+Aa-
    Zalo

    Áp lực lạm phát năm 2022 và những thách thức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong 8 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng các cân đối lớn. Tuy nhiên, giá nguyên nhiên vật liệu, giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy áp lực lạm phát tăng cao cùng hàng loạt những thách thức.

    Đó là những phân tích được đưa ra trong báo cáo được công bố trong Tọa đàm “Áp lực lạm phát 2022 và đề xuất chính sách” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 16/9 tại Hà Nội.


    Tọa đàm có sự tham gia trao đổi và thảo luận giữa các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách như: TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV); TS. Phan Đức Hiếu (ĐBQH Khóa XV; thường trực UB Kinh tế - Ngân sách Quốc hội); TS. Vũ Đình Ánh (Chuyên gia Kinh tế); TS. Nguyễn Quốc Việt (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách).

    cac dien da 1
    Khách mời đặt câu hỏi cho diễn giả.


    Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã đưa ra đánh giá tình hình lạm phát của Thế giới và Việt Nam nửa đầu năm 2022. Từ đó, dự báo những thách thức trong mục tiêu kiềm chế lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.


    Phản ứng chính sách của Việt Nam trước áp lực lạm phát thế giới


    Đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo "Áp lực lạm phát và đề xuất chính sách năm 2022", TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế 8 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá tích cực.


    Để chủ động ứng phó với rủi ro lạm phát, với các yếu tố nguy cơ cả từ bên trong và bên ngoài, thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái chính sách được đánh giá là khá linh hoạt, phù hợp tình hình hiện tại.


    Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Ngân hàng Nhà nước liên tục sử dụng loạt các biện pháp “bơm - hút” tiền đan xen. Việc thực hiện bơm - hút tiền liên tục nhằm kiểm soát thanh khoản thị trường, điều tiết cung tiền, hướng tới thực hiện hai mục tiêu lớn là nhằm ổn định mặt bằng lãi suất và giữ ổn định tỉ giá và giá trị đồng Việt Nam, qua đó kiểm soát, đối phó với áp lực lạm phát.


    Cùng với đó, kết hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa như thực hiện miễn, giảm thuế, phí đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu, chiến lược, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.


    Thực hiện nhiều biện pháp nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu cùng với các biện pháp ổn định giá cả và nguồn cung đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu khác cũng đã giúp ổn định mặt bằng giá cả.


    Dự báo về diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong bối cảnh giá cả toàn cầu tăng cao, TS. Nguyễn Quốc Việt cho hay “áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu song Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình”.


    Ông dẫn chứng, CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,67% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng các năm 2018-2020. Trong khi đó, lạm phát ở Châu Âu tăng kỷ lục vào tháng 6/2022.


    “Kết quả này là một thành công trong kiểm soát giá cả của Chính phủ, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong năm 2022”, ông Quốc Việt nhìn nhận.


    Theo ông Việt, mặc dù hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.


    Còn nhiều thách thức trong kiềm chế lạm phát


    Theo các chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, mặc dù tình hình kiểm soát lạm phát đã tương đối tốt trong 8 tháng đầu năm, nhưng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn.


    Trong đó, thách thức lớn nhất là cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát với các mục tiêu duy trì tăng trưởng.


    Bất ổn địa chính trị toàn cầu, các quốc gia hiện thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất dẫn đến các khó khăn cho sản xuất lẫn tiêu dùng do đó có nguy cơ dẫn đến mất việc làm, giảm đầu tư và rơi vào vòng soáy suy thoái kinh tế.


    Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.


    Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.


    Thêm vào đó, xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.


    "Tuy nhiên, áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện. Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8%", TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ap-luc-lam-phat-nam-2022-va-nhung-thach-thuc-a551376.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.