+Aa-
    Zalo

    Bệnh nhân người Nhật có nồng độ virus khá cao, nghi lây ở Hà Nội trong 5-7 ngày

    • DSPL
    ĐS&PL Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nồng độ virus trong mẫu thử của bệnh nhân người Nhật ở mức khá cao, nhiều khả năng người này mới lây nhiễm ở Hà Nội.

    Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nồng độ virus trong mẫu thử của bệnh nhân người Nhật ở mức khá cao, nhiều khả năng người này mới lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội trong 5-7 ngày.

    Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

    Chiều 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương.

    Báo cáo tại buổi họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin hiện tại, 12/13 tỉnh thành có bệnh nhân mắc Covid-19 đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất.

    Tuy nhiên, một vụ việc phát sinh là Hà Nội có ca lây nhiễm là người Nhật, tử vong tại khách sạn trên địa bàn (BN2229). Bệnh nhân này từng cách ly từ ngày 17/1-31/1 tại khách sạn ở TP.HCM.

    "Qua trích xuất camera, bệnh nhân này tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cách ly, hầu như không có sự tiếp xúc bên ngoài. 34 người cách ly cùng khách sạn với bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2", ông Nguyễn Thanh Long cho hay.

    Người đứng đầu ngành y nhận định có 2 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân này. Trong đó, bộ Y tế nghiêng về giả thiết đầu tiên là bệnh nhân mới mắc Covid-19 thời gian gần đây trong cộng đồng.

    "Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ virus trong mẫu thử của bệnh nhân này ở mức khá cao. Chúng tôi nghiêng về giả thiết người này mới lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội trong 5-7 ngày", ông Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

    Giả thiết thứ 2 về nguồn lây của bệnh nhân này là bị lây nhiễm ngay trong khu cách ly tại TP.HCM. Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng giả thiết này có ít khả năng xảy ra, tuy nhiên không thể loại trừ.

    Lãnh đạo ngành y tế cho biết, bộ Y tế đã trao đổi với UBND Hà Nội và đề nghị coi đây là một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền và lực lượng y tế đã thực hiện khoanh vùng 1 số điểm và nơi bệnh nhân tới làm việc.

    "Từ sự việc trên, chúng tôi đề nghị Hà Nội và các tỉnh, thành tiếp tục đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19, đặc biệt là các trường hợp nhập cảnh từ 15/1 tới nay", ông Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

    Qua vụ việc công dân Nhật Bản bị nhiễm Covid-19 tử vong tại khách sạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tăng cường, khai báo y tế, siết lại những biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú, đồng thời cần có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm Covid-19, không chỉ cho ngành y tế và tất cả các lực lượng cũng cần được phổ biến. bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới.

    Thủ tướng nhấn mạnh, cần chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra. Ngành y tế xem xét khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu và đồng chi trả để Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp.

    Ngành y tế và ngành công thương đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

    Về vấn đề vaccine Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước. “Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý, trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước.

    Bộ trưởng bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, phối hợp với bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    “Nhân dịp này, tôi cũng xin nói nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vaccine”, Thủ tướng nói.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo địa phương căn cứ tình hình dịch, có hướng dẫn việc học sinh học trực tuyến hoặc một bộ phận nghỉ học để phòng, chống dịch, do Bộ và tỉnh, thành phố quyết định như TP. Hà Nội và một số địa phương khác đã làm.

    Các cơ quan liên quan bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các địa phương đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm của nông dân, không để ứ đọng, rớt giá.

    Bộ Quốc phòng, các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát chặt đường biên giới trên bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, gây nguy hại, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng từ nhập cảnh trái phép.

    Việc tiếp nhận công dân về nước phải tính toán chặt chẽ. Thủ tướng giao bộ Ngoại giao nghiên cứu, sớm trình phương án.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-nhan-nguoi-nhat-co-nong-do-virus-kha-cao-nghi-lay-o-ha-noi-trong-5-7-ngay-a356169.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan