+Aa-
    Zalo

    Bé 6 tuổi tử vong vì bạch hầu: Đã có 3 trường hợp cách ly có kết quả dương tính

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đến thời điểm này, TT Y tế dự phòng Đắk Lắk ghi nhận có 3 trường hợp dương tính và gần 30 người đang được cách ly theo dõi bạch hầu.

    Đến thời điểm này, Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk ghi nhận có 3 trường hợp dương tính và gần 30 người đang được cách ly theo dõi bạch hầu.

    Theo vị này, hiện ngành y tế đã tổ chức diệt khuẩn bằng hóa chất trong vùng có người mắc bệnh, cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng dịch.

    Ngoài ra, có gần 1000 người được cho uống kháng sinh phòng bạch hầu với số lượng hơn 15 nghìn viên.

    Hiện có gần 1000 người dân tại khu vực phát hiện ổ dịch bạch hầu được uống kháng sinh phòng bệnh - Ảnh: Sở Y tế Đắk Lắk.

    Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã thành lập đoàn về xã Ea H’Đing (huyện Cư M’gar) để kiểm tra, chỉ đạo công tác dập dịch.

    Trước đó, ngành y tế ghi nhận trường hợp bệnh nhân H’Si Yan (SN 2013, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đing) tử vong do bạch hầu.

    Bệnh nhân H’Si được đưa vào BV Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu vào ngày 29/8.

    Đến 14h30 cùng ngày, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Đến khuya cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Lúc 1h40 ngày 30/8, người nhà xin về và tử vong trên đường về.

    Ổ dịch bạch hầu được phát hiện tại buôn H'Ring, xã Ea H'Đing (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) - Ảnh: Vietnamnet.

    Được biết, trong quá trình làm tang lễ cho cô bé 6 tuổi, đã có 11 người xuất hiện những triệu chứng sốt sau khi đến đám tang. Những người này đã được đưa vào bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi và điều trị. Tất cả đều là người đồng bào dân tộc Xê Đăng, ở vùng chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh.

    Ngay khi phát hiện dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar tiến hành điều tra tại khu vực phát hiện ổ dịch để xác định các ca bệnh, đồng thời nhanh chóng tiến hành việc cách ly, sát trùng và cấp dự phòng thuốc kháng sinh cho người dân.

    Bạch hầu thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, lây nhiều nhất trong 2 tuần đầu mắc bệnh. Đặc biệt, bệnh có thể gây tử vong với tỷ lệ khoảng 5%-10%. Bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo.

    Khám bên trong bệnh nhân mắc bạch hầu có giả mạc màu xám hoặc trắng xỉn. Nếu các mảng trắng này lan rộng, bệnh nhân sẽ tắt thở mà chết. Ảnh minh họa: Wikipedia

    Bạch hầu là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi..

    Biểu hiện chính là viêm họng, thanh quản và có thể có biến chứng nặng do ngoại độc tố. Bệnh có thể gặp bất cứ mùa nào, nhiều ở tháng 8-9-10, xuất hiện chủ yếu ở trẻ em 1-10 tuổi, nhưng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh có thể gây thành dịch.

    Bệnh xuất hiện khi có tình trạng nhiễm trùng ở đường thở trên hay vùng mũi hầu tạo nên lớp màng xám, mà khi hiện diện tại vùng thanh quản hay khí quản, có thể gây ra thở rít và tắc nghẽn. Bị ở mũi có thể làm trẻ chảy máu mũi. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-6-tuoi-tu-vong-vi-bach-hau-da-co-3-truong-hop-cach-ly-co-ket-qua-duong-tinh-a291526.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan