+Aa-
    Zalo

    Bầu trời tri thức trong hẻm nhỏ của “vua sách” Hà thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phố Đinh Lễ vốn được coi là thiên đường ngự trị trong tâm tưởng người yêu sách ở Thủ đô, là nơi mà ta có thể dùng cả ngày nghỉ của mình để “lăn lê” các cửa hàng.

    Phố Đinh Lễ vốn được coi là thiên đường ngự trị trong tâm tưởng người yêu sách ở Thủ đô, là nơi mà ta có thể dùng cả ngày nghỉ của mình để “lăn lê” hết từ cửa hàng này sang quầy kệ khác với mong tìm cho kỳ được cuốn sách trong tim. Ở đó, có một hiệu sách ẩn sâu trong căn gác cũ kỹ, bao năm âm thầm nhen nhóm và truyền lửa văn hoá đọc.

    Căn gác ngập tràn sách giữa lòng Phố cổ

    Một ngày hè, tôi quay trở lại Hiệu sách bà Mão, một địa chỉ thân quen từ thời sinh viên. Muốn bước vào “thế giới sách” thu nhỏ, bạn phải đi qua con ngõ nhỏ tối tăm, chỉ một người đi lọt ở số 5 Đinh Lễ. Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy một tấm biển nhỏ chỉ dẫn “Hiệu sách bà Mão trên gác”, với hướng mũi tên dẫn bạn đến một chiếc cầu thang cũng nhỏ hẹp và dựng đứng. Đặt chân đến nơi sẽ thấy một thế giới khác rất... phố cổ mở ra trước mắt, vừa yên tĩnh, vừa rợp bóng cây cao. Dưới tán cây cổ thụ, một cụ già ngồi đang ung dung đọc sách, uống trà.

    Những ký ức xưa cũ bất chợt hiện về. 6 năm trước, với một cô sinh viên tỉnh lẻ vừa lên Hà Nội nhập học như tôi, mọi thứ đều vô cùng xa lạ. Càng cố gắng hòa mình, tôi càng cảm thấy lạc lõng. Ngay cả đến việc tìm những cuốn sách liên quan tới ngành Văn học mà tôi đang học tập cũng là một sự khó khăn. Thời gian đó, tôi đã được một người bạn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mách cho một địa chỉ có nhiều sách hay, đặc biệt nơi đó có một không gian nhỏ yên tĩnh và có thể “chứa chấp” tôi hàng tiếng đồng hồ. Có lẽ, nói đến đây với những người mê sách, yêu sách đều sẽ biết. Không đâu khác đó chính là Hiệu sách bà Mão – cơ ngơi sách đồ sộ của vợ chồng ông bà Lê Luy - Phạm Thị Mão.

    Ông Lê Huy được nhiều người gọi là “nhà vua” của phố sách.

    Năm 1996, nhờ quyết định sáng suốt của bà Mão, cuốn sách Almanach - những nền văn minh thế giới đã được xuất bản thành công, với số tiền lãi lên tới 500 cây vàng. Bỏ ngoài tai lời khuyên tích cóp, hưởng thụ, ông bà quyết định mua thêm các gian kế bên để mở rộng hiệu sách. Sau này, dù bà Mão phải vật lộn với bệnh tật, tai biến nặng phải nằm viện điều trị cả tháng trời, vợ chồng bà vẫn quyết tâm gắn bó với nghề buôn sách. Cơ ngơi sách của ông bà đã trở thành nơi lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ nhiều thế hệ bạn đọc Hà Nội – những người vẫn trìu mến gọi ông bà là “nhà vua sách”, "nữ thành hoàng" khai sinh ra phố sách lâu đời nhất Thủ đô... Ngoảnh đi ngoảnh lại, những năm tháng sinh viên cũng qua, những ngày tháng lê la trong quán sách của bà Mão cũng lùi vào quá khứ, thời gian cuốn tôi đi. Và cả bà Mão nữa. Nhưng những ký ức và câu chuyện về bà Mão vẫn còn rất sống động trong tâm trí nhiều người, đặc biệt là ông Lê Luy.

    Cái tình với sách và “cô ấy”

    Ông Luy, năm nay cũng đã 75 tuổi, ngồi trầm lặng, nhấc chén trà lên rồi lại hạ xuống. Ông thường gọi người bạn đời đã đi vào cõi tạm một cách trìu mến là “cô ấy” – cách xưng hô hiếm có ở độ tuổi của ông. Bên cạnh tình cảm nồng nàn, ông còn tỏ ra rất nể trọng khi luôn miệng nói rằng bà sở hữu trí tuệ uyên thâm đáng khâm phục.

    “Tôi với cô ấy có một điểm mà có lẽ khó tìm được ở những cặp vợ chồng khác. Đó là hiểu suy nghĩ của nhau, không cần nói chuyện với nhau cũng biết ý định của nhau như thế nào. Trên cuộc đời, số có những cặp đôi như vậy không phải là nhiều. Thế nên mọi việc đều tâm đầu ý hợp. Các cụ có câu, thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn, nó tạo sức mạnh rất quý. Tôi luôn trân trọng những gì đã có giữa tôi và cô ấy”, ông Luy chậm rãi nhắc về người vợ quá cố. Ông bảo đến tận bây giờ ông vẫn luôn trân trọng những đức tính của bà và chính bản thân ông vẫn luôn học tập theo bà. “Cô ấy là một người có trí tuệ, nhưng trí tuệ thôi chưa đủ. Trong nhà sách này có bao nhiêu cuốn sách, giá trị thế nào, để ở vị trí nào chỉ cần nhắc đến là cô ấy có thể nói vanh vách và lên lấy cuốn sách đó luôn.

    Đây là trí thông minh mà sự kiên nhẫn cần cù mới có thể biết được bởi lượng sách lớn vô cùng”. Ông kể: “Một lần nhà sách được nhận giải thưởng, tôi là người đi nhận. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết phần thưởng trên danh nghĩa, trên giấy tờ là tôi - chủ hiệu sách nhưng người có công là vợ tôi. Đến lúc về, tôi có đưa cho cô ấy và nói đây là phần thưởng của em đó nhưng họ ghi nhầm”. Bao nhiêu năm tháng, ông bà bền lòng sắt son, cùng nhau phát triển từ một thùng sách nhỏ bán ven đường thành một hiệu sách đồ sộ. Và thành quả đó không chỉ thay đổi cuộc đời họ mà còn làm đổi thay cuộc đời của nhiều người khác nữa. Dòng hồi tưởng của ông bất chợt bị xen ngang khi một vị khách tới xin phép nhờ ông tìm sách. Vị khách cất tiếng hỏi: “Ông ơi, bà con đâu ạ? Hôm nay, con ở Thái Nguyên xuống Hà Nội công tác 2 hôm. Trước là muốn qua đây mua cuốn sách con đang cần tìm bấy lâu. Sau là con muốn thăm bà. Trước kia con là sinh viên học trên này, con qua đây mua sách suốt, thỉnh thoảng còn ngồi lại nói chuyện với bà cả buổi. Bao nhiêu năm rồi, giờ con mới quay lại”. Vị khách cứ kể, còn ông vẫn cứ lặng lẽ nghe như nuốt trọn từng kỷ niệm về người vợ của mình. Trên khóe mắt ông, nước mắt rơi lúc nào chẳng hay. Một hồi, khi bình tâm lại, ông mới từ tốn nói: “Bà đi rồi cháu”.

    Ông Luy kể: “Bà bị ốm từ năm 2003, phải nhập viện điều trị. Bao lần thập tử nhất sinh, tôi đã tưởng không qua được. Nhưng nhờ nghị lực mạnh mẽ, bà vẫn chiến thắng được bệnh tật. Tôi còn nhớ, thời gian ra viện về nhà. Lúc đó, cơm không ăn được, đi chưa vững nhưng bà vẫn luôn để ý xem hiệu sách hoạt động thế nào. Đối với bà, niềm đam mê với sách là bất diệt. Trước đây, khi còn khỏe, cô ấy làm từ 8h sáng đến 9h tối nhưng đóng cửa xong vẫn làm đến 11h, 12h đêm. Bởi dù có đóng cửa thì vẫn còn bao nhiêu việc. Đến khi bệnh tật như vậy mà cô ấy vẫn thường xuyên đọc sách, thẩm định sách để cho phát hành. Khi đã trót yêu cái nghề, đam mê với sách thì không sao dứt ra được”, ông Luy hồi tưởng.

    Người “giữ lửa” văn hóa đọc

    Sau khi bà mất, nhà sách Mão vẫn hoạt động bình thường. Ông vẫn nhắc lại câu nói của Lê Quý Đôn mà bà thích. Đó là: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Chính vì thế mà ông đã cho sửa sang lại phòng sách đẹp hơn, tốt hơn, rộng rãi hơn. “Đặc biệt, mọi người đến đây sẽ có không gian đọc sách đàng hoàng, bàn ghế đầy đủ. Đặc biệt, câu nói của cô ấy thích, tôi đã cho viết lên một góc của phòng sách này”, ông nói.

    Quyết định sửa lại một căn phòng để chuyên dùng vào việc đón những người bạn đến đọc sách miễn phí, ông Luy mong muốn tiếp tục thay bà Mão mang những tri thức vô giá trên trang sách đến với mọi người: “Nhà tôi sẽ cố gắng làm thế nào để ngày càng phát triển, giúp được mọi người có điều kiện đến với sách tốt hơn. Hiện nay tôi đang truyền lại “lửa” về sách cho cô con gái duy nhất. Giờ tôi chỉ nghĩ phải làm thế nào để thế hệ trẻ thêm yêu sách hơn”.

    Sau khi ngồi nghe ông tâm sự, tôi cùng vị khách ở xa kia mong muốn được thắp nén hương cho bà. Ông dẫn chúng tôi vào một căn phòng khác cũng thuộc trong khu tập thể. Tại đây ngoài bàn thờ, chiếc giường ông nằm và một vài vật dụng cá nhân khác, còn đâu toàn là sách cả. Ông trầm ngâm nhớ lại: “Hôm tang lễ, mọi người đến rất đông, tôi không mường tượng được đông đến như vậy. Còn có những người bạn từ trong TP.HCM bay ra ngoài này để tiễn đưa. Đến nay, thỉnh thoảng vẫn có những người bạn xa đến thắp hương”. Tạm biệt ông ra về, tôi thầm nghĩ, tuy không sống đời vương giả từ việc bán sách nhưng vợ chồng ông chính là những triệu phú tri thức, giữ gìn ngọn lửa báu mang tên văn hóa đọc.

    PHONG LINH 
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 89 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bau-troi-tri-thuc-trong-hem-nho-cua-vua-sach-ha-thanh-a237908.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan