+Aa-
    Zalo

    Anh Thơ bị chê hát không hay trong Giai điệu tự hào tháng 7

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Sau khi bị Phó giáo sư nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái chê hát không hay, Anh Thơ đã được hội đồng khách mời bình luận trẻ bênh vực.

    (ĐSPL) - Trong Giai điệu tự hào tháng 7, sau khi bị Phó giáo sư nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái chê hát không hay, Anh Thơ đã được hội đồng khách mời bình luận trẻ bênh vực.

    Anh Thơ được bênh vực khi bị chê hát không hay

    Phê bình phần biểu diễn tiết ca khúc Xa khơi của ca sĩ Anh Thơ là không chạm vào trái tim người nghe nhạc, Phó giáo sư nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đã bị cả hội đồng khách mời bình luận trẻ nhất mực phản đối. Đây cũng chính là phần bình luận gay cấn nhất trong chương trình Giai điệu Tự hào, phát sóng tối ngày 26/7 vừa qua.

    Giành giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 1998 với ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, hàng ngàn lần biểu diễn tác phẩm này suốt 16 năm qua, những tưởng, Anh Thơ – Xa khơi sẽ là lời chào mở màn thật hoàn hảo cho đêm nhạc Giai điệu Tự hào, tôn vinh các ca khúc hay nhất về biển đảo.

    Vậy nhưng, lắng nghe ca khúc này, PGS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, đại diện khó tính nhất của Hội đồng khách mời bình luận lớn tuổi của chương trình đã thẳng thắn phê bình: “Nghe lại ca khúc này, tôi nhớ giọng hát của Tân Nhân hơn là ca sĩ đang trình bày trước mặt. Ca sĩ trẻ, bản phối lại không mới nữa nên không đem lại tất cả tình tự của của dân tộc đó là nỗi đau của sự chia cắt. Ca khúc cũ dù phối mới hay cũ thế nào đi nữa mà không chạm vào trái tim người yêu nhạc thì cũng là sự thất bại”. Phó Giáo sư cũng cho biết thêm: “Nếu ca sĩ Anh Thơ hát được như Tân Nhân thì sẽ thuyết phục công chúng”.

    Phần bình luận này ngay lập tức bị Nhiếp ảnh gia Na Sơn phản đối. Anh cho rằng Nguyễn Thị Minh Thái hơi cá nhân khi nhận xét như vậy. Thử tưởng tượng nếu ca sĩ Anh Thơ hát y hệt như cô Tân Nhân ngày xưa, ở trên sân khấu này, vào năm 2014 thì liệu giới trẻ có đồng cảm? Nhiếp ảnh gia cũng bày tỏ thêm: “Cách hát của Anh Thơ rất hay, rất da diết. Nó là những khát khao được gặp gỡ của những người chồng, người vợ, của những đôi lứa. Nói về những điều bình dị nhưng giúp cho chúng tôi, những người trẻ đồng cảm và thêm yêu đất nước”.

    Đồng quan điểm với Nhiếp ảnh gia Na Sơn, thiếu tá Nguyễn Minh Cường, một khách mời khác cũng không đồng ý với ý kiến của PGS Minh Thái. Anh quan niệm, sự chia cắt trong Xa khơi chỉ tạm thời, cũng giống như việc người vợ chờ chồng, những đứa con chờ cha đi biển đánh cá.

    Thiếu tá trẻ cũng có tâm sự hết sức xúc động: “Có ai ra Trường Sa bằng những con tàu to rồi mới thấy ngư dân chúng ta ra ngoài xa đánh cá với con tàu mỏng manh yếu đuối đến thế nào. Giữa bao la biển trời như vậy làm sao con tàu ấy đủ sức chống trọi với bão, sóng gió để trở về an toàn? Tôi chỉ ước ngư dân có những con tàu thật lớn, thật an toàn để những người ở nhà khỏi đau đáu chờ đợi”.

    Không chỉ hai thành viên hội đồng trẻ, Nhà báo – Nhà văn Vũ Hanh – đại diện cho thế hệ lớn tuổi cũng tỏ ý khen ngợi giọng hát của Anh Thơ. Đồng thời ông cũng chia sẻ thông tin rất bất ngờ về đề tài địa lý do phương Tây biên soạn: “Con sông Hồng và sông Cửu Long, dù cách xa hai miền như vậy nhưng khi ra tới biển 300 km, hai dòng sông gặp nhau, tạo thành một hố sâu, hòa chung làm một. Điều này cũng chứng minh một sự thật: đất liền, sông và biển Việt Nam là một, không có gì chia cắt được”. Tuy nhận được sự khen ngợi của đa số khách mời bình luận nhưng Xa khơi chỉ nhận được 67,02\% sự bình chọn của khán giả tại trường quay.

    Kiều Hưng: Con tằm rút ruột nhả tơ

    Tuổi cao, sức yếu khiến cho giọng hát của nghệ sĩ Kiều Hưng không còn khỏe, vang dày như trước nhưng phần trình diễn tác phẩm “Tình em biển cả” của ông và Nhóm Dòng Thời Gian vẫn gây xúc động mạnh tới công chúng. Hơn 20 năm xa xứ, lần trở về để biểu diễn cho Chương trình Giai điệu Tự hào này, lão nghệ sĩ đã chở cả một biển trời kỷ niệm của biết bao thế hệ trân quý tiếng hát của ông qua ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.

    Không thể đứng vững để hát hết một lời ca khúc, nghệ sĩ Kiều Hưng được Biên đạo múa Tấn Lộc sắp xếp ngồi trên “mỏm đá” để dễ bề trình diễn. Đóng vai một người ông kể cho cháu nghe câu chuyện cuộc đời mình, để rồi khi đứa cháu lớn lên cũng theo bước ông đi bảo về đất nước, Kiều Hưng vừa hát vừa cười thật rạng rỡ. Niềm vui hội ngộ nhiều tới mức nhiều khi ông hát hơi lơi nhịp nhưng cũng chẳng cần bận lòng quá nhiều, những gì ông mang tới không chỉ là giọng hát mà hơn đó là những mảng màu ký ức của một thời “tiếng hát át tiềng bom.

    Giọng hát run run của lão nghệ sĩ được tiếp nối bằng phần thể hiện hoàn hảo của 4 chàng trai trong nhóm Dòng Thời Gian. Hai thế hệ tiếp nối già và trẻ, một – dù chưa hào hảo vì năm tháng bạc màu, một – hào sảng, tròn đầy vì tuổi trẻ, sức trai; cả hai bổ trợ cho nhau để tạo ra tiết mục biểu diễn hoàn hảo. Lắng nghe Kiều Hưng hát mới thấy thấm thía câu thơ: “Thương thay cái số con tằm. Cả đời rút ruột chỉ nhằm nhả tơ”.

    Lắng nghe ông hát, khách mời bình luận - Nhà thơ Lê Tú Lệ nhớ lại bài thơ Lính đảo do chị sáng tác. Bài thơ vừa kết thúc, ngay lập tức nghệ sĩ Kiều Hưng tâm sự, bản thân ông không hề biết Lê Tú Lệ là ai nhưng có lần ông đọc được bài thơ này trên báo, thấy quá hay nên ông phổ nhạc, thu âm và đi biểu diễn rất nhiều cho đồng bao xa Tổ quốc. Đây là lần đầu tiên ông được gặp tác giả của bài thơ và cũng là lần đầu Nhà thơ biết đến sự tồn tại của ca khúc ấy.

    Phần trình diễn ca khúc Biển hát chiều nay của Mỹ Tâm cũng là một điểm cộng về nghệ thuật của chương trình. Nữ ca sĩ hát giàu cảm xúc, dàn minh họa đẹp và công phu, tất cả tạo thành một khối thống nhất nêu bật vẻ đẹp của ca khúc. Trong phần bình luận của mình, Nhà thiết kế Hà Linh Thư chia sẻ, cái hay nhất mà tác phẩm này đem lại chính là sự nhân văn. Sau bao nhiêu biến động, tan thương để ôm lấy đất, bảo vệ chủ quyền, “biển chiều nay vẫn dịu dàng, vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”. Mỹ Tâm đã mang lại một cái kết thật đẹp của chương trình.

    Suốt 5 tiết mục của chương trình, chỉ có một chút gợn nhỏ ở phần biểu diễn Bến cảng quê hương tôi của Dương Trần Nghĩa. Kể về không khí hăng say lao động, niềm vui phơi phới của những người công nhân trên bến cảng Hải Phòng nhưng suốt cả tiết mục biểu diễn của mình, gương mặt ông bố trẻ của cuộc thi The Voice- Dương Trần Nghĩa trông quá nghiêm trọng. Giá nữ nam ca sĩ vui tươi hơn, giao lưu với khán giả nhiều hơn thì sự tác động của bài hát mang lại tới công chúng sẽ mạnh mẽ hơn nữa. Tuy vậy phần biểu diễn này vẫn được đông đảo khách mời bình luận yêu thích. NSND Thanh Hoa hạnh phúc cảm ơn ca sĩ vì đã giúp bà thấy được cả một thời tuổi trẻ. Bà đặc biệt yêu thích ca khúc này.

    Chương trình Truyền hình Giai điệu Tự hào được phát sóng vào thứ 7 cuối cùng hàng tháng trên VTV1 và phát lại trên kênh VTV3.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/anh-tho-bi-che-hat-khong-hay-trong-giai-dieu-tu-hao-thang-7-a43115.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan