+Aa-
    Zalo

    Bài 16: Nhà thầu TQ chậm tiến độ, sử dụng thiết bị kém chất lượng

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Sau khi đi vào thực hiện các dự án nhiệt điện, các nhà thầu Trung Quốc đã bộc lộ ngay "căn bệnh" cố hữu của mình: Chậm tiến độ và tuồn những máy móc kém chất lượng vào Việt Nam.

    (ĐSPL) - Sau khi đi vào thực hiện các dự án nhiệt điện, các nhà thầu Trung Quốc đã bộc lộ ngay "căn bệnh" cố hữu của mình: Chậm tiến độ và tuồn những máy móc kém chất lượng vào Việt Nam.

    Lúc này, nhiều chuyên gia năng lượng mới giật mình đặt câu hỏi, việc chậm tiến độ là do năng lực của nhà thầu hay họ cố tình chậm trễ để Việt Nam còn phải nhập điện với giá "siêu cao" của Trung Quốc?

    Mua điện chất lượng thấp giá "siêu cao"

    Được biết, theo số liệu thống kê đến tháng 4/2014, sản lượng điện "nhập" từ Trung Quốc đạt 654 triệu kWh.

    Năm trước, dù các nhà máy điện nội địa nỗ lực sản xuất nhưng lượng điện EVN phải mua từ Trung Quốc là 3,6 tỉ kWh, tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng. EVN chấp nhận mua điện với mức giá cao từ nước láng giềng.

    Một thực tế đã từng được chỉ ra là việc nhập điện từ Trung Quốc với giá cao diễn ra đều đặn trong khi điện nội đang ế. Không những thế, trong khi ra sức ép với các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng để được chạy máy thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại vác tiền đi mua điện của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.

    Từng phát biểu về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế năng lượng cho biết, chủ trương liên kết mua điện giữa Việt Nam và các nước láng giềng đã được quan tâm từ lâu.

    Và trên thực tế, Việt Nam đã liên kết, mua bán điện không chỉ của Trung Quốc mà còn với cả Lào và Campuchia. Nếu việc liên kết tốt thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho mỗi nước.

    Việc mua điện từ Trung Quốc trong nhiều năm nay cũng giúp Việt Nam có thêm nguồn cung năng lượng trong những thời điểm nguồn cung cấp trong nước còn hạn chế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng điện áp mua từ Trung Quốc không ổn định, độ tin cậy thấp, hay xảy ra các sự cố trong khi giá điện lại cao.

    Vị chuyên gia này dẫn chứng, điển hình như năm 2012, Việt Nam dư thừa sản lượng và công suất nhưng vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc với giá 6,08 UScent/kWh tương đương 1.300 đồng/kWh. Trong khi đó, một số lớn nhà máy nhiệt điện trong nước chỉ phát 70-80\% công suất và các nhà máy thuỷ điện công suất dưới 30 MW giá rẻ không được mua.

    Dẫn lời của GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, thực tế hiện nay, các nhà máy điện nội địa ngoài EVN với giá điện thấp hơn nhiều so với giá điện của Trung Quốc muốn tham gia "thị trường điện cạnh tranh" cũng rất khó vì yêu cầu của EVN quá cao.

    EVN mua với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc kèm theo các điều kiện rất khắt khe. Trong khi đó EVN lại rất "hào phóng" khi mua một lượng lớn điện thương phẩm từ Trung Quốc với giá cao và có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây, làm méo mó thị trường điện, vốn thị trường độc quyền lâu nay ở Việt Nam. Điều này, một mặt chứng tỏ khả năng điều tiết thị trường của EVN, khả năng dự báo nhu cầu điện và năng lực sản xuất điện trong nước đang có nhiều vấn đề.

    Nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ, sử dụng thiết bị kém chất lượng
    Nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ là do năng lực hay chủ ý của họ? Ảnh minh họa.

    Cố tình... để Việt Nam phụ thuộc điện từ Trung Quốc?

    Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, nhu cầu tổng công suất nguồn trên cả nước cần khoảng 75.000 MW. Tuy nhiên, từ khi xây dựng ngành điện, đến nay cả nước mới đưa vào hoạt động được trên 24.000 MW. Rõ ràng, việc triển khai 51.000 MW còn lại từ nay đến 2020 không phải chuyện đơn giản khi mà một số các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện chậm tiến độ kéo dài và gặp trục trặc trong quá trình vận hành.

    Trước đây, khi chứng kiến hàng loạt dự án điện thuộc Quy hoạch điện VI và Quy hoạch điện VII chậm tiến độ, một chuyên gia ngành năng lượng từng công tác trong Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã lên tiếng khẳng định, các nhà đầu tư cần chọn nhà thầu đủ năng lực để thúc tiến độ dự án điện.

    Theo đó, quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được thực hiện từ năm 2011 nhưng đến nay các dự án nhiệt điện gần như chưa triển khai được gì. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 xét đến năm 2025 cho thấy, mới có 2/3 dự án điện đạt kế hoạch.

    Cũng theo vị chuyên gia ngành năng lượng này, khối lượng yêu cầu về nguồn điện không đạt chỉ tiêu, nhu cầu về điện được đánh giá trong Quy hoạch điện VI có sự sai lệch. Các dự án nguồn điện và lưới điện đều chậm tiến độ, có nhiều công trình bị chậm tiến độ từ 1-3 năm, thậm chí chậm hơn 3 năm, gây rất nhiều khó khăn cho vận hành hệ thống điện. Đơn cử như nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1, Hải Phòng 2 và nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2 đều chậm từ 18-24 tháng.

    Về vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào bày tỏ, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 25,3\% tổng kim ngạch nhập khẩu và có tới 30 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 100 triệu USD.

    Trong đó có sáu mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và với nhiều dự án mà Trung Quốc trúng thầu ở Việt Nam với giá bỏ thầu thấp cho thấy một thực tế trong ngành điện Việt Nam cũng như nhiều ngành khác, nhiều nhà máy đã và đang sử dụng hệ thống trang thiết bị của Trung Quốc là rất lớn.

    Trong khi đó, thiết bị của Trung Quốc vốn bị coi là chất lượng kém nên thường xảy ra sự cố là điều dễ hiểu. "Cùng với nhiều doanh nghiệp, nhà máy trong đó có các nhà máy điện Việt Nam đang sử dụng nhiều thiết bị điện của Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém như hiện nay thì việc đặt ra nhiều dấu hỏi, kể cả nghi vấn về "lợi ích nhóm" trong vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở. Do vậy, với sự hiện diện của Trung Quốc như hiện nay đối với điện chưa đến mức đặt ra nguy cơ phụ thuộc hay thao túng thị trường của Trung Quốc đối với thị trường điện Việt Nam", GS.TS Đặng Đình Đào tỏ ra lo lắng.

    Trả lời câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không có nguồn điện từ Trung Quốc, viện sỹ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khẳng định: "Nếu không có nguồn điện từ Trung Quốc thì chắc chắn còn nhiều cách giải quyết. Trong vòng 1-2 năm tới, nếu Việt Nam cố gắng tăng nỗ lực, các nguồn thủy điện tiếp tục được khai thác thì không phải mua điện từ Trung Quốc nữa".  

    Đâu là căn nguyên?

    Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng giữa EVN và công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD), liên kết bằng cấp điện áp 220 kV và 110 kV. Hợp đồng mua điện của Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua. Nếu không mua sẽ bị phạt.

    Đây chính là nguyên nhân chúng ta vẫn mua điện giá cao của Trung Quốc ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào. Việc tiếp tục mua điện từ Trung Quốc như hiện nay gây khó khăn, trở ngại cho phát huy năng lực nội địa đối với các nhà đầu tư điện trong nước.

    (PGS.TS  Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế năng lượng)

    "Dự báo sai về sự vận động của thị trường điện gây thiệt hại cho nền kinh tế và cho người dân, rõ ràng EVN và tiếp đó là bộ Công Thương phải gánh chịu trách nhiệm kinh tế này. Việt Nam không thể cứ tiếp tục đàm phán mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả các nhà máy điện nội địa".

    (GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tếvà Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-16-nha-thau-tq-cham-tien-do-su-dung-thiet-bi-kem-chat-luong-a38383.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan