+Aa-
    Zalo

    Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ cách sơ cứu khi con trẻ bị rắn độc cắn tại nhà

    (ĐS&PL) - Nhiều phụ huynh khi con bị rắn cắn liền đưa ngay đến thầy lang, điều này làm mất thời gian vàng chữa trị nọc độc.

    Liên tiếp trẻ nhập viện do rắn cắn

    Thời gian vừa qua, liên tiếp các ca bệnh nhi bị rắn cắn được nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

    “Nhiều gia đình bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, xuất huyết nặng… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế – đây là sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân bị rắn cắn”, BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

    Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm, tại Việt Nam, các loại rắn độc phổ biến gồm: rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia, rắn lục… Mỗi loài rắn có đặc trưng về hình thái và loại nọc độc khác nhau.

    “Mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển, xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn thường có xu hướng tăng đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong hoàn cảnh nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…”, BS Tâm cho biết.

    Theo BS Tâm, khi bị rắn cắn, người bệnh thường thấy đau buốt tại chỗ cắn, thấy dấu răng sâu, vết thương chảy máu khó cầm, vùng chi bị cắn sưng nề, nổi phỏng nước, hoại tử lan dần, có thể có các dấu hiệu toàn thân như nhìn mờ, sụp mi, đau rát họng, nói khó, nuốt sặc, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, thậm chí co giật, hôn mê.

    Tất cả các trường hợp bị rắn cắn đều nên được theo dõi ít nhất 24 giờ trong bệnh viện. Huyết thanh kháng nọc rắn được chỉ định trong các trường hợp có biểu hiện nặng toàn thân do rắn độc cắn hoặc có rối loạn đông máu nặng. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 4 giờ đầu, tuy nhiên trong 24 giờ đầu vẫn có hiệu quả, một số trường hợp quá 24 giờ vẫn có thể sử dụng. Các trường hợp khác được điều trị hỗ trợ tùy theo triệu chứng lâm sàng.

    ran doc can 2
    Nhiều bệnh nhi khi đến viện nhiều bộ phận đã hoại tử. Ảnh: BVCC

    Cách sơ cứu và phòng ngừa rắn cắn cho trẻ

    Qua các trường hợp bệnh nhi bị rắn cắn tại bệnh viện, các bác sĩ lưu ý trong dịp hè các phụ huynh cần biết cách phòng ngừa cho con em mình không bị rắn cắn bằng cách:

    - Tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm.

    - Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau mưa rào, trời tối

    - Không cho trẻ nằm ngủ dưới nền nhà.

    - Nếu thấy rắn trong tự nhiên, nên để rắn tự đi. Tránh bắt hay chọc phá rắn

    Khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách:

    - Động viên, trấn an, để bệnh nhi nằm yên. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc

    -Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý

    - Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn

    - Băng ép tại chỗ cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garô động mạch

    - Dùng nẹp cứng để cố định chi

    - Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất

    - Cung cấp hình dạng, màu sắc hoặc ảnh chụp con rắn cho bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.

    Bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ không sử dụng các biện pháp sau: cố gắng hút nọc độc của rắn. Trích, rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn. Không loay hoay tìm kiếm và áp dụng các kinh nghiệm dân gian hoặc thầy lang để sơ cứu.

    "Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong", BS Tâm nhấn mạnh.

    Mộc Trà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-si-benh-vien-nhi-trung-uong-chi-cach-so-cuu-khi-con-tre-bi-ran-doc-can-tai-nha-a586092.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan