lợi dụng lòng nhân đạo xã hội của những đường dây chăn dắt ăn xin, chúng tôi đã đeo bám, theo về tận hang ổ. Nhận biết bị theo dõi, những “ông trùm” đứng sau các đường dây này lập tức thực hiện nhiều hành vi, ứng xử theo kiểu côn đồ để thị uy, hù dọa PV. Có thể thấy, vì lợi ích, các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí vi phạm pháp luật.

    Hành xử kiểu côn đồ

    Sau khi tìm hiểu, chúng tôi quyết tâm theo dõi chân rết của các đường dây chăn dắt trẻ em, phụ nữ, vợ con ăn xin. Tuy nhiên, công việc này hết sức khó khăn. Bởi, các đối tượng rất ma rãnh trong cách quản lý người ăn xin và đặc biệt cảnh giác với người lạ. Trong một lần trực tiếp đeo bám người đàn ông đến đón 3 mẹ con xin ăn về nghỉ trưa trên đường Trường Chinh, chúng tôi buộc phải dừng xe vì bị côn đồ cản đường.

    Bộ mặt TP mất thẩm mỹ và văn minh khi các tụ điểm ăn xin nở rộ.

    Theo đó, khi phát hiện chúng tôi đeo bám suốt chặng đường dài, người đàn ông nhanh chóng tấp xe vào lề đường, móc điện thoại gọi người. Cuộc điện thoại kết thúc, người này vẫn đứng lại ven đường, ngoái đầu nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy thách thức. Thấy vậy, chúng tôi ghé vào quán ven đường mua nước. Lúc này, đối tượng vội rồ ga, phóng nhanh hòng cắt đuôi. Không để mất dấu, chúng tôi lập tức bám theo. Tuy nhiên, đến ngã tư đường Trường Chinh giao Phan Huy Ích (quận 12, TP.HCM), người này lao xe vào con hẻm nhỏ không số.

    Chúng tôi lách xe, bám theo. Bất ngờ, từ phía trước, xuất hiện một thanh niên mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình dùng xe chắn ngang đường chúng tôi. Người này hất hàm hỏi với thái độ thách thức: “Mấy người tìm ai?”.

    Đoán biết đối tượng là đồng bọn của người đàn ông chăn dắt ăn xin, chúng tôi lảng tránh câu trả lời. Để thị uy, người này hỏi tiếp: “Mấy người theo dõi người ta làm gì?”. Trước thái độ côn đồ, chúng tôi cho biết là đang tìm nhà người quen nhưng quên hẻm, rồi quay xe trở ra.

    Gã thanh niên xăm trổ tiếp tục dùng xe bám theo chúng tôi gần 1km. Có lẽ đã chắc chắn chúng tôi không quay lại điều tra, người này ngoặt xe “biến” vào con hẻm hun hút.

    Ghi nhận thực tế, PV nhận thấy hầu hết các đường dây chăn dắt ăn xin luôn tìm những khu trọ không có địa chỉ, nơi hẻo lánh để “nuôi quân”. Trong quá trình đưa, đón người ăn xin trở về lãnh địa, các đối tượng chăn dắt cắt cử nhiều người canh gác, cản địa, phân bố đều trên các đoạn đường dẫn về “hang ổ” nhằm hỗ trợ nhau trong việc quản lý địa bàn, phát hiện cơ quan chức năng theo dõi. Thậm chí, có đường dây, khi phát hiện bị đeo bám đã táo tợn gây tai nạn, gây gổ, hành hung người theo dõi.

    Cần lên án mạnh mẽ

    Người dân trên địa bàn các quận có điểm nóng về tình trạng chăn dắt ăn xin cho biết, xã hội cần lên án mạnh mẽ hoạt động nói trên. Cùng nhận định trên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, ăn xin, chăn dắt ăn xin là vấn nạn của xã hội. Trước hết, hoạt động này gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, văn hóa đô thị. Bộ mặt đô thị bị làm xấu, méo mó khi liên tục xuất hiện người ăn xin đi lại, vòi vĩnh, xin tiền.

    Những đứa trẻ sẽ gặp nguy hiểm khi ăn xin giữa lòng đường.

    Ngoài ra, hoạt động này còn làm xuất hiện thêm nhiều tệ nạn khác như trộm cắp. Người ăn xin thường xuất hiện trên những tuyến giao lộ lớn, có sự tham gia giao thông của nhiều loại xe. Do đó, tình trạng những đứa trẻ lượn lờ, bao vây trước các phương tiện giao thông khi dừng đèn đỏ để xin tiền sẽ không thể đảm bảo an toàn cho cả người đi bộ lẫn người lái xe. Kèm theo đó, hoạt động ăn xin còn là nguyên nhân của sự hỗn loạn, kẹt xe vào giờ cao điểm.

    Theo ông V.T.Q. (50 tuổi, cán hộ hưu trí tại quận 10, TP.HCM): “Chúng ta cần lên án mạnh mẽ nạn chăn dắt và ăn xin trên địa bàn TP.HCM cũng như tại các tỉnh, TP khác. Hiện nay, xã hội phát triển đã có nhiều tổ chức bảo trợ xã hội, các nhóm tình nguyện viên giúp đỡ lo lắng cho người nghèo, trẻ lang thang cơ nhỡ. Khi phát hiện các trường hợp quá khó khăn, chúng ta nên liên hệ, giúp đỡ họ gia nhập các mái ấm tình thương, tổ chức xã hội. Như vậy, vừa đảm bảo cuộc sống cho người già, trẻ mồ côi, lang thang vừa tránh được tình trạng họ bị lạm dụng sức lao động. Dẹp bỏ nạn ăn xin sẽ giúp bộ mặt TP đẹp hơn”.

    Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Trong Bộ luật Hình sự chưa có điều luật nào quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm hình sự người có hành vi chăn dắt, ép buộc người khác đi ăn xin. Tuy nhiên, trong Nghị định 144/2013 có quy định hình thức xử phạt chính đối với người có hành vi ép buộc, chăn dắt người già và trẻ em đi ăn xin. Cụ thể, người nào ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo khoản 2, Điều 20 của Nghị định 144”.

    “Cũng tại khoản 3, Điều 27 của Nghị định trên, người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi: tổ chức, ép buộc đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, nếu chứng minh được những người chăn dắt có hành vi đánh đập, bắt người già, trẻ em nhịn ăn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội Hành hạ người khác. Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”, luật sư Dũng cho biết thêm.

    Luật sư Dũng cũng cho rằng, hiện nay tình trạng chăn dắt người già và trẻ em đi ăn xin, bán hàng rong, bán vé số... đang ngày càng phổ biến. Do đó, vị này kiến nghị cần sớm có một điều luật riêng trong Bộ luật Hình sự với tội danh: Lợi dụng người già và trẻ em để trục lợi. Khi đó, cơ quan chức năng mới có cơ sở để xử lý, ngăn chặn những người có hành vi chăn dắt, ép buộc người già và trẻ em đi ăn xin, bán vé số...

    Khẳng định thông tin trong thời gian qua, TP.HCM liên tục xuất hiện tình trạng ăn xin, chăn dắt ăn xin, ông Võ Minh Hoàng, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội, sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: “Trước đây, chính quyền các cấp đã đưa ra những giải pháp để xóa bỏ các tụ điểm ăn xin trên địa bàn TP. Thành phố đã có đường dây nóng để phản ánh tình trạng chăn dắt ăn xin và người đi ăn xin.

    Tuy nhiên, người ăn xin gần đây bắt đầu xuất hiện và tăng dần tại các quận, huyện ngoại thành. Phần lớn những người này là người dân ở các tỉnh, thành phố khác (người dân TP. đi ăn xin chiếm tỉ lệ khoảng 14%)”.

    Đề xuất chính sách hỗ trợ người ăn xin

    Ông Võ Minh Hoàng cho rằng: “Tình trạng người xin ăn giả dạng (bệnh, bán vé số, tăm bông,...), lợi dụng trẻ em để xin ăn, giả thầy tu đi khất thực, nạn chăn dắt ngày càng tăng dẫn đến khó khăn trong việc xử lý. Do vậy, ngoài việc tiếp tục duy trì các đường dây nóng, tăng cường rà soát địa bàn, Sở cũng đề xuất tập trung vào các chính sách hỗ trợ người ăn xin, sinh sống nơi công cộng khi hồi gia để giảm tình trạng tái xin ăn. Thông thường người ăn xin, lang thang không có nghề nghiệp, không có nơi cư trú. Do đó, khi những người này được giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng rất dễ tái ăn xin”.

    Huệ Trần

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-xin-sai-thanh-phat-hien-bi-theo-doi-trum-chan-dat-cu-dong-bon-dan-mat-a201614.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan