Áo xanh biên phòng chiến đấu với “giặc” Covid-19: Biên cương những ngày không bình yên (Bài 1)


Thứ 7, 29/08/2020 | 01:44


Tận mắt chứng kiến các chiến sĩ biên phòng thực thi nhiệm vụ, chúng tôi càng hiểu sự cam go, khắc nghiệt của cuộc chiến không tiếng súng.

LTS: Có dịp lên biên cương những ngày cả nước cùng căng mình, quyết tâm chiến thắng “giặc” Covid-19, chúng tôi đã được nghe, được chứng kiến rất nhiều câu chuyện đặc biệt. Và hơn hết, trong mỗi câu chuyện ấy đều là quyết tâm sắt đá, là ý chí kiên cường trước mọi hiểm nguy của những người lính mang quần hàm xanh. Họ luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu để chiến thắng, không lùi bước.

Những ngày tháng Tám, PV tạp chí ĐS&PL đã có dịp đến với Hà Giang, nơi điểm nóng về vấn đề xuất nhập cảnh trái phép tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Tận mắt chứng kiến các chiến sĩ biên phòng thực thi nhiệm vụ, chúng tôi càng hiểu sự cam go, khắc nghiệt của cuộc chiến không tiếng súng.

Combo Covid-19 cộng thời tiết khắc nghiệt

Đồn Biên phòng Xín Mần (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) là điểm đến trong hành trình khá dài của chúng tôi sau hơn 12 tiếng đồng hồ từ Hà Nội vượt qua những cung đường hiểm trở, những khúc cua tay áo khúc khuỷu, rợn người và có cả những tuyến đường sạt lở do mưa lũ xảy ra liên tục. Nơi đây, một ngày có 4 mùa, khí hậu khắc nghiệt, thời tiết được ví “đỏng đảnh như gái 18”. Anh Phó đồn trưởng còn bông đùa chúng tôi: “Các đồng chí lên đây 3 ngày thì da mặt xám xịt, xấu lắm”.

Quả thật, trong hành trình đến với Đồn chúng tôi đã đi qua, có đoạn đường đang nắng chang chang, bỏng rát da thịt, thì đột nhiên một cơn mưa rào ào ào giội xuống, khiến chúng tôi vừa đi vừa lo sợ núi lở, đá đè. Thậm chí có những đoạn còn không dám đi mà chỉ kịp chạy vào gốc cây to bên đường lánh tạm. Xín Mần là huyện giáp danh với huyện Mã Quan và huyện Vân Nam (Trung Quốc) với độ cao hơn 1.600m so với mặt nước biển, nhìn từ ngoài vào ai cũng sẽ có chung suy nghĩ nơi này yên bình lắm. Nhưng không!

Ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, đồn Biên phòng Xín Mần bảo vệ hơn 30km đường biên giới, với 50 mốc quốc giới; 1 cửa khẩu Quốc gia song phương, 2 lối mở và nhiều đường mòn qua lại biên giới hai bên. Có 4 xã biên giới do Đồn quản lý (Nản Xỉn, Xín Mần, Chí Cà, Pà Vầy Sủ), 30 thôn và 11 dân tộc anh em sinh sống.

Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang phức tạp, Xín Mần là địa bàn có nguy cơ xâm nhập dịch bệnh Covid-19 rất cao, do công dân đi lao động tại các địa phương của Trung Quốc đến nay chưa trở về quê hương còn nhiều. Các chiến sĩ đồn Biên phòng Xín Mần không lúc nào lơi lỏng cảnh giác. Suốt 6 tháng qua, các chiến sĩ mang quân hàm xanh căng mình, căng lều, căng bạt, chốt chặn những đường mòn lối mở để phòng, chống dịch lây lan.

Việc đo thân nhiệt thường xuyên cả người dân làm đồng, lẫn người dân nhập cảnh trái phép.

Mong dịch nhanh được dập

Sau khi làm việc với Đồn trưởng, ngỏ ý muốn theo chân các anh đi tuần đêm vào các chốt kiểm dịch, nhưng chúng tôi bị can lại, vì đường vào chốt rất khó đi. Trời mới mưa, có nhiều đoạn đường trũng, đá ghồ ghề, bên cạnh là thung lũng sâu hun hút, không quen thì rất có thể mất mạng, thôi “để dành sáng mai đi sớm”.

7h sáng, xong xuôi mọi sinh hoạt cá nhân, chúng tôi bắt đầu hành trình vào các chốt kiểm dịch gần biên giới. Chính trị viên đồn Xín Mần – Thượng tá Đỗ Xuân Hùng, là người dẫn chúng tôi vào các chốt. Quả thật, đường đi thử thách lòng người, những tay lái lão luyện đường đồi núi như anh Bí thư xã Xín Mần, hay Chính trị viên Đỗ Xuân Hùng còn phải lắc đầu ngao ngán. Phóng viên chưa có kinh nghiệm đi rừng núi như tôi và đồng nghiệp thì xác định, thỉnh thoảng lên dốc đá ngồi trên con xe Win tưởng chừng bị hất tung xuống vực nếu không bám chắc vào xe, hoặc ôm eo người lái. Phải khi xuống xe, mới thấy mình còn sống.

Mất hơn 1 tiếng với 8km đánh vật con đường mà chúng tôi chắc chắn ai chưa đi bao giờ cũng sẽ sợ hãi, chúng tôi đến được Chốt kiểm dịch số 5 thuộc 3 mốc 194, 195 và 196 do Đồn quản lý. Phông bạt tạm bợ, bàn ghế đơn sơ, đặt chân tới chốt trong quang cảnh sương mù dày đặc, mọi thứ mờ mịt, khung cảnh đìu hiu, mờ mờ ảo ảo.

Ấy vậy mà, các anh đã ăn, ở tại chốt cũng gần nửa năm trời. Cuộc sống tạm bợ, điện không có, nước phải đi gần nửa cây số mới khiêng về được, sóng điện thoại chập chờn, có những ngày còn mất hẳn.

“Mọi thứ thiếu thốn đủ đường, anh em thì cũng quen rừng núi, nhưng lắm lúc cũng buồn, chỉ mong dịch nhanh được dập, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân”, một đồng chí trực chốt trạm chia sẻ.

Được biết, chốt số 5 cũng là nơi nguy hiểm vì theo Chốt trưởng - Trung tá Hoàng Minh Tâm, ở xung quanh khu vực, bà con lên làm ăn, và chăn thả gia súc nhiều. Các anh vẫn phải thường xuyên đo thân nhiệt, giám sát, theo dõi, tránh tình trạng nhiều người lợi dụng sơ hở này trà trộn vào ẩn nấp. Nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm thì đưa ra ngoài cách ly luôn.

“Có những ngày sương mù giăng suốt 24 giờ, mưa cứ thế phun xuống, quần áo thì ướt sũng, phơi chẳng bao giờ khô, chúng tôi đành mặc tạm áo mưa canh chốt”, Trung tá Tâm chia sẻ.

Chúng tôi tiếp tục qua Chốt kiểm dịch số 4 thuộc mốc 193. Quãng đường vào được chốt này không khác chốt trước là bao, thậm chí lần này con xe được mệnh danh là “siêu xe đi rừng” cũng phải chết máy giữa đường vì gặp nhiều đoạn trũng, hay những đoạn đá lởm chởm kinh người.

Mất 30 phút để có thể vào con đường chỉ khoảng 3km, chốt số 4 nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh là đồi núi, vì là giữa trưa, nắng lên đỉnh đầu, bao quanh là những ngọn núi cao, khiến chiếc lều tạm bợ bằng bạt hút nắng bỏng rát cả tay, không khí oi bức ngột ngạt vì không có gió khiến ai cũng phải nhăn mặt.

Khổ là thế, nhưng ý chí quyết tâm dập dịch, bảo vệ sự bình yên cho Quốc gia của các chiến sĩ thuộc đồn Biên phòng Xín Mần vẫn không hạ xuống. Đồn đã lập 8 chốt chặn cố định, 2 tổ tuần tra cơ động kiểm soát lưu động nhằm ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, tránh lây lan dịch bệnh.

“Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, trong thời gian vừa qua, các đơn vị chức năng đã phát hiện và xử lý 291 vụ, với 1.570 công dân nhập cảnh trái phép; bàn giao các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra 303 vụ, với trên 1.400 đối tượng, đáng chú ý là 1 vụ chuyên án mua bán người; 1 vụ tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài. Nhằm ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh vào nước ta”.

(Còn nữa)

Lê Liên

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (135)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ao-xanh-bien-phong-chien-dau-voi-giac-covid-19-bien-cuong-nhung-ngay-khong-binh-yen-bai-1-a336878.html