Bắn hạ máy bay Syria: Mỹ -Nga có đối đầu bên 'thùng thuốc súng' ?


Chủ nhật, 25/06/2017 | 08:59


Cùng sự kiện

Việc tiêm kích F/A-18E Super Hornet của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bắn hạ máy bay ném bom Su-22 của quân đội Syria được ví như hành động kích hoạt “thùng thuốc...

Việc tiêm kích F/A-18E Super Hornet của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bắn hạ máy bay ném bom Su-22 của quân đội Syria được ví như hành động kích hoạt “thùng thuốc súng Trung Đông.

Syria tố Mỹ "lộ âm mưu"

Sau một loạt các hành động can thiệp vào Syria như không kích vào Deir ez-Zor làm thiệt mạng hơn 60 lính Syria, không kích bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat, triển khai Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) ở miền Nam Syria, Mỹ liên tiếp bắn hạ máy bay Syria. Hôm 21/6, máy bay Mỹ tiếp tục bắn rơi phi cơ không người lái mang vũ khí, do lực lượng thân chính quyền Tổng thống Assad điều khiển ở miền nam Syria. Trước đó, hôm 18/6, máy bay tiêm kích F/A-18E Super Hornet của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bắn hạ máy bay ném bom Su-22 (Sukhoi Su-17) của quân đội Syria gần Raqqa.

Việc Mỹ bắn hạ máy bay được phía Syria coi là một phần trong kế hoạch liên tục leo thang của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này, nhằm ngăn cản đà chiến thắng của quân đội Syria trên khắp các mặt trận. "Cuộc tấn công trắng trợn là âm mưu nhằm phá hoại các nỗ lực của quân đội, vốn là lực lượng hiệu quả duy nhất, trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp lãnh thổ của đất nước”, tuyên bố của Syria có đoạn. Hành động này là “hung hăng” và cho thấy, Mỹ đã “hỗ trợ cho khủng bố”, lực lượng vũ trang Syria tuyên bố.

Việc Mỹ bắn hạ máy bay được phía Syria coi là một phần trong kế hoạch liên tục leo thang của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.

“Vụ tấn công đã thể hiện rõ sự thông đồng giữa Mỹ và IS, làm lộ rõ những âm mưu của Mỹ nhằm chi phối và đầu tư vào lực lượng khủng bố để thực hiện những kế hoạch của Mỹ và chủ nghĩa phục quốc Do Thái tại khu vực”, thông báo của quân đội Syria cho hay.

Trong khi Washington cho rằng, sở dĩ Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ của Syria vì máy bay này thả bom gần lực lượng do Mỹ hậu thuẫn(?). Ngược lại, Damascus cho rằng, máy bay của nước này khi đó đang tấn công IS. Đồng thời, phía Syria cáo buộc vụ “tấn công thô bạo” của Mỹ nhằm làm “suy yếu lực lượng quân sự duy nhất phối hợp hiệu quả cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố” tại Syria.

Nhà báo ở Syria, Alaa Ebrahim nhận định với việc bắn hạ máy bay Syria, Washington đang có mục tiêu vẽ lại “lằn ranh đỏ” trong cuộc xung đột với Syria và cho thấy, Mỹ sẽ không chấp thuận cho lực lượng vũ trang của Chính phủ Syria giải phóng Raqqa. Theo nhà báo Ebrahim, khi IS bị đẩy ra khỏi Raqqa, những kẻ khủng bố sẽ được phép di chuyển "một cách an toàn'' và điểm đến duy nhất của chúng sẽ là chảo lửa Deir Ezzor, nơi mà quân đội Syria đang bị vây hãm bởi IS.

Cân não đối đầu Nga-Mỹ

Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ vẫn âm ỉ bấy lâu nay lại được đánh dấu một bước leo thang mới chưa từng có tiền lệ kể từ sau khi Mỹ bắn rơi máy bay Syria. Nga tuyên bố sẽ thay đổi tình thế để đáp trả hành động của Mỹ. Phía Nga sẽ coi các máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu bay ở khu vực phía tây sông Euphrates ở Syria là mục tiêu tiềm tàng và theo dõi các mục tiêu này bằng hệ thống tên lửa, máy bay quân sự. Nga tuyên bố bắn hạ mọi máy bay và thiết bị bay không người lái ở phía tây sông Euphrates với hệ thống phòng không tối tân của mình.Trong động thái làm căng thẳng thêm mối quan hệ Nga và Mỹ, bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận an toàn trên không ở Syria với chính quyền Washington.

Moscow cáo buộc Washington không tuân thủ thỏa thuận này khi không thông báo về quyết định bắn rơi máy bay của Syria, dù khi đó máy bay của Nga cũng đang bay vào thời điểm đó. Phía Mỹ đáp trả rằng Washington sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ lợi ích của mình.

Phía Mỹ lập luận hành động bắn rơi máy bay được giải thích theo quy tắc giao chiến và vì lực lượng do Mỹ hậu thuẫn chỉ để phòng vệ. Tuy nhiên, theo tạp chí New York, hành động này cho thấy Mỹ hiện giờ sẽ sẵn sàng nhằm vào bất kỳ máy bay nào của Syria, nếu nó đe dọa đồng minh của Mỹ trên mặt đất. Hiện chưa rõ Mỹ có sẵn sàng bắn chiến đấu cơ Nga hay không, nếu chiến đấu cơ này nhằm vào các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.

Theo hai nhà phân tích an ninh Trung Đông thuộc trung tâm An ninh Mỹ mới, ông Ilan Goldenberg và Nicholas A. Heras, khi mà Mỹ thiếu một chiến lược thực sự thì leo thang xung đột đa quốc gia ở Syria có thể nhanh chóng mất kiểm soát, điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến với Iran. Khi Mỹ đang có khả năng trượt vào một cuộc chiến, một điều bất thường là không có lời giải thích công khai nào từ các cấp cao nhất Chính phủ Mỹ và hầu như thiếu sự giám sát của Quốc hội nước này.

Tiến sĩ Maxim A. Suchkov, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Nga-Trung Đông, làm việc cho Ủy ban Đối ngoại Nga, cho biết việc chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-22 của không quân Syria khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu nhiều sức ép.

Thứ nhất, hình ảnh của Moscow đang bị tổn hại nghiêm trọng mỗi khi Mỹ tấn công quân đội Chính phủ Syria. Và các đồng minh trong khu vực bao gồm Syria, Iran có thể bắt đầu nghi ngờ cam kết thực sự của Nga. Thứ hai, chiến lược của Nga ở Syria chủ yếu phụ thuộc vào bộ Quốc phòng. Điều đó có nghĩa là nếu Mỹ còn tiếp tục “gây hấn”, tiếng nói của quan chức ngoại giao Nga như ông Sergey Lavrov sẽ ngày càng trở nên yếu thế. Một cố vấn cấp cao của Điện Kremlin từng nói với Tiến sĩ Suchkov, ông Putin là mẫu người sẵn sàng đối đầu hơn là chấp nhận lùi bước trước khủng hoảng.

Pavel Baev, chuyên gia về quân đội Nga tại viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo cho rằng, phản ứng của Nga sau vụ việc Mỹ bắn hạ máy bay Syria "chủ yếu nhằm thị uy" nhưng "cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi có rất nhiều ngón tay lo âu đang đặt trên những nút bấm nguy hiểm". Theo chuyên gia Baev, "nút bấm" đó có thể kích hoạt thùng thuốc súng Trung Đông bất cứ lúc nào nếu máy bay của quân đội Syria hoặc không quân Nga tiếp tục ném bom vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Lực lượng này đang dồn lực lượng bao vây thành trì Raqqa của IS ở Syria, trong khi quân đội Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực giành lại các vùng đất do phiến quân kiểm soát. Nếu một cuộc đụng độ giữa hai lực lượng này nổ ra, Mỹ sẽ phải ra mặt bảo vệ đồng minh, song đi kèm với đó là nguy cơ kích động căng thẳng với quân đội Nga, Iran và Syria ở Raqqa.

Khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, từ một sự cố nghiêm trọng, Mỹ rất có thể sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột mới ở Syria, nơi mục tiêu tiêu diệt IS nhường chỗ cho cuộc đấu đá giữa các phe nhóm, chuyên gia Baev nhận định.

Đào Vũ

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-ha-may-bay-syria-my--nga-co-doi-dau-ben-thung-thuoc-sung-a194387.html