+Aa-
    Zalo

    Báo động tình trạng cung cấp thông tin gian dối khi vay tiền online

    (ĐS&PL) - Nhiều trường hợp sử dụng chứng minh thư giả, đưa ra những thông tin không đúng về nhân thân, thông tin sai về công việc để vay tiền online phục vụ chi tiêu cá nhân. Đến thời hạn trả nợ đã tìm mọi cách bùng nợ, tắt máy, bỏ trốn…

    Sử dụng thông tin giả để vay tiền online

    Thời gian vừa qua liên tiếp các trường hợp người vay bùng nợ, thậm chí đe dọa, tấn công các công ty tài chính, tín dụng gây bức xúc dư luận.

    Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện thái độ coi thường pháp luật.

    Thực tế, vay tiền online hay vay tại ngân hàng, công ty tài chính được nhà nước cho phép hoạt động đều là hình thức vay tài sản được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015. Pháp luật có quy định rõ: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

    picture1
    Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Hoè phân tích: “Đây là giao dịch dân sự, được thực hiện dựa trên sự thoả thuận của các bên và chỉ khác về hình thức. Ví dụ, vay tiền trực tiếp tại ngân hàng, công ty tài chính thì hai bên sẽ thực hiện giao dịch vay tiền thông qua hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tiêu dùng...

    Còn riêng việc vay tiền online, các bên ký kết hợp đồng thông qua dữ liệu số trên internet hoặc thông qua app. Do đó, khi thực hiện vay tiền online, các bên cũng đã ký kết một hợp đồng điện tử với nhau về việc vay tiền. Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn thoả thuận, nợ bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi (nếu có)”.

    Hiện nay, nhiều ngân hàng và công ty tài chính hợp pháp đã triển khai việc vay tiền online nhằm tạo điều kiện cho người vay thực hiện thủ tục nhanh chóng, giải ngân tiền nhanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, theo nhận định của Luật sư Hòe vẫn không thiếu các app hoặc công ty tài chính “núp bóng” vay tiền online để trá hình cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ”. Với những trường hợp này, người cho vay sẽ bị xử lý nghiêm về hành vi cho vay nặng lãi.

     “Dù vay tiền online thì người vay nợ cũng buộc phải trả đủ số tiền đã vay theo khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự. Việc bùng nợ khi vay tiền online cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cả hai hành vi cho vay nặng lãi và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Hoè nhấn mạnh.

    Vị luật sư nêu thực trạng, thời gian qua, không ít trường hợp người dân đã lợi dụng việc vay tiền đơn giản, thủ tục gọn nhẹ của các công ty tài chính, tín dụng để trốn nợ, thậm chí là bùng nợ. Trong đó thủ đoạn được nhiều người sử dụng đó là sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ.

    “Một số cá nhân có những hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả, đưa ra những thông tin không đúng về nhân thân, thông tin sai về công việc, lợi dụng app vay tiền để vay tiền với mục đích chi tiêu cá nhân. Đến thời hạn trả nợ nhưng không trả, được thể hiện qua các hành vi như bùng nợ, tắt máy, bỏ trốn, tìm mọi cách để trốn tránh không trả nợ theo đúng quy định, điều kiện của app…”, Luật sư Hòe cảnh báo.

    Nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của cá nhân nêu trên thể hiện qua các hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm mục đích để chiếm đoạt tiền từ các tổ chức, cá nhân thông qua sử dụng dịch vụ app cho vay thì có thể có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

    “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm… Chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân”, luật sư Hoè dẫn chứng.

    Bên cạnh đó, những người kích động, xúi giục, “vẽ đường chỉ lối” cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

    Phải xác minh thông tin khách hàng chính xác trước khi cho vay

    Để đảm bảo an toàn khi vay tiền online, luật sư Trương Quang Hoè khuyến cáo người dân nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…). Đồng thời, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app, web.

     “Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh cho vay tiền online bất hợp pháp và xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và vay tiêu dùng qua các app vay tiền online nói riêng”, luật sư Hoè nói.

    Đối với các tổ chức tín dụng, ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật về lãi suất cho vay, về hình thức và nội dung của hợp đồng vay theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật chuyên ngành các công ty tài chính tín dụng cần tăng cường công tác kiểm tra, thẩm tra, xác minh thông tin người vay. bởi tính chất của vay tiền online qua app,… là tiện lợi và nhanh chóng nên không tránh được những rủi ro, thậm chí bị người vay tiền cố tính lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

    “Các công ty tài chính và tổ chức tín dụng cũng cần phải xác minh thông tin khách hàng một cách chính xác khi cho vay, bảo đảm không phải thông tin giả mạo và cần có những biện pháp bảo đảm phù hợp để chắc chắn cho khoản vay”, luật sư Hoè nhấn mạnh.

    Đình Hoàn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-tinh-trang-cung-cap-thong-tin-gian-doi-khi-vay-tien-online-a544990.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.