+Aa-
    Zalo

    Bài 21: "Khúc hòa tấu" cho vở kịch... "chỉ định thầu"?!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Câu hỏi đặt ra là vì sao các nhà thầu Trung Quốc luôn nắm trong tay các dự án nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư? Phải chăng việc chọn lựa này đã được "ngầm" trao tay cho kẻ thắng?

    (ĐSPL) - Câu hỏi đặt ra là vì sao các nhà thầu Trung Quốc luôn nắm trong tay các dự án nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư? Phải chăng việc chọn lựa này đã được "ngầm" trao tay cho kẻ thắng? Và phải chăng, giá cả chỉ là "khúc hòa tấu" cuối cùng cho màn kịch hoàn hảo?

    Vì sao rẻ... vẫn buồn?

    Khi nhắc đến những thương vụ đấu thầu trong các dự án nhiệt điện, tôi vẫn không quên sự ví von của một vị lãnh đạo từng quản lý lĩnh vực này (giờ đã nghỉ hưu - xin mạn phép không đưa danh tính), ông nói: "Khi đi mua hàng, ai cũng mong mua được giá rẻ. Vì thế, để kích cầu, các chương trình khuyến mãi đua nhau tung chiêu trò. Người mua, kẻ bán đều hỉ hả, người mua mua được món hời, kẻ bán đẩy được hàng tồn kho. Nhưng cái hỉ hả của người mua kẻ bán đó có lẽ chỉ dành cho các giao dịch mua bán thông thường ngoài xã hội với tiền túi của người dân. Nhắc tới mua sắm bằng tiền Nhà nước, người mua kẻ bán có hỉ hả hay không có trời mới biết, nhưng xã hội rõ ràng có vẻ chẳng vui vẻ chút nào, cũng vì câu chuyện mua... giá rẻ".

    "Hầu như không thấy gói thầu nhiệt điện nào mà HSMT nêu rõ sẽ loại nhà thầu có công trình tương tự trước đó đã thực hiện kém chất lượng, hoặc thời gian thực hiện hợp đồng bị đình trệ, kéo dài - một nội dung mà cán bộ đấu thầu ở các nước trên thế giới rất coi trọng. Nếu đây là tiêu chí quan trọng trong HSMT, rất nhiều nhà thầu Trung Quốc sẽ không có cơ hội lấn sân quá sâu vào các dự án nhiệt điện Việt Nam".

    (Ý kiến của một chuyên gia nguyên là lãnh đạo Bộ KH&ĐT)

    Hàm ý của vị này ngay lập tức được lý giải tại sao khi mua sắm bằng tiền Nhà nước lại chỉ sử dụng tiêu chí giá rẻ trúng thầu: Luật Đấu thầu không quy định như vậy. Nhà thầu, trước khi được xem xét về giá, phải đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, có kỹ thuật đáp ứng thì mới được xem xét về tài chính, nghĩa là cho đến giai đoạn so sánh về giá và các yếu tố trên cùng một mặt bằng được lượng hóa thành tiền, thì nhà thầu trước hết phải vượt qua một loạt các bước trước đó. Vậy khi nhà thầu vượt qua một loạt các bước này, khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà thầu đến đâu, có thể đảm đương thực hiện gói thầu hay không?

    Với câu hỏi này, có thể thấy ngay câu trả lời là "Có", nhưng nếu câu trả lời là "Có", thì tại sao dư luận lại phải bức xúc về vấn đề giá rẻ trúng thầu trong các dự án nhiệt điện đến thế, thậm chí các chuyên gia còn tranh luận nảy lửa trên báo, trên mạng về vấn đề này? Giá rẻ, nhà thầu đáp ứng yêu cầu, đáng lẽ xã hội phải vui mừng rồi mới phải chứ?

    Tìm hiểu thêm, người viết ngộ ra rằng, có lẽ câu trả lời trên là chưa đủ. Có thể phải chú thích thêm là "có, về mặt lý thuyết". Cái về mặt lý thuyết này tưởng dễ, nhưng nếu không phải là dân trong nghề, lăn lộn với công tác đấu thầu nhiều năm, khó mà có hiểu biết, nắm bắt đúng đắn.

    Thứ nhất là nhà thầu phải đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Trong yêu cầu về năng lực thì có năng lực về kỹ thuật như yêu cầu về các máy móc thiết bị chủ yếu (trong xây lắp), yêu cầu về nhân sự, đặc biệt là các nhân sự chủ chốt (kinh nghiệm, bằng cấp); có năng lực về tài chính (chẳng hạn doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu phải đạt giá trị bao nhiêu, khả năng lỗ lãi trong vài năm gần đây). Về kinh nghiệm, cụ thể là nhà thầu đã thực hiện bao nhiêu hợp đồng tương tự như gói thầu mà nhà thầu đang dự thầu, giá trị các hợp đồng đó là bao nhiêu. Còn thực tế, sẽ có những điều không tưởng trong các gói thầu mà tiêu chí kỹ thuật luôn bị "bỏ qua" khi chủ đầu tư đã hướng đến... giá rẻ. Các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc đang thi công hiện nay là những minh chứng cho điều đó.

    Kỳ 21:

    Liệu chủ đầu tư các dự án nhiệt điện có "tiếp tay" cho việc các nhà thầu Trung Quốc chiếm lĩnh?

    Chỉ định thầu???

    Thực ra, nguyên nhân sâu xa của việc giá rẻ trúng thầu không hẳn hoàn toàn là do nhà thầu ma mãnh, cũng không phải do không áp dụng được phương pháp giá đánh giá, mà là do dự toán của gói thầu, hay nói cách khác, là do ít tiền. Nguyên nhân của dự toán thấp thì nhiều, nào là phải xây dựng dự án với chi phí thấp để dễ được thông qua, rồi nguồn vốn thiếu hụt, rồi quy định về cách xây dựng dự toán. Để dễ hiểu, hãy trở lại ví dụ mua máy tính xách tay Sony. Nếu dự toán được duyệt chỉ có 10 triệu đồng, làm sao có thể mua được máy tính xuất xứ Nhật Bản có giá 20 triệu đồng? Vậy là ngay từ khi duyệt dự toán 10 triệu đồng, chủ đầu tư đã "ngầm chỉ định thầu" là mua máy tính có xuất xứ từ Trung Quốc. Việc đấu thầu sau này như xem xét yêu cầu năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật hóa ra cũng chỉ hình thức.

    Để dễ hình dung, hãy so sánh chi phí thực hiện gói thầu Nhiệt điện đốt than Nghi Sơn 1 với Nhiệt điện Hải Phòng 1 với cùng quy mô công trình là hai tổ máy 300MW. Nhiệt điện đốt than Nghi Sơn 1 được tài trợ bởi nguồn vốn ODA của Nhật Bản có giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu Marubeni quy đổi ra USD là 959 triệu USD. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 22/7/2010. ở dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1, giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu liên danh Đông Phương + Marubeni (nhà thầu Đông Phương - Trung Quốc là nhà thầu chính thực hiện hợp đồng) là 355,1 triệu USD + 8,69 tỉ Yen + 600 tỉ đồng, tương đương 480 triệu USD. Hợp đồng được ký kết vào ngày 26/11/2005. Mặc dù vật giá thay đổi nhiều từ năm 2005 - 2010 nhưng giá trúng thầu của dự án do nhà thầu Nhật Bản thực hiện gấp đôi giá do nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng phản ánh phần nào thực tế... "tiền nào của nấy".

    Tuy nhiên, có một số trường hợp chủ đầu tư rất chuyên nghiệp, đưa ra các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm bài bản, then chốt để chọn được nhà thầu tốt. Chẳng phải lấy đâu xa, tại gói thầu Nhiệt điện Cẩm Phả 1, ngoài yêu cầu về nhà thầu chính, chủ đầu tư còn đưa ra yêu cầu về năng lực đối với nhà thầu phụ thiết kế lò hơi, là bộ phận quan trọng của gói thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện. Theo đó, HSMT yêu cầu nhà thầu phụ thiết kế lò hơi phải có chứng chỉ kinh nghiệm thiết kế lò hơi về nhiệt điện đốt than công suất 100MW. Các lò hơi phải có thời gian vận hành thương mại thành công ít nhất là 36 tháng tính từ ngày mở thầu. Với quy định như vậy, nhà thầu Công trình điện Cáp Nhĩ Tân - HPE đã bị loại khi tham gia đấu thầu trong cuộc đấu thầu lần thứ hai của gói thầu này. Lý do là đề xuất của HPE về nhà thầu phụ thiết kế lò hơi là một nhà thầu Trung Quốc không đảm bảo yêu cầu của HSMT.

    Sau đó, nhà thầu này đã bày tỏ được tiếp tục tham gia Dự án và đề xuất chọn lò hơi do công ty Foster Wheeler North American - một trong hai nhà sản xuất lò hơi hàng đầu thế giới, thiết kế và bảo hành. Công ty lò hơi Harbin chế tạo lò hơi dưới sự giám sát của Foster Wheeler. ở lần đàm phán giữa chủ đầu tư và các nhà thầu (bao gồm nhà thầu Marubeni và nhà thầu HPE), nhà thầu HPE đã được chấp nhận. Trong ví dụ này, nhà thầu HPE đã phải thay đổi nhà thầu phụ thiết kế lò hơi từ một nhà thầu Trung Quốc kém chất lượng sang một nhà thầu Mỹ - một trong hai nhà sản xuất lò hơi hàng đầu thế giới. Ví dụ này minh họa rằng, nếu yêu cầu về năng lực trong HSMT sát sao, đầy đủ thì sẽ chọn được nhà thầu tốt, đáp ứng yêu cầu.

    Vì vậy, trước khi gắn cho các dự án nhiệt điện cái tội "giá rẻ trúng thầu", việc cần làm là cải cách việc xây dựng dự toán, dự án đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm, tính công tâm, chuyên nghiệp của chủ đầu tư, cán bộ đấu thầu cũng như có cơ chế xử phạt nghiêm minh cho các hành vi sai phạm.

    Rơi vào "bẫy  chiến lược"

    "Có đến 90\% dự án về điện đều do Trung Quốc trúng thầu. Chiến lược của các nhà thầu Trung Quốc là giá. Khi tham gia dự thầu, ban đầu họ thường chấp nhận tất cả vấn đề nêu trong hồ sơ mời thầu của Việt Nam nhưng sau khi đã được chấp nhận trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc chỉ thực hiện theo ý mình, ép chủ đầu tư phải chấp nhận những "tiêu chuẩn" chất lượng của họ (thường thấp hơn và rẻ tiền hơn so với thiết kế của chủ đầu tư nêu trong hồ sơ mời thầu)".

    (TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực nhiệt điện)

    (Còn nữa)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-21-khuc-hoa-tau-cho-vo-kich-chi-dinh-thau-a40095.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.