+Aa-
    Zalo

    Xót xa hình ảnh những đứa trẻ trong thời đại "văn hóa 996" ở Trung Quốc

    ĐS&PL Áp lực học tập của trẻ em tại Trung Quốc không khác gì văn hóa làm việc "996", làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần.

    Mới đây, một clip được trang Sohu chia sẻ đã ghi lại sự việc đau lòng xảy ra tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Trong đoạn video, cậu bé lớp 5 ngồi học cùng mẹ. Sau khi nhắc đi nhắc nhiều lần mà con vẫn không hiểu chủ đề của buổi ngoại khóa, bà mẹ tỏ thái độ chán nản và bỏ lên phòng.

    Ngay khi mẹ bước lên cầu thang, cậu bé 11 tuổi đã tự tát vào mặt mình, thậm chí tháo kính xuống để tát đau hơn, âm thanh vang vọng cả phòng. Sau hành động đó, cậu lại đeo kính vào và tiếp tục suy ngẫm về chủ đề buổi ngoại khóa.

    Cha của cậu bé đã bàng hoàng khi xem được đoạn clip, ông cảm thấy có lỗi vì chưa bao giờ hỏi han con trai về chuyện học hành hay áp lực mà bé phải chịu.

    nhung dua tre 996 o trung quoc dspl
    Cậu bé tự tát vào mặt mình vì không hiểu được chủ đề buổi ngoại khóa.

    Trong một câu chuyện khác, cách đây không lâu, một người mẹ ở Thượng Hải chia sẻ, con gái của cô bị rụng tóc nặng dẫn tới hói đầu. Người mẹ ban đầu nghĩ do con thiếu chất nên bồi bổ bằng của ngon vật lạ. Dù vậy, mái tóc của cô bé 9 tuổi vẫn không cải thiện, ngược lại ngày càng hói.

    Cho tới khi đưa con đến bệnh viện, người mẹ bất ngờ khi bác sỹ chẩn đoán đây không phải rụng tóc tự nhiên, mà do chính cô bé tự nhổ.

    "Áp lực học tập căng thẳng, cộng với thái độ nghiêm khắc từ bố mẹ, chương trình học kín tuần... khiến cô bé bị stress. Tự nhổ tóc mình trở thành phương pháp duy nhất giải tỏa căng thẳng", bác sĩ điều trị tâm lý chia sẻ.

    Giáo sư tâm lý học Đại học Bắc Kinh Từ Khải Văn từng nói, trẻ em ngày nay được sinh ra trong mật ngọt, nuôi trong nhà kính. Khi kỳ vọng của phụ huynh ngày càng cao, khả năng chống đỡ với thế giới bên ngoài của trẻ ngày càng thấp.

    Gánh nặng học tập quá lớn, cộng thêm khó chia sẻ với bố mẹ khiến nhiều em hành động bồng bột, thậm chí tự hại bản thân.

    Tháng 1/2021, một cậu bé 10 tuổi ở Giang Tô đã đạp xe 100 km vì chán nản việc học. Trước đó, em bị bố mẹ tịch thu điện thoại. Cậu bé đã đạp xe từ huyện Giang Âm đến huyện Thường Thục.

    Cảnh sát tiếp nhận vụ việc của cháu bé cho biết cậu chán nản việc học nên đã đạp xe lang thang sau khi ăn sáng. "Cả ngày cậu bé đạp trăm cây số. Đến khi quá kiệt sức và đói, cậu mới cầu cứu người dân xung quanh. Chúng tôi đưa bé về đồn cảnh sát, cho ăn cơm. Đến đêm, bố mẹ đã đến để đón cháu về", cảnh sát chp biết.

    Ngày 15/12/2020, Huang, cậu bé 9 tuổi, đã nhảy khỏi một tòa nhà ở Tứ Xuyên vì áp lực học hành. Trước khi ra đi, cậu để lại cho bố mẹ những dòng thư tuyệt mệnh ngắn ngủi.

    Tháng 4 cùng năm, một học sinh tiểu học 9 tuổi ở Hà Bắc bị tịch thu máy tính bảng. Sau khi giáo viên công khai chỉ trích trước mặt các bạn cùng lớp, em tự tử bằng cách nhảy khỏi tòa nhà.

    ap luc hoc tap trung quoc dspl
    Là cha mẹ, không nên sử dụng một thước đo duy nhất cho sự thành công của trẻ.

    "Văn hóa 996": Làm việc từ 9h sáng đến 9h tối 6 ngày mỗi tuần, trước đây chỉ sử dụng trong công việc, nay được thấy cả trong việc học tập ở Trung Quốc. Nhiều đứa trẻ vì áp lực học tập mà dẫn đến ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe, tinh thần và cả thể xác.

    Một nghiên cứu chỉ ra, một số trẻ trước 15 tuổi não bộ phát triển chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, vì thế "khả năng thức tỉnh" trong học tập yếu hơn. Là cha mẹ, không nên sử dụng một thước đo duy nhất cho sự thành công của trẻ. Thay vào đó, hãy chấp nhận những thiếu sót để tìm ra con đường phù hợp nhất hỗ trợ trẻ. Như vậy, mọi đứa trẻ đều có thể trở thành một tài năng hữu ích.

    Albert Einstein từng nói: "Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn".

    Những tin tức đau lòng liên quan đến áp lực học tập quá lớn của học sinh đã buộc chính phủ Trung Quốc phải đưa ra nhiều chính sách giảm tải, giải phóng trẻ em, xây dựng môi trường lành mạnh để các em phát triển tốt hơn.

    Tháng 9/2021, nhiều trường học tại các thành phố lớn ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách "giảm kép". Cụ thể, học sinh tiểu học và THCS sẽ được giảm gánh nặng làm bài tập. Việc học thêm ngoài giờ cũng bị hạn chế so với trước đây. Học sinh lớp 1 và 2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc bài và tự ôn lại bài cũ. Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, nhà trường chỉ được phép giao lượng bài tập vừa phải, sao cho các em hoàn thành trong vòng 1 giờ.

    Nội dung mới này cũng nhắm vào các cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Cụ thể, họ sẽ không được dạy thêm ngoài trường vào các ngày lễ lớn, hoặc trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-cai-xot-xa-hinh-anh-nhung-dua-tre-trong-thoi-dai-van-hoa-996-o-trung-quoc-a540658.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan