+Aa-
    Zalo

    Bệnh... khoe của!

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Khoe của cũng là bệnh. Bệnh này khó chữa lắm!
    (ĐSPL) - Khoe của cũng là bệnh. Bệnh này khó chữa lắm!
    Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội và các diễn đàn giải trí liên tục chia sẻ hình ảnh một người đàn ông trên tay, trên cổ đeo đầy vàng. Theo một người chia sẻ thì người đàn ông này xuất hiện ở trung tâm thương mại Vincom, Bà Triệu (Hà Nội). Ông được mọi người gọi là “Người đàn ông gây huyên náo trung tâm thương mại”.

    Video: Đại gia Việt khoe vàng.

    Trong bức ảnh, người đàn ông cổ đeo dây chuyền vàng cỡ lớn, cùng với đó trên tay cũng đeo đầy vàng. Rất nhiều người tò mò, thậm chí còn tiến đến lại gần để xem đồ trang sức mà người đàn ông này đeo. Sau khi hình ảnh này được chia sẻ trên diễn đàn, cộng đồng mạng đã dành những bình luận bày tỏ sự choáng váng của mình. Nhiều ý kiến còn ca tụng rằng, đây là người đeo nhiều vàng nhất Việt Nam.

    Nhiều người hiếu kỳ xin chụp ảnh cùng người đàn ông đeo đầy vàng trên mình.

    Tháng 7/2014, hình ảnh về một chàng trai đeo hàng kg vàng trên người đã được đăng tải và truyền tay nhau trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Nhìn vào bức ảnh, có lẽ bất cứ ai cũng phải “choáng ngợp” trước số lượng trang sức mà chàng trai này đeo trên người. Từ nhẫn đến đồng hồ, vòng cổ... thậm chí hai bàn tay giống như được dát vàng.
    Đó là chưa kể đến việc nhiều đại gia Việt muốn đánh bóng bản thân bằng cách sắm những đồ dùng đắt tiền, tổ chức những sự kiện đình đám chưa từng có trước đây, mong tên tuổi của mình được nhiều người biết đến đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
    Điều khiến nhiều người bất bình không chỉ vì cách vung tiền mua sắm, mà còn ở chiêu mượn danh biếu, tặng người thân để nâng cấp bản thân. Câu chuyện về đại gia L.A. (Vũng Tàu) mua tặng người vợ thứ 6 của mình một chiếc giường đắt nhất thế giới trị giá 4 tỷ đồng là một trong những trường hợp như thế.
    Nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ sự giàu có của những người trên nhưng không ít ý kiến đả kích, chê bai cách khoe của một cách thái quá.
    Phù phiếm, hư danh được đẩy lên cao
    Trao đổi với PV, PGS.TS.Phạm Bích San, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ tư vấn phản biện và giám định xã hội cho rằng, căn bệnh hình thức đang lên ngôi. Nghĩa là cái gì hoành tráng nhất, đẹp nhất, đứng đầu nhất sẽ nhiều người để ý. Chẳng hạn như người đàn ông đeo đồ trang sức bằng vàng khắp người chắc chắn sẽ gây xôn xao dư luận. Như vậy, chính cục vàng đã đưa anh ta lên tầm cao mới, giá trị mới.

    PGS.TS.Phạm Bích San, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ tư vấn phản biện và giám định xã hội.

    “Nhưng, sự việc người đàn ông đeo nhiều vàng sẽ không có gì xấu nếu đó là vàng thật của anh ta. Anh ta có của, anh ta có quyền khoe. Cái khoe của anh ta không nguy hại đến ai. Còn có những cái kheo khoang không có thực mới đáng sợ”, PGS Phạm Bích San nói.
    Theo lời ông, chẳng nói đâu xa, Việt Nam nhiều người khoe bằng cấp tiến sỹ, này nọ nhưng thực chất thì “rỗng”. Nhưng rồi nhờ cái mẽ ấy, họ nhận lại được rất nhiều thứ từ xã hội: Người ta nể trọng tuyển chọn họ về làm việc với lương cao, rồi nhờ bằng cấp ấy họ được lên chức chứ không phải vì năng lực. Thật nực cười!
    Trong xã hội hiện tại, giá trị thật và giá trị giả đang bị đảo lộn, thậm chí rất ảo. Nhiều nhầm lẫn tai hại đã xảy ra khi đánh giá người khác qua bên ngoài. Căn bệnh thành tích, coi trọng phù phiếm, hư danh được đẩy lên cao. “Những người khoe ấy và những người ca tụng mới đáng nguy hại cho xã hội chứ không phải một anh có vàng thì đeo khắp người cho vui”, vị này nhấn mạnh.
    Vuốt ve bản thân một cách kệch cỡm
    PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm điều tra dư luận xã hội (viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, việc người giàu có khoe của, tiêu tiền lãng phí là một hành động phản cảm. Tất nhiên, những con người tiêu tiền kiểu đó không thể coi là văn minh.

    PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm điều tra dư luận xã hội.


    Bởi vì, nếu họ có kiến thức cao, họ đã không phô trương kệch cỡm như vậy. Những trò tổ chức đám cưới, mua đồ “độc”, “dị”, đắt tiền chỉ là một cách tự vuốt ve bản thân kệch cỡm của một bộ phận nhà giàu. Họ thản nhiên khoe mẽ, trưng diện một cách ồn ào để gây sự chú ý cho dư luận. Khi mà người dân tò mò tìm hiểu vì sao họ lại giàu tức là những người này đã đạt được mục đích.
    “Tuy nhiên, cái sự nổi tiếng này không bền và không chiếm được cảm tình. Tóm lại, chuyện khoe mẽ đã trở thành căn bệnh chung của một bộ phận người lắm tiền nhiều của”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
    Nực cười những “kỷ lục ảo”
    PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Người Việt vốn mắc bệnh hình thức, thích thể hiện qua cái nhất, cái kỷ lục”.

    PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển.

    PGS. Đức lấy ví dụ đơn giản như chuyện tô phở kỷ lục. Làm một tô phở 1.000 người ăn cũng chẳng phải là tô phở ngon được. Thứ hai là để trưng bày cả ngày nó ôi thiu rất lãng phí. Hơn nữa cái gọi là kỷ lục tô phở lớn nhất Việt Nam chẳng có giá trị gì đến đời sống xã hội. Nói đúng bản chất hơn, nó là một kiểu kỷ lục khoe khoang chứ chẳng có ý nghĩa gì.
    “Người Việt cái gì cũng thích hoành tráng. Mở tờ báo nào ra cũng thấy toàn là kỷ lục. Mà chứng tỏ bằng cách dễ nhất của chúng ta là làm to hoặc trang trí trên mình nhưng cái gì hoành tráng… như thế thử hỏi giá trị thực sự nằm ở đâu?”, vị này đặt câu hỏi.
    Đi chệch khỏi văn hóa người Việt    
    GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam chia sẻ, việc khoe khoang quá mức của một bộ phận người đã đi chệch khỏi văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
    Theo quan điểm của ông, những người thích phô trương, khoe mẽ thường là người mới giàu có. Họ làm vậy để mọi người biết đến mình, mong mình nổi tiếng. Có lẽ, những người làm giàu bằng sức lao động thì người ta ít khoe của. Bởi họ nhận thức được là đồng tiền đó kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng máu. Họ sẽ nâng niu và quý trọng lắm.

    GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam.

    Việc mua đồ vật đắt tiền quá mức như những đại gia đã làm đi ngược lại giá trị thực. Tức là họ đang làm theo phong trào. Thấy người khác làm thì họ phải làm để sánh bằng người khác là vô cùng hoang phí, không thể chấp nhận được.
    Nhiều đại gia nói rằng, tiền của họ, họ thích tiêu xài như thế nào cũng được. Xét về lý thì đúng là như  thế. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, đời sống, văn hóa thì không phải vậy. Trong khi, họ phung phí hàng đống tiền thì biết bao người nghèo khổ đang chạy ăn từng bữa. “Giá như, họ san sẻ sự hoang phí, sự khoe mẽ ấy thì có lẽ, việc làm đó có ý nghĩa gấp vạn ngàn lần và được người đời ca ngợi, ủng hộ”, GS. Thịnh nói.
    Xung đột giữa thói quen cũ với môi trường mới 
    GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và ứng dụng thuộc trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay: “Người Việt có câu là “hữu xạ tự nhiên hương”, người có cái hay cái đẹp thì tự nó tỏa hương ra. Khoe của chẳng có gì tốt cả, phải đi khoe lại càng không tốt. Khoe khoang là một tật xấu trong tính cách của người Việt Nam. Người Việt vốn có câu “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” mà.

    GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và ứng dụng.

    Theo GS. Thêm, trước đây, người Việt sống trong các làng với tính cố kết cộng đồng cao nên người ta chỉ có sống khéo với nhau chứ không thể lừa dối nhau. Càng về sau, con người càng có xu hướng bung ra, tiếp nhận những cái mới của xã hội. Sự xung đột giữa những thói quen cũ với môi trường mới khiến cho những tật xấu bắt đầu bộc lộ.                  
    Đúng là chúng ta đang sống trong thập niên của thời kỳ khai sáng, nơi mà hệ tư duy của con người thay đổi và cổ suý cho hàng khủng lên ngôi. Cái gì cũng phải dài nhất, to nhất, cao nhất, hùng vĩ nhất. Thật buồn khi chúng ta chưa có gì tốt đẹp ngoài việc khoe hoặc trưng bày “những cái nhất”.

    CAO TUÂN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-khoe-cua-a88443.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan