Bất lực khi con trai mê chơi điện tử bỏ bê học hành


Chủ nhật, 30/04/2017 | 02:06


Cùng sự kiện

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đau khổ vì có con bị nghiện chơi điện tử, bỏ bê mọi sinh hoạt gia đình, học hành... nhưng họ không biết cách nào giải quyết.

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đau khổ vì có con bị nghiện chơi điện tử, bỏ bê mọi sinh hoạt gia đình, học hành... nhưng họ không biết cách nào giải quyết.

Tôi là một người mẹ sinh sống ở vùng quê nghèo, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Nhà tôi có hai người con một trai và một gái. Nếu như con gái lớn ngoan ngoãn bao nhiêu thì cậu con trai út năm nay 15 tuổi vô cùng ngang bướng, khó bảo, mê chơi điện tử. Tiền xin bố mẹ đi học thêm cháu “nướng” hết vào các quán game, thường xuyên trốn học, nói dối bố mẹ để có tiền đi chơi điện tử. Chồng tôi đã nhiều lần bắt gặp và dùng roi đánh con ngay tại quán game, thậm chí còn tuyên bố sẽ từ mặt nếu cháu tái phạm.

Ảnh minh họa.

Thế nhưng mọi biện pháp đều vô hiệu. Vợ chồng tôi rất buồn và lo lắng, xin hãy cho chúng tôi một lời khuyên.

Hà Thị Thảo (Sơn La)

Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Hoài Nam (Tổng đài tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân, gia đình) tư vấn:

Chào chị! Tôi rất hiểu nỗi lòng của một người mẹ khi có con khó bảo. Tuy nhiên câu chuyện của chị cũng giống như những trường hợp của các vị phụ huynh khác có con đang ở độ tuổi trưởng thành.

Trong thời buổi công nghệ hiện đại, tâm lý của các bạn trẻ đang ở độ tuổi dậy thì thường rất tò mò, hiếu kỳ khám phá những điều mới lạ xung quanh. Con trai chị 15 tuổi, ở độ tuổi này con thích chơi hơn là học.

Nếu như chồng chị đánh con và cho rằng đó là cách giáo dục đúng thì theo tôi là không có tác dụng, ngược lại còn bị phản tác dụng.

Trong trường hợp này, chị nên ngồi lại nói chuyện với hai bố con. Về phía chồng, chị nên góp ý: “Em thấy cách dạy con như vậy là chưa ổn và làm vậy sẽ chỉ làm con càng ngày càng khó bảo, càng bướng thậm chí làm quá con bỏ nhà đi còn nguy hiểm hơn”. Còn về phía con chị hãy phân tích cho con hiểu về hoàn cảnh gia đình mình, không khá giả như những gia đình khác, rồi bố mẹ làm vậy là muốn con có một tương lai rộng mở hơn.

Việc chơi điện tử nó ngấm vào người và cũng coi như bị nghiện, nhưng nghiện ở dạng này không thể cho vào trại hay cách ly được mà chị cùng chồng nên nói chuyện với con hàng ngày, tạo cho con công ăn việc làm ngoài giờ lên lớp. Người xưa có câu “mưa dầm thấm lâu” chị thường xuyên trò chuyện, dạy con nhẹ nhàng tôi tin rằng con trai chị sẽ hiểu và trở về làm con ngoan, trò giỏi.

Thanh Lam (ghi)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-luc-khi-con-trai-me-choi-dien-tu-bo-be-hoc-hanh-a188670.html