+Aa-
    Zalo

    Bất cập từ người đại diện phần vốn Nhà nước: Nhìn từ Resco

    ĐS&PL Mặc dù luôn đòi hỏi nhiều quyền lợi như chia cổ tức, thù lao…, thế nhưng, trong các kỳ đại hội cổ đông, người đại diện phần vốn Nhà nước luôn “bác” tất cả các chủ trương của Hội đồng quản trị khi được lấy phiếu biểu quyết.

    Lộ diện hàng loạt sai phạm

    Trong kết luận thanh tra vừa được công bố mới đây, Thanh tra TP HCM cho biết Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (Resco) đã mắc nhiều sai phạm như tùy tiện sử dụng vốn nhà nước, quản lý vốn chưa chặt... dẫn đến khó thu hồi nợ 1.473 tỷ đồng.

    Thanh tra cho rằng, việc Resco quản lý sử dụng vốn chưa chặt chẽ đã tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng. Tổng công ty cũng chưa hoàn thành đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu; chưa thành lập hội đồng xử lý các khoản nợ khó đòi, không có khả năng thu hồi theo chỉ đạo UBND thành phố.

    Doanh thu của Resco trong hai năm 2017 và 2018 chỉ đạt hơn 70% kế hoạch thành phố giao, song chi phí thực hiện lại vượt 1,5 lần kế hoạch. Quá trình thanh tra, UBND TP HCM đã quyết định thu hồi hơn 54 tỷ đồng doanh thu của công ty năm 2018 chưa nộp vào ngân sách thành phố.

    Theo Thanh tra thành phố, Resco còn tồn đọng 1.500 phiếu thu trị giá hơn 76 tỷ đồng và 355 phiếu chi trị giá gần 55 tỷ đồng (là tiền cọc và hoàn tiền cọc mua căn hộ tại chung cư lô B Bàu Cát II, quận Tân Bình) phát sinh từ tháng 11 đến 12/2017, không có chữ ký duyệt và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị. Tuy nhiên, 355 phiếu chi này đã được xuất quỹ chi tiền trả cho các tổ chức, cá nhân.

    Việc này có sự buông lỏng quản lý, tùy tiện trong công tác kế toán thu, chi tiền, dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng", kết luận thanh tra nêu rõ.

    Ngoài ra, Resco còn sử dụng vốn của nhà nước để chi tiền hộ cho đối tác kinh doanh, bao gồm: nộp hơn 5 tỷ đồng tiền thuê đất, thuế đất cho Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần địa ốc 7. Tổng công ty còn chi trả các chi phí thực hiện dự án Khu B chung cư Nguyễn Kim thay cho đối tác là Công ty cổ phần địa ốc Ngân Hiệp... gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. "Việc này làm lợi cho đối tác, mang tính rủi ro cao, có sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước...", kết luận tranh tra nêu.

    Qua thanh tra 6 dự án điển hình, Thanh tra TPHCM cho rằng, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của RESCO, các đơn vị thành viên và CTCP có vốn góp của RESCO có nhiều sai phạm. Cụ thể, 6 dự án bị thanh tra gồm: Dự án căn hộ Felisa Riverside (số 99 Bến Bình Đông, P.11, Q.8) do CTCP Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư; dự án tại số 577 Bến Bình Đông, P.13, Q.8 và dự án Trung tâm thương mại Bình Đăng (Quốc lộ 50, P.6, Q.8) do CTCP phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư; các dự án do RESCO làm chủ đầu tư như: dự án đầu tư xây dựng khu cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, Q.3; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư An Hội, P.14 và dự án chung cư Nguyễn Kim B, Q.10.

    bat cap tu nguoi dai dien phan von nha nuoc nhin tu resco
    Trụ sở Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (Resco). Ảnh: Tuổi Trẻ

    Qua thanh tra, hầu hết các dự án nói trên đều chậm tiến độ thực hiện cũng như chậm tiến độ thi công, có một số dự án từ khi phê duyệt dự án đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa đưa vào khai thác sử dụng, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn doanh nghiệp và có sai phạm trong việc chỉ định thầu, đấu thầu.

    Bên cạnh đó, việc bán nhà hình thành trong tương lai chưa đảm bảo quy định, chưa thực hiện đầy đủ việc bảo lãnh ngân hàng nhưng đã tiến hành bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng việc quản lý, sử dụng nhà đất số 236 Điện Biên Phủ, P.6, Q.3 của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc III (doanh nghiệp có vốn góp của RESCO) có sai phạm khi doanh nghiệp này cho CTCP Địa ốc Thủ Thiêm thuê lại không đúng đối tượng, mục đích được giao, thuê đất. Tháng 11-2018, Sở TN&MT đã đề xuất UBND TPHCM thu hồi và lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất.

    Luôn đòi quyền lợi nhưng lại sợ trách nhiệm

    Kết luận thanh tra cho thấy, năm 2017, 2018, Resco đã đầu tư tài chính tại 32 đơn vị với tổng giá trị góp vốn là 2.250,4 tỷ đồng, nhưng chỉ có 18/32 đơn vị có lợi nhuận, cổ tức được chia, còn lại 14/32 doanh nghiệp không chia lợi nhuận, cổ tức được chia. Trong đó, năm 2017 có 7 doanh nghiệp đầu tư bị lỗ. Resco chưa báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý như thoái vốn, tăng cường giám sát hoặc biện pháp khác trình UBND TP HCM, chưa hoàn tất việc thoái hết vốn đầu tư tài chính ngoài ngành.

    Thanh tra TP HCM khẳng định, Resco chưa xây dựng quy chế hoạt động của người đại diên vốn là người lao động, thiếu khách quan trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện phần vốn và mức thù lao được hưởng. Resco cử nhiều trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước không chuyên trách, thực hiện bổ nhiệm và miễn nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời.

    Phản ánh đến phóng viên, đại diện một số nhà đầu tư cho biết kết luận của Thanh tra mới chỉ nêu được “phần nổi” của “tảng băng chìm”. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa khi được hỏi đã rất bức xúc với năng lực, đạo đức của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. “Đại hội cổ đông nào cũng đòi chia cổ tức, luôn đòi hỏi quyền lợi, nhưng khi đề nghị có ý kiến, người đại diện phần vốn Nhà nước luôn “phủ quyết” tất cả các chủ trương của Hội đồng quản trị”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.

    Thực hiện chủ trương thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đã tham gia đấu giá mua cổ phần của các công ty thuộc tại Resco. Theo quy định, chậm nhất là sau ba tháng cổ phần hóa thì doanh nghiệp phải được quyết toán chuyển thể.

    Tuy nhiên, nhiều công ty con của Resco được cổ phần hóa từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được quyết toán chuyển thể. Việc chậm trễ này đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp sau cổ phần hóa không thể tăng vốn, huy động vốn, không thực hiện được các dự án có quy mô lớn vì đòi hỏi vốn chủ sở hữu tương ứng. Khi chưa được quyết toán chuyển thể, doanh nghiệp cũng sống trong tình cảnh “đầu Ngô mình Sở”, ngân hàng từ chối không cho thế chấp tài sản. Cụ thể, sổ đỏ nhiều doanh nghiệp trước cổ phần hóa đứng tên Công ty TNHH MTV, giờ cổ phần hoá xong và muốn chuyển đổi sổ đỏ sang tên công ty cổ phần thì cũng không được vì chưa cập nhật biến động do chưa quyết toán chuyển thể, khi mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng thì sẽ bị ngân hàng từ chối vì sổ đỏ vẫn ghi tên Công ty TNHH MTV…

    Theo quy định thì sau 30 ngày cổ phần hoá, các thủ tục phải được hoàn tất, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp đã mua cổ phần hơn cả chục năm trời mà việc quyết toán chuyển thể vẫn chưa được cơ quan chức năng tại đây thực hiện, trong khi đó, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lại vô trách nhiệm.

    Để tự cứu mình, doanh nghiệp đã tự mời Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra vào cuộc để kiểm toán, thanh tra tất cả hoạt động của doanh nghiệp để lấy kết quả đó phục vụ cho công tác quyết toán chuyển thể được đẩy nhanh. Tuy nhiên, khi có kết của Kiểm toán Nhà nước, của Thanh tra thì cũng chẳng ai làm gì. “Họ biết đúng cũng chẳng làm, biết sai cũng chẳng làm, cứ để mặc doanh nghiệp kêu cứu hoài như vậy”, đại diện một nhà đầu tư cho biết.

    Các công ty con của Resco trước khi cổ phần hóa hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Bởi vậy, không chỉ nhà đầu tư bất bình mà khách hàng mua nhà dự án của những công ty cổ phần hóa này cũng hết sức bức xúc về trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thời gian qua nhiều chủ đầu tư nhận được đơn yêu cầu bàn giao “sổ đỏ” đất nền và căn hộ mà khách hàng đã mua, tuy nhiên, khi đi làm thủ tục cấp sổ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẳng thừng từ chối vì lý do doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục quyết toán chuyển thể!.

    Trong khi đó, để hoàn tất việc quyết toán chuyển thể, vai trò của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, khi đề nghị ký giấy tờ thì không ký, khi công ty cần vay vốn để phát triển dư án thì người đại diện phần vốn Nhà nước cũng không chịu ký xác nhận vào giao dịch đảm vì sợ liên trách nhiệm. Tại các cuộc họp thì người đại diện phần vốn Nhà nước luôn yêu cầu chia cổ tức, nhưng doanh nghiệp lại không thể chia cổ tức vì công ty chưa được quyết toán chuyển thể.

    Công ty cần phát triển những dự án mới, đưa lợi nhuận doanh nghiệp hàng năm tăng cao thì phải ủng hộ. Tuy nhiên, người đại diện phần vốn Nhà nước lại không nghĩ vậy, họ luôn ngăn chặn, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những bất cập hiện nay là nhiều lãnh đạo các công ty Nhà nước được điều động từ chính chính quyền sang làm doanh nghiệp. “Người ta quen làm chính quyền rồi nên khi điều hành doanh nghiệp sẽ lúng túng, không biết gì. Họ luôn sợ trách nhiệm, sợ đi tù và không chịu ký gì cả. Người đại diện phần vốn Nhà luôn bác bỏ, phủ quyết tất cả các chủ trương, phương án kinh doanh đúng đắn của công ty. Chúng tôi làm đúng họ cũng không cho”, đại diện một nhà đầu tư bức xúc cho biết.

    Mặc dù luôn đòi hỏi nhiều quyền lợi như chia cổ tức, thù lao…, thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, trong các kỳ đại hội cổ đông, người đại diện phần vốn Nhà nước luôn “bác” tất cả các chủ trương của Hội đồng quản trị khi lấy phiếu biểu quyết. Nhiều cổ đông kiến nghị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, UBND TP nên xem xét lại năng lực của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, cần cử người có hiểu biết, có trách nhiệm tham gia HQT để các doanh nghiệp sau cổ phần hóa mới có thể vươn mình phát triển, nếu cứ để tình trạng người đại diện phần vốn Nhà nước như cách mà Resco đang làm thì sẽ còn gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của Nhà nước và nhà đầu tư.

    Khởi tố vụ án tại Resco

    Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco). Hiện tại, dấu hiệu tội phạm tại Resco chưa được cơ quan điều tra công bố, nhưng trước đó, Thanh tra TPHCM đã công bố kết luận thanh tra thời kỳ 2017, 2018 về phòng chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

    Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được UBND TPHCM thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án, nhà ở tái định cư; nhà ở xã hội; chương trình giải tỏa kênh rạch, chung cư, nhà ở công nhân...

    Được biết, Chủ tịch HĐTV của Resco hiện nay là ông Hoàng Song Hà. Ông Hà từng có thời gian giữ chức Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-cap-tu-nguoi-dai-dien-phan-von-nha-nuoc-nhin-tu-resco-a544268.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan