+Aa-
    Zalo

    Bài 7: Việt Nam thành "sân tập" để nhà thầu TQ lấy chứng chỉ EPC?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo các chuyên gia ngành năng lượng, từ trước đến nay, Trung Quốc chưa từng làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện ở bất cứ nước nào.

    (ĐSPL) - Theo các chuyên gia ngành năng lượng, từ trước đến nay, Trung Quốc chưa từng làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện ở bất cứ nước nào. Việc họ đổ xô vào Việt Nam đấu thầu rồi thực hiện vai trò tổng thầu chẳng khác nào là một cơ hội "luyện tập" để lấy "chứng chỉ" tổng thầu EPC...

    Lách luật bằng liên doanh?

    Ở các bài trước, báo Đời sống và Pháp luật đã từng rất nhiều lần nêu ý kiến thắc mắc của các chuyên gia về vấn đề tại sao nhà thầu Trung Quốc chưa từng làm tổng thầu EPC ở quốc gia nào, nhưng lại liên tiếp trúng thầu trong các dự án nhiệt điện lớn ở Việt Nam?

    Bởi, một nhà thầu sẽ bị coi là vi phạm hồ sơ mời thầu nếu chưa từng làm tổng thầu EPC ở nước ngoài. Để làm rõ vấn đề này, PV đã tìm đến PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, một trong những chuyên gia rất am hiểu về các dự án nhiệt điện trong nước.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho biết: "Có lẽ ai cũng biết, các nhà thầu Trung Quốc chưa hề làm tổng thầu EPC ở bất cứ dự án nhiệt điện nào. Họ chỉ có duy nhất một nhà máy điện ở Pakistan (nhưng đây là thỏa ước mang tính chính trị giữa hai nước này)”.

    PGS.TS Trương Duy Nghĩa dẫn chứng về nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 do nhà thầu Dong Fang làm tổng thầu. Theo ông Nghĩa, cũng giống như bao dự án khác, Dong Fang trúng thầu vì họ chào thầu với giá thấp nhất. Tuy nhiên, vì nhà thầu này chưa từng làm tổng thầu EPC nên đã vi phạm hồ sơ mời thầu.

    Trong khi đó, có một nhà thầu nước ngoài khác đã có "chứng chỉ" làm tổng thầu quốc tế nhưng chào thầu cao hơn Dong Fang 100 triệu USD. Sau này, sau khi xem xét kỹ lưỡng, người ta thấy cả hai nhà thầu này đều có điểm vi phạm hồ sơ mời thầu nên tổ chức đấu thầu lại.

    Cũng theo ông Trương Duy Nghĩa, với tình thế đó, nhà thầu Dong Fang nếu muốn trúng thầu thì phải liên doanh với một nhà thầu khác có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC. Ngay lập tức họ với nhà thầu ngoại kia liên doanh với nhau.

    Lúc đó có nguồn thông tin cho rằng, sau khi liên doanh, nhà thầu nước ngoài kia chỉ cần cung cấp cho Dong Fang "chứng chỉ" đã từng là tổng thầu EPC và "được nhận" 50 triệu USD. Sau đó, đấu thầu lại, Dong Fang vẫn là nhà thầu chào thầu rẻ nhất và họ đã trúng thầu. Trùng hợp thay, số tiền mà Dong Fang chào thầu lần thứ hai này cao hơn lần một đúng 50 triệu USD (?!)

    Cũng theo vị chuyên gia này, vì có chuyện đó, nên sau này chúng ta không tổ chức đấu thầu ở các dự án nhiệt điện nữa mà chỉ định thầu. Lúc đó, EVN và ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 thành lập một hội đồng để chỉ định thầu.

    Việc chỉ định thầu này vẫn trên cơ sở căn cứ vào chào thầu của một số nhà thầu. Sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, lúc đó nhà thầu tập đoàn Điện khí Thượng Hải của Trung Quốc được trúng thầu.

    Nguy cơ thành
    Nhiều nhà thầu Trung Quốc chưa từng có "chứng chỉ" tổng thầu EPC. 

    Bóc mẽ "chiêu bài" của các nhà thầu Trung Quốc

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nhiều chuyên gia khẳng định, không phải tất cả các nhà máy nhiệt điện do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều kém chất lượng.

    Bởi thực tế cho thấy, từ nhà máy ở Việt Trì, Hà Bắc đến Thái Nguyên, Ninh Bình đều vận hành tốt. Khi họ dẫn các chuyên gia Việt Nam sang Trung Quốc tham quan các nhà máy nhiệt điện do nhà thầu trong nước thi công, thì các nhà máy đó đều vận hành trơn tru cả. Từ đó không ai nghi ngờ các nhà thầu Trung Quốc. 

    Bên cạnh đó, lý giải vì sao các nhà thầu Trung Quốc lại thường xuyên để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, ông Nghĩa cho biết có hai nguyên nhân.

    Thứ nhất, các nhà thầu này còn yếu kinh nghiệm khi làm tổng thầu EPC và nguyên nhân thứ hai là yếu vốn. Chính vì thế, hai nhà máy Hải Phòng 1 và Quảng Ninh 1 chậm tiến độ hàng năm trời. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều ý kiến phân tích cho rằng trình độ công nghệ, thiết bị để xây dựng nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc kém.      

    Theo một chuyên gia ngành năng lượng, không chỉ chậm tiến độ, các nhà thầu Trung Quốc còn thường xuyên sử dụng "chiêu" đội giá. Bởi, theo luật, các nhà thầu có quyền điều chỉnh 10\% tổng giá trị gói thầu.

    Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải nằm trong các hạng mục mà chủ đầu tư đồng ý, chứ không phải tùy tiện đội giá được. Nhưng nhà máy nhiệt điện hàng tỉ USD mà đội giá 10\% thì cũng lên đến cả trăm triệu USD, đó là con số khổng lồ.

    Cách đội giá thứ hai các nhà thầu Trung Quốc từng hay sử dụng đó là khi nhà máy đã đi vào hoạt động. Bỗng nhiên, xưởng sản xuất các thiết bị, máy móc ở Cáp Nhĩ Tân nói rằng, cần bỏ tiền ra để tăng thêm diện tích hấp thụ nhiệt.

    Họ muốn Việt Nam phải thanh toán khoản đó. Đây là một "chiêu" đội giá khiến nhiều chủ đầu tư ngao ngán. "Tuy nhiên, chúng ta đang ở thế khó. Bởi nếu đấu thầu thì chẳng ai có thể đấu lại được với nhà thầu Trung Quốc. Nếu chúng ta chỉ định thầu cho các nhà thầu G7 thì họ đưa ra giá quá đắt, trong khi đó nhà thầu Việt Nam chưa đủ kinh nghiệm", vị chuyên gia này lo lắng.

    Theo PGS. Trương Duy Nghĩa, từ nay đến năm 2030 là thời cơ vàng cho ngành cơ khí Việt Nam. Nếu từ nay đến thời gian đó, chúng ta không xây dựng được công nghiệp chế tạo nhà máy điện thì chúng ta không thể nào làm được. Chúng ta cần học cách xây dựng lộ trình ngành cơ khí và nhiệt điện Việt Nam giống như cách xây dựng ngành điện hạt nhân của Hàn Quốc.

    Hiện nay, công nghiệp điện hạt nhân của nước này có những bước phát triển vượt bậc. Trước đó, khi họ lên kế hoạch xây dựng điện hạt nhân, họ cũng phải bỏ ra 15 năm. Và sau 15 năm xây dựng, Hàn Quốc đã tiến đến xuất khẩu điện hạt nhân.

    Vị Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam chia sẻ, việc nhà thầu Trung Quốc mang cả lao động phổ thông vào Việt Nam là lỗi của cơ quan quản lý lao động. Thậm chí, thực tế cho thấy, nhà thầu Trung Quốc không đưa trực tiếp lao động của họ vào Việt Nam với danh nghĩa là công nhân mà họ đưa vào bằng con đường du lịch.

    Ông Trương Duy Nghĩa cho biết thêm: "Trung Quốc hiện nay có bốn nhà máy chuyên đấu thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện đó là Dong Fang, Ha Bin, Điện khí Thượng Hải, Điện khí Bắc Kinh, đều đứng thầu Việt Nam. Sau này có một nhà thầu phụ là Cheng Đa và Hải Định nữa.

    Nói chung là các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam sau thời xây dựng Phả Lại 2 do Trung Quốc làm tổng thầu đều chậm tiến độ. Sau này, chỉ có dự án Mạo Khê 1 đúng tiến độ, Mạo Khê 2 vượt tiến độ gần ba tháng. Nhà máy Vĩnh Tân 1 do Trung Quốc làm tổng thầu cũng chậm tiến độ, Vĩnh Tân 2 đạt tiến độ nhưng gặp trục trặc".

    GS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng cho rằng, với những dự án do Trung Quốc thắng thầu cần có quy định tỉ lệ nhất định thiết bị nhập khẩu và một tỉ lệ cố định thiết bị do trong nước sản xuất, tránh nguy cơ mất an ninh năng lượng.

    Để khắc phục tình trạng các nhà thầu Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đầu tư EPC, nhiều chuyên gia kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng lựa chọn nhà thầu EPC không nhất thiết phải có giá thấp nhất.

    Trong đó cần quy định rõ cách đánh giá lựa chọn nhà thầu EPC; cách xác định năng lực nhà thầu EPC để đảm bảo chọn được nhà thầu có kinh nghiệm quản lý dự án tốt, năng lực về kỹ thuật và tài chính mạnh. Đặc biệt các dự án khi nhà đầu tư nước ngoài thắng thầu phải có quy định tỉ lệ nội địa hóa về chế tạo thiết bị tại Việt Nam.

    Hợp đồng tổng thầu EPC, tên đầy đủ là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh: Engineering, Procurement and Construction contract) là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-7-viet-nam-thanh-san-tap-de-nha-thau-tq-lay-chung-chi-epc-a35431.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.