+Aa-
    Zalo

    Bác sĩ chỉ đạo truyền 15 lon bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu nói gì về quyết định đặc biệt ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi tiếp nhận bệnh nhân Nhật bị ngộ độc rượu, các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Chống độc chỉ có khoảng 15 phút để huy động toàn bộ cả ê-kíp.

    Khi tiếp nhận bệnh nhân Nhật bị ngộ độc rượu, các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Chống độc chỉ có khoảng 15 phút để huy động toàn bộ cả ê-kíp.

    Bệnh nhân Nhật được truyền gần 5 lít bia vào cơ thể để kéo dài thời gian giải độc. Ảnh: VnExpress

    Ngày 10/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị xác nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (trú xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) đã hồi phục và được cho về nhà, sau khi nằm điều trị tại đây vì ngộ độc rượu nặng. Bệnh viện cũng xác nhận việc bác sĩ đã dùng đến 15 lon bia để "giải độc" rượu cho ông Nhật.

    Bác sĩ Lê Văn Lâm, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, người trực tiếp cấp cứu cho ông Nhật cho biết, ngày 25/12, ông Nhật nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu nặng, hôn mê, hết sức nguy kịch.

    Ngay sau đó, bệnh viện này đã quyết định dùng 3 lon bia để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Cứ thêm một giờ đồng hồ lại truyền tiếp 1 lon bia nữa. Sau khi truyền đến lon thứ 15 cùng với kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, thì ông Nhật tỉnh.

    Bác sĩ Lâm cũng cho biết đây là lần đầu khoa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu nặng và sử dụng phương pháp truyền bia vào cơ thể giúp bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.

    Bác sĩ Lâm lý giải, rượu gồm hai loại là Etylic và Metylic. Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm không gây độc. Trong khi Metylic được chuyển hóa sau nhưng tạo thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.

    Chất Andehit Formic trong máu chính là nguyên nhân khiến ông Nhật hôn mê. Lúc này, cơ thể bệnh nhân hết Etylic. Vì vậy, nhằm hạn chế chuyển hóa Metylic, các bác sĩ truyền bia cho bệnh nhân. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân.

    Bác sĩ Lê Văn Lâm. Ảnh: Zing.vn

    "Phương pháp cấp cứu bệnh nhân này tôi đã đọc trên các tài liệu nước ngoài từ lâu nên khi đó mạnh dạn thực hiện. Chúng tôi không có nhiều thời gian để đắn đo, tin vào những gì mình biết, làm hết sức có thể để cứu sống bệnh nhân của mình", bác sĩ Lâm cho biết thêm.

    Ngoài ra, tình trạng của bệnh nhân khi đó gặp biến chứng của ngộ độc rất nặng nề, xuất huyết chảy máu đường tiêu hóa. Khi các bác sĩ đặt ống vào dạ dày, máu đã trào ra.

    "Nếu có rượu chưa chắc chúng tôi dám bơm vào, việc này có thể cứu sống được bệnh nhân nhưng đường tiêu hóa bị chảy máu quá nhiều. Quyết định này cũng gây nhiều khó khăn hơn cho bác sĩ trong quá trình điều trị. Do lượng nước lớn đưa vào cơ thể trong thời gian ngắn, các bác sĩ phải theo dõi, kiểm soát toàn bộ cân bằng nước, các chất khác nước. Vì giải pháp tình thế, chúng tôi không còn cách nào khác", vị trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc phân tích.

    Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đồng tình với những lý giải của bác sĩ Lê Văn Lâm.

    Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyên nhấn mạnh, việc điều trị ngộ độc rượu bằng cách nào chỉ có thể tiến hành ở trong bệnh viện và dưới sự thực hiện của bác sĩ có chuyên môn, tuân thủ theo phác đồ điều trị, có sự giám sát thường xuyên. Người dân không được tự dùng bia giải độc rượu trong cộng đồng vì không thể xác định được đúng tình trạng methanol trong cơ thể, khi đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-si-chi-dao-truyen-15-lon-bia-cuu-benh-nhan-ngo-doc-ruou-noi-gi-ve-quyet-dinh-dac-biet-a258754.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan