Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu


Thứ 7, 15/03/2014 | 03:29


Người dân thôn Xéo Lủng (Hà Giang) đều bảo: “Cái thằng Mỷ, con bà Vừ Thị Dính bé thế thôi mà giỏi lắm! 18 tuổi đã được vào cái Đảng, làm Bí thư Chi bộ giúp được bao nhiêu việc cho người Mông mình!”.

Sùng Mí Mỷ năm nay 29 tuổi, người nhỏ thó chỉ như cây sậy bên bờ sông Nho Quế, như cái ống trúc nhỏ giữ âm thanh cao bổng cho chiếc khèn người Mông. Ấy vậy, nhưng người dân thôn Xéo Lủng (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), từ già đến trẻ đều bảo: “Cái thằng Mỷ, con bà Vừ Thị Dính bé thế thôi mà giỏi lắm! 18 tuổi đã được vào cái Đảng, làm Bí thư Chi bộ giúp được bao nhiêu việc cho người Mông mình!”.

Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Căn nhà của Sùng Mí Mỷ trên mỏm đất nhô ra địa đầu Tổ quốc.

Điều đó khiến tôi vịn theo những câu kể của người Mông ở Lũng Cú, tìm lên tận căn nhà địa đầu, gặp cậu...

Mình không trông đường biên thì ai trông?

Từ trung tâm xã Lũng Cú ngay dưới chân cột cờ Quốc gia, ngược con đường vắt vẻo lưng chừng núi Cá Mùa Khư ra mốc 422, khoảng 2 cây số là đến thôn Xéo Lủng. Ở khu vực biên giới, sát đường biên, thuộc diện “hạn chế đi lại”, nên thôn Xéo Lủng với 46 nóc nhà vẫn giữ được cốt cách người Mông bản địa.

Nhà Mỷ nhỏ, thấp lè tè đúng cách người Mông. Trước nhà, trắng xóa hoa mận trắng tinh khôi, chen với sào tre oằn người làm dây phơi quần áo.

Tháng 7/2011, trong khi đang làm nương tại khu vực mốc 425, thôn Xéo Lủng (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), Sùng Mý Mỷ phát hiện 3 đối tượng lạ mặt từ bên kia biên giới có trang bị vũ khí xâm nhập lãnh thổ Việt Nam.

Do địa bàn hẻo lánh hiểm trở, cách xa khu dân cư nên một mặt Sùng Mí Mỷ tìm cách báo tin cho cán bộ biên phòng xin hỗ trợ, mặt khác huy động người dân đang làm nương gần đó, dùng cuốc xẻng tổ chức phục bắt được 1 đối tượng mang vũ khí, giao nộp BĐBP Đồn Lũng Cú. Qua khai thác, đối tượng này khai nhận đã cùng đồng bọn xâm nhập Việt Nam với dụng ý xấu. Tháng 2/2012, Sùng Mí Mỷ được BTL BĐBP tặng Kỷ niệm chương Vì Chủ quyền an ninh biên giới.

Cúi nhìn qua sào tre, con sông Nho Quế xanh biếc, mỏng mảnh như sợi chỉ hẹn thề trên tay cô gái Mông, rất mực yêu thương nhưng cũng rành rẽ phân chia hai quốc gia bằng hai bờ dựng đứng.

Vợ Mỷ là Lùng Thị Cái, năm nay mới 23 tuổi, còn trẻ lắm nhưng đã sinh cho Mỷ hai thằng cu Sùng My Lía năm nay đã 7 tuổi và Sùng My Dà năm nay 4 tuổi.

Mỷ làm Bí thư Chi bộ thôn Xéo Lủng, lại là dân quân xã nên không rượu chè như người khác. Mà có muốn say cũng chả có thời gian, cứ chục ngày, lại dành vài buổi tuần tra đường biên cùng với bộ đội biên phòng (BĐBP).

Trước hôm chồng đi biên, Cái lụi hụi vò lá thuốc nấu nước đóng can uống dọc đường, gà mới le te gáy sáng đã quấn tóc dậy nhóm bếp, xúc gạo trong chum của hai đứa trẻ, nấu trộn với ngô và nén chặt, để sẵn vào lù cở cho chồng no bụng dọc đường.

Tôi hỏi: “Sao phải trộn ngô?”. Cái cúi mặt lí nhí: “Nhà chỉ có vạt núi đá trồng ngô. Nương trồng lúa thì bé tý. Người lớn ăn ngô mèn mén, trẻ con mới được ăn cơm!” và có ý trách chồng: “Suốt ngày lo việc bộ đội có ai làm nương?” khiến Mỷ gắt: “Biên phòng giao mốc rồi, mình không trông thì ai trông?”.

Người Mông giữ đất Xéo Lủng

Xéo Lủng có 46 nóc nhà, với 235 nhân khẩu và phân nửa số dân của xóm là trẻ con. Là khu dân cư nhô ra ngay chót đầu dải đất hình chữ S, lại gần cột cờ Quốc gia Lũng Cú ngày đêm ngạo nghễ sắc đỏ kiên trung, nên hình như phía bên kia... ngứa mắt lắm.

Hồi chưa hoàn tất phân giới cắm mốc, dân Xéo Lủng ngày đêm đối mặt với âm mưu cướp đất của lính Trung Quốc.

Theo lời thượng tá Nguyễn Hải Lý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, chỉ tính từ năm 1991 đến năm 1998, phía Trung Quốc đã hai lần kéo quân sang đốt phá nhà cửa, hòng cướp đất, dồn dân Xéo Lủng vào sâu trong nội địa.

Nghiêm trọng nhất là việc ngày 4/3/1992, gần 30 lính, dân binh Trung Quốc mang theo vũ khí xâm nhập vào xóm Xéo Lủng, ngang ngược tuyên bố đất Xéo Lủng là lãnh thổ của họ rồi nổi lửa đốt phá, làm cháy rụi 18 căn nhà, hơn 3,5 tấn lương thực và nhiều tài sản.

Thế nhưng dân Xéo Lủng vẫn cùng bộ đội kiên cường bám đất, đẩy đuổi quân ăn cướp.

Bây giờ, mốc giới đã dăng khắp biên cương. Đất thôn Xéo Lủng có đến 7 cột mốc (422 - 428) như những người lính biên phòng nối hàng từ đỉnh núi Cá Mùa Khưa xuống tận bờ sông Nho Quế, nghiêm trang canh gác cho người Mông lật đá trồng ngô, vỡ đất cấy lúa. Căn nhà đầu tiên ở cái mỏm đất nhô ra đỉnh nhọn của Tổ quốc, nhìn rõ cột mốc địa đầu, là nhà Sùng Mí Mỷ.

Thật lạ, dọc hơn 1.066 km đường biên giới Việt - Trung trên đất liền khắp dải biên giới phía Bắc, đối tượng từ bên kia muốn lẻn sang, đều vấp với BĐBP. Duy ở Xéo Lủng, Trạm BP Lũng Cú lại đóng tít phía sau đường biên, nên kẻ lạ phải đối mặt đầu tiên với gia đình Sùng Mí Mỷ, từ thằng cu Sùng My Dà bé lít nhít 4 tuổi cho đến bà mẹ Vừ Thị Dính, lưng còng tuổi 76.

Mỷ kể: bương trồng ngô be bé, đủ gieo 5kg hạt giống. Mỗi tháng lĩnh 1.050.000 đồng phụ cấp dân quân, dành hết tiền mua gạo cho con trẻ ăn riêng. Ba người lớn, bữa này qua bữa khác, chỉ nhếu nháo ngô xay làm mèn mén qua ngày.

Những người lính không mang quân hàm

Tôi lên Lũng Cú sau Tết âm lịch, khắp vùng đất địa đầu vàng rực hoa cải, trắng tinh khôi hoa mận. Năm nay, nhà Mỷ thịt 2 con lợn. Mới nghe cứ tưởng giàu có, nhưng không phải, cả nhà nhặt nhạnh từng hạt cơm mót, từng vụn ngô, cần mẫn nuôi heo cả năm trời.

Ngày Tết, chỉ dám luộc bộ lòng, xào cân thịt cúng ông bà, còn lại xẻ thành miếng dài, treo gác bếp ăn dần cả năm và đến bữa, lại rón rén cắt 1 miếng, nấu nhếu nháo với rau cải, thành canh có mùi thịt vị mỡ, nuốt với mèn mén truyền thống, cho đỡ cơn đói lòng...

Ở nơi nơi cao nguyên đá, đến đất trồng rau cũng thiếu, phải tỉ mẩn tranh từng vốc đất với đá tảng sừng sững, cây ngô muốn sống cũng vắt vẻo thò rễ hút nước trong kẽ đá, lấy đâu ra thóc ra gạo mà ăn, như ở dưới xuôi? Thế nhưng vẫn phải sống, bền gan mà sống bởi đó là đất ông cha.

Lên căn nhà địa đầu Tổ quốc ngồi lặng ngắm biên cương, bên cạnh là bà mẹ Mỷ cặm cụi dệt vải, nhưng thi thoảng vẫn nhướn mắt bao quát bờ sông Nho Quế dưới thung sâu. Ngắm bọn trẻ con luồn bờ rào ngay trên bờ đất, rúc rích cười sau tầng tầng hoa trắng cây mận góc sân nhà. Nghe tiếng vợ Mỷ khệ nệ bê cám cho lợn ăn, bên vách chuồng, cũng cheo leo bờ vực...

Mới thấy cái gia đình này, xóm Xéo Lủng này thực gắn bó máu thịt với đất đai ông cha và chấp nhận tất cả, để giữ cửa nhà - làng xóm.

Biên giới có thực toàn vẹn - vững bền, bên cạnh những người lính biên phòng, là biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, gia tài và có khi cả máu, của những người dân, bao đời ăn ngủ, sinh sống, trông coi cột mốc, đường biên như gia đình Sùng Mí Mỷ - người dân xóm Xéo Lủng, nơi ngút ngàn vất vả, gian lao.

Và Sùng Mí Mỷ, người dân Xéo Lủng cùng hàng triệu người dân các thôn bản vùng biên sống cận kề đường biên - mốc giới địa đầu, mới thực là những người lính biên phòng không mang quân hàm gìn giữ cương vực Quốc gia.

Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Trẻ con nhà Mỷ chơi ngoài sân, dãy núi đối diện là phía TQ.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Khách quý đến thăm, Mỷ làm phong tục mời rượu của người Mông.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Mốc 428 sát sông Nho Quế, gần căn nhà Sùng Mí Mỷ.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Cột cờ quốc gia Lũng Cú.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Cột cờ quốc gia Lũng Cú.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Trẻ em thôn Xéo Lủng.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Trẻ em thôn Xéo Lủng.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Địa đầu Lũng Cú, nhìn từ trên cột cờ.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Mốc 427 ngay cạnh nhà Mỷ, phía dưới là sông Nho Quế.
Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Kỷ niệm chương của BTL BĐBP tặng Sùng Mí Mỷ.

H.T (theo TNO)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/anh-o-bien-cuong---ky-cuoi-moc-son-chot-vot-dia-dau-a25467.html

  • Anh ở biên cương - Kỳ 1: Tranh tre nứa lá

    Anh ở biên cương - Kỳ 1: Tranh tre nứa lá

    Những người lính bộ đội Biên phòng, quân hàm xanh trung trinh giữ từng nắm đất, vòng suối nơi địa đầu gian khổ của Tổ quốc.
  • Anh ở biên cương - Kỳ 2: Đau đáu Sì Lờ Lầu

    Anh ở biên cương - Kỳ 2: Đau đáu Sì Lờ Lầu

    Nhắc đến anh em Đồn Biên phòng (BP) Sì Lờ Lầu, Chủ tịch Đông nghiêm giọng: “Giúp được gì cho chúng nó, phải giúp ngay. Làm cái bộ đội tuyến đầu thế này, vất vả và hy sinh nhiều lắm!”.
  • Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân

    Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân

    Trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh, Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng (BP) Lũng Cú (thuộc Đồn BP Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), quê ở Bắc Ninh nhưng nửa câu quan họ không biết, bù lại anh làu làu tiếng Mông và thông thổ từng mô đá dọc bờ sông Nho Quế. Hỏi ra mới biết, anh Quỳnh đã gần chục năm gắn bó với Lũng Cú, đến mức lấy vợ ở luôn đây.
  • Anh ở biên cương - Kỳ 4: Máu đổ trên đường tuần tra

    Anh ở biên cương - Kỳ 4: Máu đổ trên đường tuần tra

    Môn học nghiệp vụ của Học viện Biên phòng có bài “Tổ chức Tuần tra - bảo vệ biên giới” chỉ bảo rất cặn kẽ những thủ tục quy định chăm sóc mốc giới - biểu tượng của QG