+Aa-
    Zalo

    Bài 25: Vì sao sự thật không được... nhìn thẳng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mới đây Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng cho rằng, các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC đều đúng tiến độ (???).

    (ĐSPL) - Trong khi báo Đời sống và Pháp luật liên tục có những bài viết bày tỏ mối quan ngại về các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, mới đây Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng cho rằng, các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC đều đúng tiến độ (???).

    Khẳng định trên của lãnh đạo Bộ Công Thương cho thấy đã có một sự thật... không được nhìn thẳng. 

    Góc nhìn quan liêu?

    Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều 7/7/2014, trước câu hỏi của phóng viên về việc có tới 90\% các dự án nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc là tổng thầu EPC. Trong khi đó, các nhà thầu này đa phần có chất lượng thấp, chậm tiến độ mà vẫn liên tiếp trúng thầu. Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Lê Tuấn Phong cho rằng, một trong những nguyên nhân đầu tiên Trung Quốc liên tục trúng thầu ở nhiều dự án nhiệt điện xuất phát từ chính sách của chúng ta.

    "Theo quy định Luật Đấu thầu của Việt Nam, nhà thầu chào giá thấp sẽ trúng thầu. Và những nhà thầu Trung Quốc thường bỏ thầu với giá thấp nhất nên họ trúng thầu", vị này nói. Ông Phong cũng cho biết thêm, vấn đề tài chính cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng trên. Nhiều dự án thực hiện được do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay Trung Quốc.

    Sau phần trả lời của đại diện Tổng cục Năng lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải "đính chính": "Chúng tôi chưa có con số cụ thể, song tôi có thể khẳng định là số dự án nhiệt điện có nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC thấp hơn con số 90\%".

    Tuy nhiên, điều khiến cánh phóng viên hết sức ngỡ ngàng khi vị Thứ trưởng này đưa ra khẳng định: "Không hiểu các bạn phóng viên lấy thông tin ở đâu khi cho rằng các dự án này chậm tiến độ. Thực chất, tôi xin khẳng định họ vẫn đang đúng tiến độ".

    Sự nhận định trên của lãnh đạo Bộ Công Thương cho thấy, việc theo dõi và quản lý các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC đang lệch với thực tế. Bởi theo nguồn thông tin và các con số mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được, rất nhiều dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đang và đã chậm tiến độ. Số liệu thống kê được cho thấy, có dự án nhiệt điện chậm ít nhất là vài tháng cho đến vài năm.

    Đáng lý ra, là đơn vị chủ quản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương phải nhận được những thông tin và con số sát thực nhất về các dự án nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư,... nhưng xem ra không phải vậy.

    Bài 25:  Vì sao sự thật không được... nhìn thẳng?

    Bộ Công Thương không thể chối cãi nhiều dự án nhiệt điện của EVN do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã chậm tiến độ.

    Chậm 1-2 năm vẫn cho là... đúng tiến độ?!

    Điển hình cho dự án "rùa bò" phải kể đến Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, Hải Phòng 2 do EVN làm chủ đầu tư (nằm trên địa bàn xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 được khởi công từ cuối năm 2005, theo kế hoạch sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 7 và phát điện thương mại vào tháng 12/2009. Tuy nhiên, gần hai năm chậm trễ so với dự kiến, giữa năm 2011, dòng điện đầu tiên của nhà máy này mới đồng bộ hóa vào lưới điện quốc gia thành công.

    Cùng chung số phận chậm tiến độ, nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 được khởi công từ tháng 7/2007 với thời gian cam kết hoàn thành sau 32-38 tháng thi công (dự kiến đầu năm 2011). Đáng tiếc, đến tận tháng 8/2013, tổ máy số 3 của dự án mới hòa thành công lưới điện quốc gia và ngày 17/2/2014, tổ máy số 4 của dự án cũng đã được hòa lưới, phát điện đạt 80\% công suất thiết kế.

    Đáng chú ý, cả hai nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, Hải Phòng 2 đều do nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng EPC thực hiện. Cũng xin nói thêm, cả hai nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 được đánh giá sau khi đi vào hoạt động với tổng công suất 12.000MW sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 7,2 tỉ kWh điện/năm góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của khu vực tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quan trọng và được kỳ vọng là vậy, nhưng dự án đã bị lãng phí gần hai năm trời vì... chậm tiến độ.

    Hai dự án khác do EVN làm chủ đầu tư là nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2 cũng được coi là bài học điển hình cho những dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện chậm trễ. Theo số liệu mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được, Dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 được khởi công xây dựng vào tháng 4/2006 với thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Chẳng hiểu vì lý do gì, dự án do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải Trung Quốc (SEC) thực hiện cho đến tận tháng 7/2011 mới bàn giao hai tổ máy để thực hiện phát điện thương mại. Nhưng đến tháng 10/2011 thì lại gặp sự cố, hai tổ máy ngừng phát điện ở chế độ dự phòng.

    Chậm tiến độ để... "câu tiền"?!

    Đối với dự án nhiện điện Quảng Ninh 2 còn bi đát hơn, được thực hiện theo Hợp đồng EPC bao gồm 02 tổ máy 300MW có hiệu lực ngày 11/06/2007, do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải Trung Quốc (SEC) làm tổng thầu. Thời gian ấn định đưa nhà máy vào hoạt động sau ba năm thực hiện (năm 2010), nhưng cũng có điệp khúc... chậm tiến độ.

    Lấy lý do tình hình thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn, trong giai đoạn đầu Nhà thầu tập trung rất ít nhân công và ngừng thi công từ tháng 9/2009. Đến tháng 3/2011, SEC đã đệ trình lên chủ đầu tư xem xét phương án đàm phán mới, theo đó mốc cấp PAC (chứng chỉ vận hành thương mại) lần lượt cho tổ máy số 3 và 4 vào tháng 8/2012 và tháng 12/2012, kèm theo đề xuất tăng thêm cho Dự án Quảng Ninh 2 là 34,509 triệu USD.

    Sau khi xem xét và đàm phán đến tháng 7/2011, chủ đầu tư và Nhà thầu SEC đã ký phụ lục thay đổi hợp đồng với giá trị tăng thêm cho Dự án Quảng Ninh 2 là 18,8 triệu USD và đưa ra tiến độ điều chỉnh hợp đồng EPC mới. Mặc dù đã ra hạn mốc cấp PAC và điều chỉnh kinh phí cho dự án, nhưng phải chờ đến tận tháng 4/2014, mới hoàn thiện việc cấp PAC cho hai tổ máy 3 và 4 của nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 2 (chậm gần hai năm sau khi được gia hạn - PV).

    Nên nhớ, nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 là dự án quan trọng nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng nhà máy có ý nghĩa đặc biệt trong việc giảm thiểu thiếu hụt lượng điện hiện nay. Đây sẽ là nguồn điện lớn, giúp cải thiện đáng kể tình hình cung cấp điện trên cả nước do các nhà máy thủy điện càng ngày càng hạn chế trong khả năng phát điện. Nhưng đáng tiếc, cũng như các nhà máy nhiện điện khác rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, hai dự án này cũng được thi công một cách èo uột với nhiều nỗi lo về công nghệ.

    Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án nhiệt điện khác do EVN làm chủ đầu tư như: Uông Bí mở rộng 2; Vĩnh Tân 2;... cũng không có viễn cảnh tốt đẹp hơn. Thậm chí, dự án Uông Bí mở rộng 2 còn bị đánh giá là chậm gần hai năm trời với những lý do thuộc về nhà thầu Trung Quốc. Theo tìm hiểu của bản báo, Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 có sông suất 330MW được công ty Chengda (Trung Quốc) khởi công dự án này từ năm 2008 trong thời gian 36 tháng, tức sẽ bàn giao vào tháng 5/2011, xong đến tận 4/2013, dự án mới được bàn giao thương mại có điều kiện.

    Sự thật về các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc thực hiện chậm tiến độ đã được phơi bày trên thực tế, nhưng vì sao đại diện Bộ Công Thương lại không nắm rõ? Phải chăng đã có một bản "báo cáo" không được... nhìn thẳng từ chính nơi quản lý trực tiếp? Việc này chắc chỉ có EVN và Bộ Công Thương hiểu rõ nhất.

    "Các nhà nhiệt điện do Trung Quốc thực hiện có những lo ngại nhất định về chất lượng, công nghệ, nếu là những sự cố đơn giản có thể khắc phục được thì không sao, nhưng nếu phức tạp thì là một bài toán cần tính, bởi ngoài chuyện tốn kém chi phí thay thế còn sự ảnh hưởng đến hệ thống điện chung khi nhà máy phải ngừng hoạt động vài ngày, thậm chí là cả tháng".

    (PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam)

    "Khi không hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc nữa thì việc vận hành nhà máy sẽ có khả năng có những sự cố khách quan/chủ quan mà phía người vận hành không khắc phục được hoặc sẽ mất rất nhiều thời gian để khắc phục làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện trên toàn diện rộng".

    (Một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng)

    (Còn nữa)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-25-vi-sao-su-that-khong-duoc-nhin-thang-a41541.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Rủi ro “đặc khu kinh tế” Vũng Áng

    Rủi ro “đặc khu kinh tế” Vũng Áng

    (ĐSPL) - Các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn nếu phê chuẩn dự án đặc khu kinh tế ở Vũng Áng của tập đoàn Formosa.