+Aa-
    Zalo

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi đi cả thế giới để quay về đi lại từ đầu làng đến cuối làng"

    • DSPL
    ĐS&PL Có cho mình một "kho tác phẩm" đồ sộ, Nguyễn Quang Thiều là một nhà văn đa tài. Ông "ôm" trong con người hạn hữu khối lượng công việc vô hạn. Ông là nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, nhà hội hoạ, xúc tiến văn hoá và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ở đâu có Nguyễn Quang Thiều, ở đó có niềm say mê đến tột cùng. Đời sống và Pháp luật xin giới thiệu một lát cắt nhỏ - nghiệp văn chương, đời người và những chuyến đi... góp phần làm nên cốt cách Nguyễn Quang Thiều.

    Con người chứa đựng hình ảnh thi ca

    ĐS&PL: Xin ông cho biết nghiệp văn chương của ông đến từ khi nào và ai là người có ảnh hưởng lớn nhất?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Bà nội là nhà văn đầu tiên trong cuộc đời tôi. Mặc dù đó là một người nông dân không biết chữ. Bởi những năm tháng xa xưa, làng quê hầu như không có sách, bọn trẻ như tôi biết duy nhất quyển sách tập đọc. Trong những năm tháng không có điện và đèn dầu lại rất hiếm, chỉ có đèn hạt đỗ để ánh sáng leo lét trong nhà, tôi hay ngủ với bà. Bà kể những câu chuyện bà biết. Chuyện trong làng, trong họ, chuyện làng khác,... những câu chuyện ám ảnh, bí ẩn, huyền thoại, mà sau này tôi đã đưa vào sách. Những câu chuyện của bà dụ mình vào thế giới rất khác. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn chương, một thế giới văn chương của lời kể. Trong một bài thơ tôi đã viết: “Giờ vẫn nghe rì rầm/ Lời kể chốn thôn quê buổi tối".

    screen shot 2022 01 27 at 171100
    Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 

    Rồi một sự kiện khác, năm 1964 khi tôi 7 tuổi, chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ leo thang ở miền Bắc, các trường đại học phải sơ tán. Trẻ em Hà Nội là con em cán bộ về quê sơ tán rất nhiều, chúng mang theo một thứ vô cùng kỳ diệu. Đó là sách. Khi họ đi ngủ thì chúng tôi trộm sách để đọc. Những quyển sách đó ra một thế giới khác lạ, một thế giới chưa bao giờ mình biết đến và được kể bằng chữ viết.

    Những lời kể của bà và những cuốn sách của những đứa trẻ Hà Nội đã dựng lên thế giới mà mình muốn theo đuổi mãi. Đó là hai thứ dẫn tôi vào thế giới văn chương. Sau này lớn hơn một chút, tôi đã nghĩ rằng tại sao mình không trở thành nhà văn và viết lên những cuốn sách như thế? Nhưng suy nghĩ đó dần mất đi khi tôi tiếp tục học. Mãi sau này tôi mới bắt đầu sự nghiệp viết ở tuổi 24-25, rất chậm so với các nhà văn khác.

    ĐS&PL: Tại sao ông lại quay lại giấc mơ viết lách vào tuổi 25? Có phải vì đàn anh trong nghề dẫn lối?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi đi học, ôn thi, tôi không chú tâm viết nhưng vẫn có thói quen viết thơ vào sổ tay và đọc cho bạn bè nghe. Bạn bè chép lại và một vài người bạn già dặn hơn đã âm thầm gửi thơ của tôi cho tòa soạn báo Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh. Và tôi được in bài thơ đầu tiên trên báo. Đó là bài “Tiếng vọng” nói về con chim chết trong một đêm bão. Cũng chính bài thơ đầu tiên này được chọn vào sách giáo khoa cho học sinh lớp 7.

    Khi tôi có nhiều thời gian hơn để viết thì có một nhà thơ gặp tôi. Ông ít xuất hiện nhưng đam mê thơ ca vô cùng. Ông có thể dạy tôi về kỹ thuật làm thơ và cuốn tôi vào đam mê đó. Đó là nhà thơ Nguyễn Tấn Việt. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là phiên dịch của nhà máy giấy Bãi Bằng của Thụy Điển. Những năm tháng đó làm phiên dịch rất khá, có thể nuôi được cả gia đình nhưng với đam mê thơ ca, ông đã bỏ tất cả để làm biên tập thơ ở một tạp chí địa phương. Vì thế mà cuộc sống nghèo khổ, nuôi các con rất vất vả.

    screen shot 2022 01 27 at 171112

    Một trong những bức tranh thu hút sự chú ý của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

    Một ngày ông đến tìm tôi vì tôi có gửi thơ đến tạp chí đó. Ông gặp tôi và nói: “Tôi đến tìm bạn vì tôi phát hiện bạn là một thi sĩ. Trong bạn chứa đựng quá nhiều hình ảnh của thi ca! Và tôi nghĩ rằng tôi phải nói với bạn điều đó. Bạn phải biết và không bao giờ được dừng lại!". Rồi ông nói với tôi cả buổi. Ngay buổi gặp đầu tiên đó mà ông không còn ý tứ, ông đứng cả lên ghế để nói say đắm về thơ ca.

    Sau này tôi gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông tổ chức một buổi gặp gỡ với những người cầm bút trẻ. Ông mời 5 người bọn tôi đến và hỏi từng người làm nghề gì. Thực ra ông đã biết nhưng vẫn hỏi và khi từng người trả lời ông, ông khuyên nên tiếp tục nghề của mình. Rồi ông nói: “Còn một người ở lại làm thơ. Đó là Nguyễn Quang Thiều”. Ông nhận thấy rằng tôi sẽ trở thành nhà thơ. Khi bài thơ đầu tiên tôi đưa cho ông đọc, ông nhận xét ảnh hưởng của người này, ảnh hưởng của người kia, chỗ này vụng, chỗ này dại... Và ông khuyên: “Nguyễn Quang Thiều ở lại làm thơ! Tôi nhận thấy phẩm chất thi sĩ Nguyễn Quang Thiều”.

    Như thế là có hai người dẫn tôi đi trong cuộc đời thực. Còn sau này lớn lên thì có những người bảo thơ của tôi là cách tân. Thực tế là tôi không định làm như thế, đó là giọng nói của tôi. Giọng của tôi có hai ảnh hưởng của nước ngoài. Đó là phần dịch nghĩa của thơ Đường. Tôi rất thích phần dịch nghĩa của thơ Đường. Nó còn thô nhưng tạo nên nhịp điệu tầng tầng lớp lớp. Hai là nhà thơ đoạt giải Nobel người Mỹ gốc Nga Brodsky. Tôi đọc ông rất kỹ và coi ông là người thầy trong tinh thần thi ca.

    ĐS&PL: Trong giới, ông là cây bút xuất bản nhiều, cụ thể đến nay ông đã in bao nhiêu cuốn?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi in gần 40 đầu sách các thể loại, thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, chân dung văn học, tiểu luận văn chương, sách thiếu nhi, sách dịch... Thời gian trước thường 1-2 năm tôi lại ra sách. Tôi làm không mệt mỏi. Sau này có một chút tuổi tác cộng với những thứ liên quan đến công việc thì tôi bị cản trở rất nhiều. Dù hiện tại tôi đang làm một công việc khá mệt mỏi nhưng tôi vẫn có bản thảo của 7 cuốn sách chưa in, trong đó có tiểu luận, phê bình, các bài báo về giáo dục, xã hội, một trường ca, một tiểu thuyết, một tập thơ.

    Viết mãi về làng Chùa không hết

    ĐS&PL: Với các tác phẩm của ông - những cuốn sách trong đó hình ảnh quê hương ông: Làng Chùa và sông Đáy xuất hiện rất nhiều. Có độc giả đã cho rằng dường như văn thơ của ông không thoát ra khỏi lũy tre làng. Ông có bình luận gì không?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Điều này đúng. Vì không chỉ với tôi mà với các nhà thơ khác trên thế giới cũng vậy, họ chọn lấy một hiện thực quen thuộc nhất và thấu hiểu nhất của họ. Hiện thực đó là đời sống quanh anh ta khi anh ta sinh ra và lớn lên. Đặc biệt các làng quê Việt Nam có tính dòng họ, gia đình, làng xóm, quê hương bản quán, có sự gắn kết rất khác thường với tất cả người phương Tây.

    Một người Mỹ cả đời có thể di chuyển hàng chục thành phố để sinh sống nhưng người Việt Nam đi đâu cũng muốn trở về cố hương. Người Việt có sự gắn kết nguồn cội với làng quê mình rất lớn. Một nhà văn lớn người Colombia là García Márquez, ông được giải Nobel với cuốn “Trăm năm cô đơn". Và “Trăm năm cô đơn" chính là chuyện ông nói về ngôi làng Macondo của ông. Tôi thấy rằng ở Việt Nam làng nào cũng có thể làng Ma- condo. Nó chứa đựng rất nhiều câu chuyện như làng Macondo của Marquez có. Chỉ có điều ở đấy không có một Marquez cầm bút mà thôi!

    Mỗi làng quê đều chứa đựng hiện thực của nó, chứa đựng những nền tảng văn hóa, dân tộc, chứa đựng những câu chuyện kỳ bí, xúc động, lạ lùng, những số phận con người. Chúng ta chỉ cần cúi xuống, nhìn lại và viết ra. Còn viết ra rồi có trở thành nhà văn lớn hay không thì phụ thuộc vào tư tưởng của anh ta. Không phải cứ viết những vấn đề mang tầm thế giới thì trở thành nhà văn lớn còn viết về một cái xóm thì trở thành nhà văn nhỏ! Vấn đề là tư tưởng, cấu trúc và ngôn ngữ sáng tạo của anh ta đến đâu.

    Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều ở làng Chùa mà mình có thể viết mãi không hết, viết mãi cũng chưa chạm được vào điều mình muốn viết, những điều lớn lao chứa đựng trong vùng đất nhỏ bé. Đó là những câu chuyện đi cùng mọi thời đại mà không hề xa cách. Vấn đề là chúng ta kể nó bằng giọng gì, bằng tư tưởng gì. Vì thế, việc khai thác một ngôi làng, một dãy phố, hay thậm chí ngay chính ngôi nhà của mình cũng có rất nhiều đề tài mà không phải đi tìm đâu xa.

    screen shot 2022 01 27 at 171153
    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

    Tôi không thích việc đi thực tế sáng tác theo hình thức đến một vùng nào đó dăm mười ngày để tìm hiểu rồi viết. Quan điểm của tôi là đi để thay đổi không khí, để gặp gỡ chứ không phải đi để tìm tư liệu sáng tác. Thực tế những người đến trại sáng tác viết từ vốn họ có từ trước, từ nơi mà họ đã sống lâu nhất, hiểu nhất, từ nơi mà trái tim và số phận của họ gắn kết với nó. Đó là hiện thực của họ. Tôi viết về hiện thực nông dân làng tôi phải giỏi hơn những người khác.

    Hiện thực là điều quan trọng, là nơi mà anh ta yêu thương nhất, thân thuộc nhất, khổ đau nhất, buồn bã nhất và hy vọng nhất về nó. Chỉ cần anh ta có một tư tưởng lớn đặt vào hiện thực đó, dùng hiện thực đó để minh chứng, truyền tải tư tưởng của anh ta mà thôi. Tôi nghĩ như vậy nên việc khai thác về làng Chùa tôi vẫn viết. Có những bài thơ mà họ cho là Tây quá. Nhưng khi bóc lớp vỏ của hiện tại thì bên trong nó là con người, là đời sống, là suy tưởng về mảnh đất, về ngôi làng.

    ĐS&PL: Ông đã viết quyển Mùi của ký ức, có vẻ như mọi món ăn đều không qua được ẩm thực làng Chùa?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Người ta thường nói món ăn ngon nhất là món mẹ nấu. Vì nó chứa đựng trong đó một tinh thần khác ngoài ẩm thực. Vì thế tôi hay nấu ăn cho các con vào ngày nghỉ. Khi nấu tôi hay kể những câu chuyện xung quanh nó: Rau khúc, canh cua, bánh đúc... Ở đó gợi mở nên một nền văn hóa ẩm thực. Ở đó gợi nhớ đến những người thân yêu đã khuất. Ở đó chính là văn hóa, sự thiêng liêng của nguồn cội. Đó chính là tinh hoa ẩm thực. Các dân tộc khác cũng thế. Không một món ăn nào của dân tộc này ngon hơn món ăn của dân tộc khác mà chỉ có những món ăn phổ cập hơn. Ẩm thực có một sự linh thiêng, đánh thức không chỉ vị giác mà còn đánh thức ký ức và lòng biết ơn. Sau mỗi món ăn là một sự kỳ vĩ của đời sống, của sự gắn kết giữa con người với con người, của lịch sử dân tộc, vùng đất.

    “Thế gian và những mặt người"

    ĐS&PL: Ông nhắc đến các chuyến đi thực tế và thực tế là ông đã đi rất nhiều, không chỉ ở trong nước. Ông có nhớ mình đã đi bao nhiêu quốc gia không?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đi rất nhiều và có những nơi tôi đi rất nhiều lần. Quốc gia tôi đến nhiều nhất là Mỹ, cũng mười mấy lần. Tôi đã đi Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc, Colombia, Pakistan, Afghanistan... gặp gỡ các giáo sư, tiến sĩ, trí thức, chính khách, các nhà thơ danh tiếng, tiếp kiến Đức vua, Hoàng hậu, những người Việt xa xứ, và cả những người vô gia cư. Tôi cũng đi dự trại sáng tác ở Ai-len, nhưng trại sáng tác của họ chỉ có một người, không bao giờ có người thứ hai. Tôi ở một mình trong ngôi nhà dựng trên quả đồi hoa vàng bất tận, ban đêm bước ra cửa bạn chỉ thấy ngọn đèn le lói từ xa của những người chăn cừu. Và bạn chỉ nghe thấy hai thứ âm thanh, là tiếng cừu kêu và tiếng gió thổi. Một vẻ đẹp bất tận. Chuyến đi đó thay đổi tôi nhiều. Tôi sống trong sự cô đơn thực sự. Không ai động đến mình, tự mình nấu ăn, tự mình viết, tự mình lang thang. Tôi có một cuốn sách chuẩn bị in có tựa là “Thế gian và những mặt người".

    Những tầng tầng lớp lớp về hiểu biết, tri thức, phong tục, tập quán, giáo dục mà tôi biết được trên thế giới cho tôi cơ hội nhìn lại thế giới của mình, đó là Việt Nam. Nhìn lại kỹ lưỡng hơn để thấy Việt Nam giá trị hơn, kỳ vĩ hơn để yêu thương hơn và thấy thiêng liêng hơn. Tôi đi cả thế giới để quay về đi lại từ đầu làng đến cuối làng. Người làng tôi có khoảng 200 câu nói mà tôi ghi chép được nói về thơ ca và cuộc sống khiến tôi phải giật mình nhận ra ở đó chứa đựng những triết lý cao cả nhất về con người, về nghệ thuật, về lẽ sống.

    Làng Chùa quê tôi cách đây 1⁄4 thế kỷ đã họp lại những người con của làng. Các cụ nói chúng tôi hãy dựng lại cổng làng. Cổng làng này không phải bằng đá, bằng gạch mà là bốn chữ trên cổng làng, dựng lại tinh thần, hồn cốt của làng. Đó là: “Vọng tự nhập xuất” nghĩa là nhìn chữ để biết việc ra vào. Rộng hơn nghĩa là chúng ta phải có văn hóa để biết việc hành xử với con người, với thiên nhiên. Nó là một câu nói rất giản dị nhưng chứa đựng minh triết. Tôi đã đi gần 50 nước trên thế giới, tiếp xúc với đủ loại người. Tôi muốn lắng nghe tất cả giọng nói trên thế gian này để tìm kiếm những con người, những số phận để mang những tinh thần, cảm nghĩ vào trang viết của mình sau này.

    ĐS&PL: Đi nhiều như vậy, ông đã từng phạm sai lầm nào về văn hóa không?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi là một người kỹ lưỡng. Tôi không phạm sai lầm nào về văn hóa. Nhưng lúng túng thì có. Tôi đi các nước Hồi giáo thì tôi phải tìm hiểu qua đọc sách. Tôi đã dành một buổi trao đổi với nhân viên ngoại giao Pakistan, ông ta đã dặn tôi những điều cần thiết. Còn những nét cơ bản thì tôi tra cứu trên internet. Khi vào hoàng cung thì một lời hai lời phải Kính thưa Đức vua, Kính thưa Hoàng hậu. Tôi đi và thấy được sự kỳ diệu của văn hóa. Người Úc có nói một câu: “Nếu chúng ta thêm một nhạc sĩ người Nga thì chúng ta thêm một màu sắc. Chúng ta biết thêm một kiến trúc sư người Ấn Độ chúng ta biết thêm một không gian. Và chúng ta thêm một nhà thơ Việt Nam thì chúng ta thêm một ngôn ngữ”. Tôi đã có một phát hiện thú vị khi đọc một cuốn tuyển tập các bài thơ và bài hát của Thổ dân Úc và thấy ở đó nhiều tư tưởng giống với các dân tộc ít người Việt Nam: Những nghi lễ về tổ tiên, nghi lễ gieo trồng, gặt hái. Điều đó cho thấy sự thiêng liêng đời sống là điểm chung đánh thức tất cả.

    ĐS&PL: Ông có thể chọn một đất nước mà ông ấn tượng nhất không?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỗi đất nước đều mang đến một vẻ đẹp khác biệt nhưng tôi muốn chọn Ai-len. Một đất nước hơn 4 triệu dân nhưng đã có 4 nhà văn đoạt giải Nobel, nơi sinh ra những nhà văn vĩ đại như James Joyce - người được xếp vào hàng những nhà văn khổng lồ nhất của nhân loại. Trước khi đi Ai-len tôi có đọc một bài báo viết rằng bạn đi trên đường thấy 5 người, nếu bạn ném một hòn đá thì kiểu gì cũng trúng một nhà thơ hoặc một họa sĩ, hoặc một nghệ sĩ hát dân ca, hoặc một kiến trúc sư. Đó là một đất nước với 10 ngàn nhà thơ hưởng tài trợ của nhà nước để sống và sáng tạo.

    Ở đó mỗi gia đình là một ban nhạc, mỗi một gia đình là một studio hội họa, tối tối họ cùng nhau hát những bài dân ca. Làng không có chính quyền thôn hay chính quyền xã. Họ chỉ có hai thứ chung là nhà thờ và bưu điện. Tất cả những thứ còn lại là tài sản riêng, thuộc về cá nhân. Người dân yêu cuộc sống yên bình, tôi không thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông. Họ yêu thơ ca vô cùng và cũng là một trong năm nước có thu nhập đầu người cao nhất châu Âu. Vào những ngày cuối tuần, họ tụ tập trong quán rượu và tôi thấy trên bức tường của quán rượu dán dày đặc những bài thơ chép tay của những người công nhân, nông dân.

    Tôi gặp một nhà thơ rất nổi tiếng, bà rời Thủ đô Dublin để về sống ở vùng đồi đó. Bà sống với khoảng năm bảy chục con mèo hoang và coi chúng như những người bạn. Hàng ngày bà nấu ăn cho chúng, cùng chúng đi dạo dọc bờ biển, suy ngẫm và viết. Đó là cuộc sống của một trong những, nhà văn lớn của Ai-len. Trong những nơi tôi đã đi, ngoài Việt Nam, nếu được chọn để sống, tôi sẽ chọn Ai-len.

    ĐS&PL: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị! 

    Trong bài tham luận của tôi viết về Hội nghị Văn hóa toàn quốc tôi có trích câu nói của người làng tôi: “Không có ăn không thể bước đi, không có ch ữ không nhìn thấy đường”. Nếu không có ăn chúng ta không thể lê chân trên mặt đất nhưng lê chân được mà không có văn hóa thì chúng ta không nhìn thấy đường, chúng ta sẽ trở thành kẻ mù lòa trong cuộc sống này. Văn hóa chính là đôi mắt, như cụ Hồ nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi". Không có văn hóa chúng ta không thể hạnh phúc, không biết đâu là vẻ đẹp, đâu là nhân tính.

    Hoàng Thanh Xuân

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Tết Nhâm dần 2022

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-tet-toi-di-ca-the-gioi-de-quay-ve-di-lai-tu-dau-lang-den-cuoi-lang-a527025.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan