+Aa-
    Zalo

    Bài cuối: "Đắt - rẻ" và chuyện "há miệng mắc quai"

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đằng sau sự "đắt - rẻ", nhiều độc giả đã bức xúc "chất vấn" các chủ đầu tư Việt Nam mà cụ thể là EVN mong được cắt nghĩa những nghịch lý đang hiện hữu ở những dự án năng lượng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

    (ĐSPL) - Đằng sau sự "đắt - rẻ", nhiều độc giả đã bức xúc "chất vấn" các chủ đầu tư Việt Nam mà cụ thể là EVN mong được cắt nghĩa những nghịch lý đang hiện hữu ở những dự án năng lượng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

    Buồn và đau xót bởi sự dễ tính của chủ đầu tư, đó là cảm xúc của hàng nghìn độc giả đã bày tỏ với báo Đời sống và Pháp luật về loạt bài với tiêu đề: "Nghi ngại từ các dự án năng lượng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện" được đăng tải trong liên tiếp 37 số báo qua. 

    Đừng đổ lỗi cho... "bỏ thầu thấp"!

    Xin được bắt đầu với những thắc mắc chung của nhiều độc giả trên khắp cả nước bằng sự hồ nghi về sự "công tâm" và "trách nhiệm" của các chủ đầu tư Việt Nam trong các dự án nhiệt điện.

    Đa số đều cho rằng: Đừng đổ lỗi cho việc các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc bỏ thầu thấp! Nếu "anh" (chủ đầu tư Việt Nam - PV) quy định chủng loại, chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế và thậm chí có thể bắt buộc chọn lựa theo các điều kiện an toàn, liệu ai dám mua đắt bán rẻ cho "anh", dẫu có được Chính phủ hỗ trợ.

    Nếu "anh" quy định và kiểm soát chất lượng công trình bằng cách thuê tư vấn quốc tế, dễ gì nhà thầu Trung Quốc trúng? Nếu "anh" quy định về sử dụng nhân công làm sao họ ồ ạt đưa lao động phổ thông qua làm việc?

    Với những lập luận này, có độc giả thẳng thắn cho rằng: "Đằng sau những câu chuyện "trúng thầu" của Trung Quốc, cũng cần xem lại tại sao trước và sau một cuộc đấu thầu, các đoàn "tham quan học hỏi" của chủ thầu nước ta lại "ra - vào" liên tục ở nước họ đến thế? Có thực chất đó là các chuyến đi "học tập" hay "tìm hiểu công nghệ"? "Đắt - rẻ, tốt - xấu, có một phần cũng từ các cuộc đi lại, thăm viếng ấy", độc giả có tên Thanh Hương viết đầy ẩn ý.

    Trong khi đó, Thạc sỹ Trọng Minh, Viện Quản lý kinh tế (ĐH Bách khoa Hà Nội) phân tích trên cơ sở thực tế: Khi mở thầu, chủ đầu tư sẽ chỉ mở thầu phần kỹ thuật trước, nếu nhà thầu không đủ điểm tối thiểu quy định đánh giá phần kỹ thuật trong Hồ sơ mời thầu (HSMT), thì chủ đầu tư đã có quyền loại nhà thầu đó ra khỏi cuộc đấu thầu, chứ không cần (thực ra là không được) mở phong bì (bao thư) chào tài chính/giá gói thầu của họ ra.

    Vậy thì trong thực tế tại sao hầu như các chủ đầu tư đã từng lăn lộn trong lĩnh vực xây dựng, vận hành, sửa chữa các công trình điện nói riêng, các công trình công nghiệp nói chung đều biết chất lượng thiết bị và xây lắp của các nhà thầu Trung Quốc rất đáng lo âu... Nhưng cuối cùng rồi các nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục thắng thầu các gói thầu EPC?

    Thạc sỹ Minh lý giải, thứ nhất, khi chủ đầu tư lập thiết kế cơ sở, thậm chí ngay cả khi chủ đầu tư lập thiết kế kỹ thuật, vì mục đích muốn dự án khả thi về mặt tài chính để được phê duyệt, chủ đầu tư đã tự "gọt, đẽo, bóp, ép,..." các nội dung chi phí của dự án, để sao cho có tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán đạt mức mong muốn của chủ đầu tư.

    Cách làm này tương đối phổ biến, được giới nghề nói với nhau là kiểu "tự giương lên cái bẫy rồi tự chui vào" hoặc "tự tay cầm dao cắt thịt của mình". Cách làm này thường xảy ra khi các vị lãnh đạo cao nhất của chủ đầu tư là những chuyên gia phi kinh tế - kỹ thuật, mà chỉ mong muốn có thành tích, họ đã bị nhiễm bệnh tư duy nhiệm kỳ. Với tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán bị làm thấp đi như vậy, thì còn cách nào hơn là phải đi với các nhà thầu Trung Quốc.

    Một độc giả có tên Ngọc Minh cho rằng, vấn đề các doanh nghiệp trong nước bị gạt ra rìa khi nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC cũng chính do chủ đầu tư gây ra. Ai cũng biết quy chế đấu thầu hiện nay của Việt Nam cho phép quy định rõ trong HSMT phần việc nào giao cho nhà thầu nước ngoài, phần việc nào phải thực hiện trong nước bởi các DN Việt Nam.

    Thậm chí có thể đưa các yêu cầu này thành điều kiện tiên quyết trong HSMT, mà nếu nhà thầu không đáp ứng thì hồ sơ dự thầu của họ sẽ bị loại bỏ, không xem xét đánh giá nữa. Vậy thì rõ ràng lỗi tại ai trong việc chúng ta không phát huy nội lực được những phần việc mà các DN Việt Nam ta có thể thực hiện rất tốt???

    Bài cuối:

    Những bất cập do nhà thầu Trung Quốc để lại trong các dự án nhiệt điện do sự dễ dãi của chủ đầu tư?!

    Quan trọng là ở chỗ... "lại quả"

    Một độc giả thông qua địa chỉ email: nhathauxd... cho ý kiến: Hiện nay các hãng, tập đoàn lớn và có uy tín trên thế giới như Siemens, Alstom, GE, các tập đoàn khác của Nhật Bản, CHLB Đức, Pháp, Mỹ do sức ép của chính phủ họ, đều đã thực hiện các chính sách "3C" (bao gồm các từ: Clear, Clean, Convince) nhằm trong sạch nội bộ, chống vi phạm pháp luật như hối lộ, móc ngoặc với khách hàng trái pháp luật, không minh bạch, thủ tiêu cạnh tranh lành mạnh.

    Khi đó, các khoản "lót tay", các phần trăm "lại quả" cực kỳ hậu hĩnh dọn đường, kèm theo các chuyến đi công tác khảo sát nghiên cứu nước ngoài "đế vương"... để dành cho các vị "chóp bu" trong chủ đầu tư và các quan chức có thế lực chi phối khó mà còn được diễn ra như trước đây nữa. Do đó, các vị này luôn luôn hướng tới các nhà thầu dễ dàng về các nguyên tắc tài chính như: Hóa đơn cỡ nào cũng xuất được theo ý chủ đầu tư, chứng từ ghi thế nào cũng được... Vậy thì còn cách nào tốt hơn là đi với các nhà thầu Trung Quốc.

    "Hậu quả, do phần lót tay, lại quả quá hào phóng (có thể tới 15 - 20\% giá trị hợp đồng), và để trúng thầu thì tổng giá chào đã giảm thấp tới đáng ngờ, thì tất nhiên là tiền nào của ấy, các nhà thầu Trung Quốc sẽ cung cấp thiết bị và dịch vụ đúng tầm tiền như vậy. Mặt khác, do có thể phía "quân ta" đã lỡ "cắn phải mồi" của họ rồi thì "há miệng mắc quai" đành chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt", miễn làm sao nghiệm thu bàn giao được công trình", vị này nhận định.

    Một độc giả khác cho PV báo Đời sống và Pháp luật biết thông tin quan trọng: "Mình đã từng công tác tại một nhà máy nhiệt do Trung Quốc trúng thầu. Tại đây, chính mắt tôi nhìn thấy các thiết bị do Trung Quốc lắp ráp là rất kém, toàn thiết bị kém chất lượng nếu không muốn nói là đồ thải của đất nước họ. Khi đi vào vận hành thì sự cố liên tục. Tôi thực sự lo ngại về các dự án do đối tác nước này trúng thầu".

    Phải xử lý tận gốc rễ

    Quay trở lại với thạc sỹ Trọng Minh, PV báo Đời sống và Pháp luật tiếp tục nhận được những chia sẻ: Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật để đề ra các biện pháp hiệu quả, hiệu lực xử lý tận gốc rễ của vấn đề. Đã đến lúc Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chấn chỉnh những việc làm có nhiều dấu hỏi. Vấn đề nguyên tắc ở chỗ không phải chúng ta bài xích nhà thầu Trung Quốc, mà chúng ta kiên quyết chống lại những tiêu cực, gian lận, phi pháp trong phương pháp thực hiện của họ.

    Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho PV bản báo nhận định của mình: Nếu không có biện pháp xử lý quyết liệt, các vấn đề đặt ra cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện các dự án nhiệt điện vẫn sẽ, thậm chí xu hướng còn đáng lo ngại hơn, mà hậu quả của chúng thì khôn lường, có thể xuất hiện ngay, hoặc nhiệm kỳ sau, hoặc đời con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu dài dài những hậu quả này.

    Còn nhớ cách đây không lâu, nói về việc đối phó với "bí kíp" giá rẻ của nhà thầu Trung Quốc, trong bối cảnh bị ràng buộc bởi các cam kết ASEAN + và Luật Đấu thầu hiện hành, Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, vai trò đi đầu trong câu chuyện này là thuộc về các chủ đầu tư, chính là các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước.

    Không chỉ là ứng xử "tình cảm", một chính sách "cứng rắn" khác được Bộ này dự kiến: Các chủ đầu tư cần sử dụng tăng trưởng tối đa máy móc vật tư trong nước theo danh mục các sản phẩm thay thế nhập khẩu mà Bộ ban hành. Nếu không, chủ đầu tư cũng sẽ phải "giải trình" rõ vì sao không sử dụng hàng hóa trong nước. Nhưng xem ra, khâu thực hiện vẫn không như vậy.

    "Thông thường trong các HSMT thì các tiêu chuẩn về lắp đặt, về thiết bị và thời gian hoàn thành đã được chủ đầu tư đưa ra. Nếu các chủ đầu tư cứ theo HSMT mà xét thì các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu vì giá thấp cũng không dễ tồn tại... Chẳng hạn như một nhà máy như nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nếu hoàn thành một năm sinh ra 600MW, tương đương bao nhiêu tiền, thì cứ thế mà phạt trong thời gian chậm hợp đồng".

    (Độc giả Thành Nhân, Hà Nội)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-cuoi-dat---re-va-chuyen-ha-mieng-mac-quai-a46369.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan