Người dân thận trọng dịch "kép" sốt xuất huyết và COVID-19


Chủ nhật, 24/10/2021 | 08:00


Cùng sự kiện

Thời tiết đang vào mùa mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên dịch vẫn có thể diễn biến phức tạp, nếu không chủ động phòng, chống.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh

Thời gian qua, Tp.HCM và các tỉnh thành phía Nam xuất hiện nhiều ca bệnh sốt xuất huyết. Hai bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Đặc biệt thời điểm giao mùa hiện nay, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng, làm dấy lên nỗi lo "dịch chồng dịch".

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết: Công tác phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế Tp.HCM nói chung và HCDC nói riêng không chỉ có COVID-19 mà còn rất nhiều dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...

Trong giai đoạn này, dịch bệnh COVID-19 đang là trọng tâm, trọng điểm, lấn át trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, người dân cũng cần quan tâm, chú ý tới dịch sốt xuất huyết.

Đời sống - Người dân thận trọng dịch 'kép' sốt xuất huyết và COVID-19
Người dân có tập quán dự trữ nước để sử dụng nên có nhiều vật dụng chứa nước có nhiều lăng quăng dễ gây nên sốt xuất huyết. Ảnh: HCDC

Ông Tâm cho biết, ngành Y tế vẫn đang tiến hành công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên, liều lượng ít hơn so vơi dịch COVID-19. Tại Hà Nội, tính từ ngày 4 đến 10/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 440 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 82 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 28 quận, huyện và 166 xã, phường. Những quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết nhiều trong tuần qua, là: Đống Đa (84 ca), Thanh Trì (43 ca), Hai Bà Trưng (29 ca), Hoàng Mai (27 ca), Thường Tín (24 ca), Nam Từ Liêm (24 ca).

Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.831 ca mắc sốt xuất huyết tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 307/579 xã, phường, thị trấn (giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa ghi nhận ca tử vong. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện thời tiết đang vào mùa mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên dịch vẫn có thể diễn biến phức tạp, nếu không chủ động phòng, chống. Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đang gia tăng trong những tuần qua. Do thời tiết mưa nhiều nên thuận lợi cho muỗi mang virus phát triển. Người dân cần cảnh giác và thực hiện các cách phòng dịch sốt xuất huyết như ngủ màn, khơi thông cống rãnh, thả cá diệt bọ gậy...

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.

Covid- 19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc COVID-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi... nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết bùng phát thời điểm giao mùa

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.

Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh, những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết sẽ khác nhau.

Ở thể nhẹ, người bệnh thường sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C; Tình trạng sốt có thể kéo dài 4 – 7 ngày và rất khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; Đau nhức khớp và cơ; Buồn nôn và ói mửa; Có tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban; Ở thể nặng, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng trên kèm theo những dấu hiệu sau: Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, hiện nay đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị sở y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn. Cụ thể là nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Cùng với đó, các địa phương cần phải xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Việc phun hóa chất phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời. Cùng với đó, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

M.VY

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (35)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-cai-nguoi-dan-than-trong-dich-kep-sot-xuat-huyet-va-covid-19-a517004.html