+Aa-
    Zalo

    Việc điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế

    ĐS&PL Thủ tướng khẳng định dịch đã được kiểm soát trên toàn quốc, nước ta có cơ sở để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

    Biến chủng mới thì phải coi như đại dịch mới

    Mới đây, kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái mới, song đợt dịch thứ tư đã gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân.

    Vì vậy, thời gian tới đây, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp được thực hiện phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời.

    Chia sẻ nhiều khó khăn, thách thức khi đối diện với đợt dịch lần thứ 4, các đại biểu cho rằng trong diễn biến cực kỳ phức tạp của dịch, không có giải pháp hoàn hảo, chỉ có thể chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện bảo đảm trong từng thời điểm.

    Chẳng hạn, việc xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng có thể triển khai rất hiệu quả gần đây tại nhiều địa phương, nhưng trong giai đoạn đầu tại TP.HCM, việc này thực hiện rất khó khăn do thiếu kit xét nghiệm. “Thậm chí, đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, có thể nói là chúng ta trở tay không kịp”, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

    Theo ông Nên, bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch.

    Nghị quyết này đã đưa ra các tiêu chí, cột mốc, mục tiêu để buộc cơ quan, địa phương phải tìm cách hành động bằng được. Từ đó, giúp thay đổi cục diện phòng chống dịch, tạo chuyển biến rõ rệt với các giải pháp như tập trung phân loại, điều trị người bệnh từ xa, từ sớm ngay tại cơ sở, điều động thêm nhân lực, tăng cường vật tư, trang thiết bị...

    viec dieu tri van la nhiem vu rat quan trong khi mo cua lai nen kinh te
    Thủ tướng nhấn mạnh việc điều trị rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế.

    “Lãnh đạo Tp.HCM và Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ liên tục trao đổi, chia sẻ, kiểm tra, uốn nắn, tạo ra quyết tâm, hết sức đồng bộ, thống nhất, mặc dù nhìn lại thì vẫn còn chỗ này chỗ kia, việc này việc khác cần tiếp tục rút kinh nghiệm”, ông Nên nhìn nhận.

    Từ góc độ của cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta.

    Từ kinh nghiệm bước đầu được đúc kết qua thực tiễn phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, Việt Nam có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch.

    Từng bước chuyển sang trạng thái mới

    Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá các ý kiến đều thống nhất cho rằng chúng ta đã kiểm soát được tình hình và từng bước chuyển sang trạng thái mới.

    Đợt dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế - xã hội, đời sống và sức khỏe nhân dân. Vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tới đây phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời, vừa có nhiệm vụ y tế, vừa có nhiệm vụ kinh tế - xã hội, vừa khắc phục những hậu quả của đại dịch, phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành công.

    Các ý kiến đánh giá, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, ghi nhận trong điều kiện, hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, khả năng đáp ứng của ngành y tế, nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất và con người đều hạn chế. Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vắc-xin, thuốc men... phục vụ phòng chống dịch cơ bản đều phải nhập khẩu, dẫn tới không chủ động, không kịp thời, chịu nhiều rủi ro.

    Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, thật sâu, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục những hạn chế, bất cập này trong thời gian tới.

    Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

    Việc điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế, do người đã tiêm vắc-xin vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong.

    Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.

    Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, Thủ tướng nhắc lại phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương, cấp dưới phải phục tùng cấp trên. "Địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên. Nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên", Thủ tướng nhấn mạnh.

    Thủ tướng lưu ý tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

    Tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương trên toàn quốc, Trung ương ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhất quán, các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay.

    Thủ tướng nêu rõ, tình hình thay đổi thì việc tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi, sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

    “Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ tới khi vắc-xin về nhiều như trong thời gian qua, chúng ta mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới. Dù vậy, ông lưu ý phải hết sức cẩn trọng, tránh cực đoan, nóng vội bởi các nghiên cứu cho thấy virus có thể xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm. Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải có dự phòng cho những tình huống xấu nhất, thậm chí phải sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu hơn theo tinh thần “biến chủng mới thì phải coi như đại dịch mới”.

    Thu Huyền

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (169)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-giay-viec-dieu-tri-van-la-nhiem-vu-rat-quan-trong-khi-mo-cua-tro-lai-nen-kinh-te-a517084.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan