+Aa-
    Zalo

    Bài dự thi: Biển đảo Tổ quốc trong tôi

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Với tôi – một đoàn viên thanh niên, biển đảo VN chính là mảnh đất thiêng liêng cờ Tổ quốc tung bay, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có cột mốc chủ quyền.

    (ĐSPL) - Mặc dù, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về biển, đảo Việt Nam 2014” mới được Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và báo Đời sống và Pháp luật phối hợp phát động, nhưng Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều tình cảm qua những trang viết của bạn đọc. Sau đây, Ban tổ chức xin giới thiệu bài dự thi sớm nhất - "Biển đảo Tổ quốc trong tôi" của bạn Đinh Thành Trung.

    Trường Sa luôn ngự trị trong trái tim tôi. Đó là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc - nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có cột mốc chủ quyền, nơi lá cờ Tổ quốc luôn tung bay. 

    Tuy không gặp mặt cũng chẳng biết tên các anh, nhưng tôi biết, ở nơi ấy, các anh đang ngày đêm chiến đấu để những người dân chúng tôi có cuộc sống bình yên.

    Tôi đã khóc, không cầm được nước mắt khi được chứng kiến những hình ảnh chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân.

    Từ xưa đến nay, bao nhiêu liệt sĩ đã ngã xuống để cố giữ cho bằng được lá cờ Tổ quốc trên đảo, bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình xây dựng đảo để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Quá khứ bi tráng, có dùng vô vàn lời lẽ vàng ngọc cũng không thể tả hết được lòng dũng cảm và niềm thương tiếc vô hạn. Mỗi một đồng chí ra đi, hàng triệu đồng bào rơi lệ.

    Tình cảm sâu sắc với biển đảo

    Từ thuở bé thơ tôi đã biết đến Trường Sa qua những cuốn sách của ông, qua bài học địa lý các thầy cô đã dạy. Tôi có một người bạn có cha là chiến sĩ Trường Sa. Thấy bạn ngày đêm mong ngóng thư từ đảo gửi về, tâm hồn non nớt của tôi đã bắt đầu hiểu về sự xa cách chia ly ấy.

    Một hôm, bạn khóc khi đọc lá thư, tôi lo lắng hỏi cha bạn ra sao, bạn bảo cha vẫn ổn, nhưng một chú đồng đội đã hy sinh. Lúc ấy nhìn vào đôi mắt bạn, tôi hiểu thế nào là nỗi đau mất người thân. Thêm một lần nữa đất của Tổ quốc lại nhuốm máu một người chiến sĩ.

    Lớn thêm chút nữa, tôi dần hiểu thêm cuộc sống gian khổ của các anh lính đảo. Nơi ấy thời tiết khắc nghiệt, bão táp bủa vây. Ngôi nhà giàn của các anh luôn chao đảo trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên. Nhưng giống như một cây dừa nhỏ nhoi, chênh vênh giữa trùng khơi nhưng vô cùng kiên định, vững chắc, bão giông không đốn ngã. Trong gang tấc giữa cái sống và cái chết, các anh vẫn một lòng chắc tay súng, vẫn một lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; các anh vẫn bám trụ đến cùng, dẫu có hy sinh cũng vẫn mỉm cười.

    Người lính như các anh cũng có gia đình, có vợ con, có bạn bè. Có chiến sĩ, vợ ốm nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện. Anh gạt nước mắt, bình tĩnh, tự đấu tranh tư tưởng, vẫn thực thi nhiệm vụ ở ngoài khơi và gọi điện nhờ bà con làng xóm trong đất liền giúp đỡ. May mắn, cơn hoạn nạn đã qua, và anh lại xúc động một lòng phục vụ đất nước. Có những người lính rất bản lĩnh, không tiếc thân mình chống đỡ với bão tố để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ cột trụ của tổ quốc.

    “Bao đêm anh ở nhà giàn
    Biển trời thấp thoáng muôn vàn vì sao
    Sóng đêm nỗi nhớ cồn cào
    Gió đưa hơi thở, dội vào phương em”…

    Bài dự thi: Biển đảo Tổ quốc trong tôi

    Bài thơ của người lính dù mộc mạc nhưng đã bày tỏ tình yêu vô bờ bến với nhân dân, với Tổ quốc, với đồng đội. Tình yêu đó luôn bùng cháy thành ngọn lửa quyết tâm trong trái tim mỗi chiến sĩ Trường Sa. Các anh sẵn sàng hy sinh chứ không để chủ quyền bị xâm phạm, không để mất chủ quyền. Đối với các anh, mỗi tấc đất của tổ quốc đều thấm đẫm bao nhiêu xương máu của cha ông, của nhân dân ta. Bởi lẽ đó, các anh không tiếc mạng sống của chính mình.

    Trong lúc này, khi những người dân ở đất liền chúng tôi đang yên ổn, hạnh phúc cùng gia đình đón mừng năm mới thì các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân đang trụ lại ngoài khơi xa chiến đấu dù mang trong lòng niềm nhớ nhung gia đình da diết. Nhưng chúng tôi không một ai quên các anh. Giờ nghĩ lại mới thấy nhiều lúc tôi chỉ biết than vãn một cách ích kỷ, nhưng những nỗi khổ đó có đáng gì so với các anh. Hạnh phúc, bình yên mà chúng tôi đang được hưởng, cũng là do mồ hôi xương máu của các anh đem lại.

    Càng hiểu về các chiến sĩ, kiểm ngư và bà con ngư dân, càng thêm yêu biển hơn, yêu Tổ quốc hơn. Cuộc sống của họ hòa vào màu thiên thanh của trời, màu thăm thẳm của đại dương bao la. Nơi ấy mưa gió bão táp có thể bủa vây bất cứ lúc nào, những con tàu thường xuyên chao đảo giữa sức mạnh của thiên nhiên nhưng anh em ngư dân đâu hề nao núng, vẫn một lòng thức đêm trực ngày, một lòng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

    Mở vội máy tính, tôi tìm thấy tên các anh, những liệt sĩ đã hy sinh giữa biển khơi. Đó là anh Trần Văn Phương, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, đã không lùi bước trước quân thù và hy sinh anh dũng. Đó là bạn Quách Hoàng Lâm, sinh năm 1984 chỉ bằng tuổi tôi nhưng đã hy sinh khi mới 22 tuổi.

    Đó là anh Vương Viết Mão hy sinh khi xây dựng đảo. Đó là anh Nguyễn Văn Thi đã hy sinh thân mình để cứu chiếc xuồng quý giá của đồng đội. Các bạn, các anh ơi, có lời nào có thể nói hết lòng tiếc thương vô hạn với các anh đây? Xưa nay bao chiến sĩ đã ngã xuống đề giải phóng đất nước, bây giờ đến các anh ngã xuống để giữ từng tấc đất giữa biển khơi. Vàng bạc châu báu dù nhiều đến tột cùng cũng đâu thể sánh bằng tấc đất các anh đã dùng máu để bảo vệ đó!

    Ngày nay, trong thời bình, những người lính Trường Sa, những người cảnh sát biển các anh luôn nêu cao truyền thống anh hùng, ngày đêm cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Tuy xa cách nhưng lòng lại luôn bên nhau, vì các anh đã nói: “Hãy tin tưởng vào chúng tôi, dù khó khăn, gian khổ đến đâu chúng tôi vẫn vững lòng bảo vệ biển đảo quê hương."

    Đó là lời hứa từ trái tim của các anh. Chúng tôi biết, để giữ được lời hứa đó, có thể các anh sẽ phải đổi bằng chính thân thể đó, chính mạng sống đó. Và chúng tôi cũng biết, dù phải đổi bằng tất cả tính mạng, các anh vẫn sẽ đổi.

    Xin gửi tới các anh, từ trái tim chúng tôi – những người dân của đất liền, tấm lòng biết ơn sâu sắc. Các anh là niềm hy vọng, niềm tin yêu vô bờ bến của cả dân tộc. Dẫu mai này vật đổi sao dời, dẫu cho cuộc sống của chúng tôi kết thúc, thì những hình ảnh thiêng liêng nhưng gần gũi, và sự anh dũng của các anh sẽ được truyền lại cho thế hệ sau, để linh hồn của các liệt sĩ mãi mãi không tan thành hư vô trong dòng chảy thời gian vô tận.

    Những trăn trở và hành động cần làm ngay

    Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là giữ vững được đường biên giới thực, “biên giới cứng” trên đất liền, trên biển. Nó còn là sự toàn vẹn của “biên giới mềm” - biên giới văn hóa, biên giới trong suy nghĩ của con người. Bảo vệ được "biên giới mềm" đó cũng là điều hết sức quan trọng không kém gì bảo vệ "biên giới cứng". Đó cũng chính là mục tiêu mà cả nước ta đang hành động hết sức mạnh mẽ để đạt được.

    Thời gian gần đây, giới trẻ đã cho thấy họ rất có lòng yêu nước, họ đồng cảm với các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân, họ góp công góp tiền của ủng hộ biển đảo, họ tổ chức các hoạt động, các phong trào ý nghĩa.

    Nhưng ở đây tôi muốn nói đến ý thức của chúng ta trên chính các bãi biển trên đất liên. Ở một số bãi biển như Sầm Sơn, Cửa Lò…, rác vẫn được xả thẳng xuống môi trường. Bãi biển biến thành một bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là các bạn trẻ lại chiếm phần lớn trong lực lượng xả rác đó. Họ xả rác theo thói quen, tiện tay vứt rác trong sự vô thức của bản thân, trong khi họ rất yêu nước, một lòng hướng về biển đảo quê hương.

    Vậy đó, biển đảo Tổ quốc là việc lớn, nhưng trước khi nghĩ đến chuyện lớn lao thì mỗi người chúng ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ của bản thân. Chính sự vô ý thức của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đã làm xấu đi hình ảnh biển đảo và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

    Vừa rồi có vụ một người khách du lịch Tây nhắc nhở các bạn ta về ý thức giữ gìn môi trường bãi biền, làm nhiều người giật mình và xấu hổ cho ý thức của thanh niên ta. Sự thật mất lòng này không ai có thể hoàn toàn phủ nhận cả. Tôi nghĩ rằng với các nhà hoạch định chính sách và những người có trách nhiệm ở các bãi biển hẳn rất rõ điều đó và đang ra sức thực hiện những giải pháp khắc phục vấn đề này, nhưng điều đau lòng ở đây là việc sự vô ý thức đó đã bám sâu vào gốc rễ bộ não của một phần thế hệ trẻ, mà nếu không thay đổi ngay thì ý thức thế hệ tương lai sẽ rất tồi tệ.

    Cuối cùng, tôi muốn nêu ra một thông điệp kêu gọi mọi người, bất kể dân tộc, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, hãy cùng nhau hình thành một khái niệm mới là “Văn hóa bảo vệ biển đảo”, hãy làm nó lan tỏa trong cộng đồng và cho cả bạn bè thế giới.

    6 hành động nhằm bảo vệ môi trường biển đảo, bạn đọc Đinh Thành Trung (Tây Hồ, Hà Nội) đề xuất:

    1. Cơ quan, công sở treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức sự kiện tuyên truyền cho CBCNV về bảo vệ chủ quyền biển đảo;

    2. Trường học tổ chức những buổi sinh hoạt, các cuộc thi thú vị về bảo vệ biển đảo, trong đó nhấn mạnh giáo dục ý thức giữ vệ sinh môi trường;

    3. Gia đình thường xuyên giáo dục con cháu về truyền thống biển đảo Việt Nam.

    4. Thanh niên hăng hái thi đua giới thiệu về biển đảo Việt Nam cả trong nước và thế giới.

    5. Doanh nghiệp trở thành những mạnh thường quân góp sức, góp của ủng hộ các chiến sĩ và người dân trên biển đảo.

    6. Người dùng mạng xã hội chia sẻ nhiệt tình về tư tưởng bảo vệ biển đảo đến bạn bè bốn phương.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-du-thi-bien-dao-to-quoc-trong-toi-a39991.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan