+Aa-
    Zalo

    Bài 1: Thế giới “chìm” và bí ẩn mối quan hệ đại gia - vệ sỹ

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Hàng năm, đại gia chi tiền tỉ cho “công tác” bảo vệ mình và gia đình, tránh những “nguy hiểm” có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Vậy đằng sau sự giao kết đại gia - vệ sỹ là gì?

    (ĐSPL) - Vụ án “bầu” Kiên diễn ra, người ta thấy, chị gái và vợ “bầu” Kiên luôn được một người đàn ông cao lớn, đầu trọc chăm sóc, giúp đỡ khi đến dự tòa. Người đàn ông đầu trọc này có những hành động thể hiện mình là người bảo vệ chuyên nghiệp cho VIP như biết giữ thân chủ của mình tránh giới truyền thông, tránh những tiếp xúc không cần thiết bằng việc “dọn đường”, ra xe ô tô mở cửa xe, đưa đón đi; thường đến và đi trước để quan sát, bảo vệ...

    Không ai biết người đàn ông đầu trọc cao to đó có mối quan hệ như thế nào với “bầu” Kiên và gia đình “bầu” Kiên. Song, hành động anh ta thể hiện rất chuyên nghiệp với nghề bảo vệ các nhân vật cần được “chăm sóc”. Lúc này, tôi mới nhớ đến một chuyện “động trời” mà trong những lần “trà dư, tửu hậu” với đại gia, với những người “anh xã hội”. Đó là đại gia tiền đè chết người, quyền đầy nhà ra đến ngõ nhưng rất sợ chết, vì nhiều kẻ thù. Hàng năm, họ chi tiền tỉ cho “công tác” bảo vệ mình và gia đình, tránh những “nguy hiểm” có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Và đằng sau sự giao kết đại gia - vệ sỹ là gì?

    “Đây là nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp và sự tập trung, đức tính trung thành cao. ở Việt Nam, người làm nghề này thường được gọi là vệ sỹ nhưng chưa đúng với tính chất công việc của nó. Gọi là người bảo vệ là đúng nhất!”. Tranh luận về vấn đề vệ sỹ bảo vệ đại gia chuyên nghiệp cỡ nào, anh Hoàng Văn Thống, người có 15 năm kinh nghiệm bảo vệ đại gia, VIP nói vậy. Nhận xét này đúng hay sai thì chỉ khi đi sâu vào tìm hiểu một vấn đề hoặc sự kiện trong cuộc sống, mới biết, nó có những bí ẩn, zích zắc riêng mà chỉ có người trong nghề mới lý giải được.

    Ai đào tạo, đào tạo ở đâu?

    Trong lúc trò chuyện với tôi, anh Thống “cài cắm” thông tin một cách tinh tế. Anh bảo, anh có thời gian ba năm sang châu âu học làm người bảo vệ đúng nghĩa. Trong đó, anh chỉ có 6 tháng để học tiếng, còn lại là học thực hành. “Thực chất, học bằng cách xem băng và tham gia thực hành trực tiếp đem lại kiến thức rất nhanh.

    Ngoài xem băng, xem các tình huống để luyện tập thì người học được tham gia vào các khoá huấn luyện thực tế rất hiện đại của cơ sở đào tạo. Vì thế, ngoại ngữ dù chưa giỏi thì cũng chẳng ảnh hưởng đến chất lượng học thực tế lắm. Quan trọng là phải có đầu óc phán đoán các tình huống có thể xảy ra đối với thân chủ – người mình bảo vệ để đưa ra đối sách hợp lý”, anh Thống nói.

    Theo anh Thống, tại Việt Nam, chẳng đại gia nào công bố chính thức mình có người bảo vệ và hàng năm, chi cho công tác này bao nhiêu tiền. Thực tế, hoạt động bảo vệ đã được đại gia, VIP thực hiện nhằm bảo vệ bản thân và gia đình đã diễn ra hàng chục năm rồi.

    Những đại gia tầm cỡ (tức top trên bảng xếp hạng) của Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề an toàn cho bản thân và người thân. Có đại gia chi đến cả chục tỉ đồng/năm cho công tác nàỵ. Bảo vệ được tháp tùng đại gia ra nước ngoài ký kết hợp đồng; đi du lịch dưới danh nghĩa là trợ lý về hình ảnh, trợ lý về công việc hay thư ký gì đó... Mỗi lần đại gia ra nước ngoài thì người bảo vệ lại có những thân phận phù hợp với chuyến đi đó để thực hiện nhiệm vụ của mình.

    Tôi tò mò, có nhiều người bảo vệ may mắn như anh Thống, được đi đào tạo bài bản ở nước ngoài không? Anh Thống thừa nhận: “Không nhiều lắm nhưng phần lớn người bảo vệ cho VIP, đại gia là chuyên nghiệp ở góc độ nghề nghiệp. Có thể óc phán đoán tình huống của họ chưa tốt, kế hoạch chưa phù hợp nhưng hành động thì bắt buộc phải chuyên nghiệp, nếu không, đại gia là người rước họa vào thân khi gặp phải người bảo vệ tồi đúng nghĩa”.

    Thế giới “chìm” và bí ẩn mối quan hệ đại gia - vệ sỹ (kỳ 1)
    Đây là người bảo vệ chuyên nghiệp?

    Những “biệt đội” tùy nghi di tản

    Tôi tò mò, hiện ở Việt Nam, có bao nhiêu người bảo vệ đại gia được đào tạo bài bản ở nước ngoài và cả gia đình họ gắn bó máu thịt với ông chủ? Nhẩm tính một lúc, anh Thống cho biết: “Số người được ông chủ tin tưởng tới mức giao hết cả mạng sống của mình, gia đình, tài sản cho người bảo vệ không nhiều, chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay.

    Người bảo vệ được học bài bản nhưng không phải ở cùng một địa chỉ mà có thể là châu Âu, châu Á, Mỹ, Canada. Trong số này, có một người học ở Nhật, một người ở Hàn, hai người ở Pháp, một người ở Anh, một người ở Mỹ và một người ở Canada.

    Mỹ và Canada có cách đào tạo gần giống nhau. Họ cho học viên vào “trận” luôn để trải nghiệm những tình huống như thật đang diễn ra để rèn phản ứng của học viên. Học viên học ở hai nước này có đặc trưng là luôn có phương án bảo vệ thay thế khác nhau. Có thể vừa qua kế hoạch là A nhưng nửa tiếng sau, kế hoạch đã là B.

    Học viên học ở châu á được học nhiều lý thuyết hơn và phần lớn kỹ năng được rèn, được học là phán đoán tình huống chứ thực hành hiện trường không nhiều. Họ được học các kỹ thuật cá nhân chứ ít kế hoạch hành động nhóm. Tất nhiên, ở châu á có đặc thù riêng nên có thể cách hướng dẫn cũng riêng”.

    Học phí của những khoá học như thế không hề rẻ, nhưng ông chủ không tiết lộ. Người bảo vệ được đưa sang học và được đón về như khách VIP của gia đình. Sau khi trải qua khoá huấn luyện chuyên nghiệp, người bảo vệ tiếp tục thực hiện những hợp đồng tiếp theo với ông chủ.

    Ngoài ra, người bảo vệ chuyên nghiệp này còn phải vừa làm, vừa huấn luyện cho một số bảo vệ khác tính chuyên nghiệp của nghề cũng như cung cách phục vụ ông chủ làm sao cho tiện lợi, hiệu quả mà ít “lộ hình” nhất.

    Tất nhiên, số lượng vệ sỹ là bao nhiêu cho một ông chủ thì là con số “tuỳ nghi di tản”. Song, phần lớn các đại gia, VIP đều theo mô hình là một tổ bảo vệ chuyên nghiệp từ 5-7 người. Trong đó, tổ trưởng phải chịu trách nhiệm lớn nhất với những kế hoạch, hành động cụ thể trong tháng, trong năm trình cho ông chủ. Các bảo vệ khác được tổ trưởng phân công thực hiện công việc cụ thể theo tuần, thậm chí có những thời điểm thì theo ngày.

    Và, điều chuyên nghiệp nữa là, cùng trong một tổ nhưng mỗi người một việc, không ai được biết việc của ai; lúc giao việc, các thành viên trong tổ cũng được tổ trưởng giao riêng. Những người bảo vệ này được ông chủ đặt cho tên khá mĩ miều là tổ giúp việc.

    Nhằm tránh xảy ra sự cố không đáng có hay hạn chế hậu quả xảy ra khi người bảo vệ phản bội, ông chủ thường có khoảng cách nhất định với người bảo vệ. Anh Thống thừa nhận, một ông chủ thực sự, đúng nghĩa và chuyên nghiệp thì rất ít khi cho vợ, con tiếp xúc thoải mái với người bảo vệ. Họ làm như vậy là đúng. Họ phòng bất trắc xảy ra khi mà người bảo vệ vì nhiều lý do phản chủ, họ sẽ có phương án xử lý nhanh nhất...

    Anh Thống tiếp tục bật mí: “Không phải người bảo vệ nào cũng được ông chủ tạo điều kiện cho ra nước ngoài đào tạo. Bởi phí đào tạo rất lớn cộng với những zích zắc kèm theo. Nếu được đi đào tạo, thì người bảo vệ phải có những ràng buộc rất chi tiết với ông chủ của mình. Khi đó, họ được ông chủ coi như máu thịt của chính mình. Vì thế, người bảo vệ may mắn đó cũng phải “cược” cả máu thịt, cả gia đình mình với ông chủ”...

    Bài 2: “Hợp đồng máu” và chuyện nuôi cả gia đình vệ sỹ
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-1-the-gioi-chim-va-bi-an-moi-quan-he-dai-gia---ve-sy-a38026.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan