+Aa-
    Zalo

    "Anh hùng không huân chương" vận chuyển F0, F1 đến khu cách ly

    ĐS&PL Bất kể ngày đêm, mỗi khi có thông báo từ cấp trên, các tài xế lái xe cứu thương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lại trên đường đến nơi có người nhiễm COVID-19 để đưa những người này đến các khu cách ly trên địa bàn.

    Mệnh lệnh từ trái tim

    Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, công việc của những tài xế lái xe cứu thương ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lại càng khó khăn và vất vả hơn. Họ phải làm việc liên tục và không ngừng nghỉ, đặc biệt là trong những thời điểm mà số ca F0 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục tăng cao trong những ngày dịch cao điểm.

    Gần 10 năm lái xe cứu thương chuyên chở các bệnh nhân đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, có lẽ chưa khi nào công việc của anh Phan Văn Tuấn (41 tuổi) và các đồng nghiệp ở nơi đây vất vả như thời gian vừa qua. Bởi lẽ, anh Tuấn bây giờ không chỉ là tài xế của những chuyến xe vận chuyển bệnh nhân nguy kịch đi cấp cứu, mà anh còn là tài xế của những chuyến xe chuyên chở các F0, F1 và những người có yếu tố dịch tễ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao đến các khu cách ly trên địa bàn.

    anh hung khong huan chuong van chuyen f0 f1 den khu cach ly dspl 1
    Mặc dù công việc luôn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng các tài xế lái xe cứu thương ở các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn không ngần ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    Trò chuyện với PV, anh Tuấn cho biết, từ tháng 3/2020, anh bắt đầu được cấp trên giao nhiệm vụ lái xe cứu thương chở các ca F0, F1 đi điều trị, cách ly. Lúc đầu, khi chở những ca F0 đầu tiên, anh cũng rất sợ, mỗi lần lên xe anh đều phải chuẩn bị rất kỹ càng để đảm bảo an toàn cho bản thân. Theo thời gian, nhờ được tập huấn thường xuyên cũng như trang bị đầy đủ về các dụng cụ bảo hộ anh đã quen dần với công việc và không còn lo lắng như lúc ban đầu.

    Theo anh Tuấn, những giai đoạn dịch cao điểm, anh luôn phải lái xe suốt từ sáng sớm đến 2, 3h sáng hôm sau, ngày chạy trung bình từ 13 đến 14 chuyến. Có những ngày, anh phải chạy liên tục không có thời gian để ăn trưa. Khi số lượng F0 tăng cao, sau mỗi chuyến đi, anh trở về và xem cơ quan như là nhà, bởi khi ấy, anh phải ở lại cơ quan để sẵn sàng nhận lệnh mà cấp trên giao phó, đồng thời phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

    "Vì sức khỏe của mỗi người bệnh, mọi nhiệm vụ được giao tôi luôn mong muốn hoàn thành thật tốt để qua đó góp phần công sức nhỏ của bản thân cùng cơ quan, xã hội vào công tác phòng, chống dịch", anh Tuấn nói.

    Cũng như anh Tuấn, trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ tư vừa diễn ra trên địa bàn, anh Nguyễn Văn Minh (32 tuổi), tài xế lái xe cứu thương của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc đã vận chuyển hàng trăm trường hợp là các F0, F1 đến các khu cách ly.

    anh hung khong huan chuong van chuyen f0 f1 den khu cach ly dspl 2
    Anh Phan Văn Tuấn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi được cấp trên giao phó lái xe cứu thương đưa các F đến các khu cách ly trên địa bàn.

    Anh Minh chia sẻ, anh có vợ và 1 con nhỏ mới 5 tuổi. Từ tháng 8 đến nay, vợ chồng anh cùng tham gia chống dịch nên phải gửi con về nhờ nhà ngoại chăm sóc. Mặc dù phải xa nhà, xa con nhưng cùng làm việc trong một đơn vị cho nên cũng giúp cho vợ chồng anh có thể quan tâm, động viên nhau sau những giờ làm việc căng thẳng.

    "Vợ chồng tôi thường động viên nhau, công tác trong lĩnh vực y tế, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân. Dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng chúng ta phải cùng nhau cố gắng, chung sức đồng lòng cùng lực lượng tuyến đầu để đẩy lùi dịch bệnh. Có như vậy mới sớm đưa cuộc sống trở về bình thường, chúng ta mới sớm được về nhà thăm con", anh Minh thông tin.

    Cũng theo anh Minh, là lái xe chở các F, anh đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân F0 có bệnh nền nặng, nguy kịch. Những lúc như thế, anh phải cố gắng làm sao để lái xe chạy nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông để đưa bệnh nhân đến cấp cứu kịp thời.

    Ông Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho biết, tại đơn vị hiện có 2 xe cứu thương với 4 tài xế. Các tài xế tham gia lái xe chở các F cũng giống như các tài xế khác, anh Tuấn là tài xế rất nhiệt tình, chịu khó và sẵn sàng nhận lệnh trong bất cứ thời gian nào và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà trung tâm giao phó.

    Bất chấp khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ

    Anh Lê Quốc Tuấn (31 tuổi), với 6 năm lái xe cứu thương cho Trung tâm Y tế huyện Phong Điền. Nhà anh có 2 con nhỏ, thu nhập chính của gia đình từ đồng lương ít ỏi của cả hai vợ chồng. Dù công việc lái xe cấp cứu với đặc thù luôn phải trực, nhận lệnh lên đường bất kể thời gian song anh vẫn luôn cố gắng, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

    Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu như ngày nào anh Tuấn cũng phải làm việc cả ngày đêm để kịp thời vận chuyển các đối tượng liên quan đến bệnh nhân Covid-19 đi cách ly và đón công dân hoàn thành cách ly trở về. Thời gian anh Tuấn ở nhà cùng vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay.

    Anh Tuấn cho hay, những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh chở các F, khi có các trường hợp cấp cứu ở vùng dịch hoặc những cấp cứu nặng ở cơ quan anh cũng đảm nhận. “Trong đợt dịch vừa qua, khó mà kiểm đếm hết số lần anh chở các F đi cách ly. Công việc này vất vả lắm, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nhưng khi tôi nhận được sự động viên từ gia đình, cơ quan và trên hết là sức khỏe của cộng đồng luôn thôi thúc tôi và các anh em trong đơn vị luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Tuấn tâm sự.

    anh hung khong huan chuong van chuyen f0 f1 den khu cach ly dspl 3
    Bất kể ngày đêm, mỗi khi có lệnh từ cấp trên các tài xế lái xe chở các F luôn sẵn sàng lên đường hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

    Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền cho biết, anh Lê Quốc Tuấn là 1 trong 3 tài xế lái xe cấp cứu của Trung tâm, dù tuổi còn trẻ, song anh Tuấn là người rất nhiệt tình, có trách nhiệm, luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà lãnh đạo giao phó.

    “Trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, bất kể ngày đêm, anh Tuấn luôn sẵn sàng nhận lệnh từ cấp trên lái xe cứu thương chở các F và những người có yếu tố dịch tễ đến các khu cách ly. Tôi đánh giá rất cao về thái độ làm việc của anh Tuấn, dù còn nhiều khó khăn, vất vả trong công việc nhưng Tuấn luôn cố gắng vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho”, ông Lợi nhấn mạnh.

    Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Hoàng Nhân, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang sử dụng mô hình cấp cứu 115 vệ tinh gồm một trung tâm đặt tại Tp.Huế và các đơn vị vệ tinh là các trung tâm Y tế huyện, thị và thành phố.

    “Tại đơn vị hiện nay bố trí 3 tài xế thường xuyên vận chuyển các F0, F1 và những người đi về từ vùng dịch, người bệnh nhập cảnh từ Lào về điều trị tại Huế, các bệnh nhân nặng của các tỉnh lân cận có dịch về địa phương để điều trị”, ông Nhân cho biết thêm.

    Công Định

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số đặc biệt (1+2+3)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/anh-hung-khong-huan-chuong-van-chuyen-f0-f1-den-khu-cach-ly-a524375.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan