+Aa-
    Zalo

    Bệnh tay chân miệng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông… thì nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám bệnh.

    (ĐSPL) – Cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông… thì nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám bệnh. Vì đây có thể là những biểu hiện ban đầu của bệnh tay chân miệng.

    Bệnh tay chân miệng là gì?

    Theo thông tin từ bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

    - Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

    - Bệnh tay-chân-miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

    - Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.


    Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

    Báo Tri thức trực tuyến cho biết, virus gây bệnh tay chân miệng do virut EV71 gây lên, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả gây viêm não, nên hậu quả rất nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao, di chứng lớn. Đường lây chính của bệnh là do trẻ trong nhà trẻ đưa vật dụng (đồ chơi) chứa mầm bệnh vào mồm, làm lây bệnh. Hoặc do trẻ ăn phải thực phẩm chứa nguồn bệnh.

    Các triệu chứng và những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

    Thông tin trên báo VnExpress, ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, than đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn.

    Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Quan sát tiếp có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.

    Tuy nhiên, nếu trẻ sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì nên nghĩ đến tình trạng biến chứng ở trẻ và cần đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để trễ từ 6 đến 12 tiếng, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.


    Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

    Trả lời báo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê (Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin) cho biết, khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt hay nổi bóng nước ở bàn tay bàn chân, nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay và thông báo cho địa phương để có biện pháp khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh tạo nên ổ dịch.

    Nếu trẻ đang đi học, ngoài địa phương, cha mẹ còn cần thông báo cho trường học để nhà trường cũng có biện pháp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp kịp thời, thậm chí cho học sinh nghỉ học tạm thời nếu có nhiều trẻ bị biến chứng nặng, đồng nghĩa với việc phát hiện một ổ dịch ngay tại trường.

    Trong mọi trường hợp, cần tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Nếu bác sĩ xác định bệnh ở thể nhẹ thì cho bé về nhà theo dõi và nhất thiết phải tái khám theo lịch hẹn. Nếu bác sĩ cân nhắc thấy cần nhập viện, hãy nhập viện ngay để trẻ được theo dõi trong môi trường bệnh viện.

    Khi trẻ bệnh, phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn (sữa tắm có thể không đủ khả năng diệt khuẩn). Nên vệ sinh răng lưỡi cho trẻ hằng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối.

    Về dinh dưỡng, cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin cho trẻ.

    Ảnh minh họa.

    Phòng bệnh tay chân miệng

    Sức khỏe & đời sống khuyến cáo thêm, để tránh bệnh tay chân miệng, mọi người cần nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc phòng bệnh bên dưới.

    Thứ nhất: Về nguyên tắc phòng bệnh:

    - Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu.

    - Áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

    Thứ 2: Phòng bệnh tại các cơ sở y tế:

    - Cách ly theo nhóm bệnh.

    - Nhân viên y tế: Mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.

    - Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.

    - Xử lý chất thải theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

    Thứ 3:  Phòng bệnh ở cộng đồng:

    - Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

    - Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.

    - Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%.

    - Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh.

    MỸ AN (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Xem thêm video:

    [mecloud]Z58yf58TE8[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-tay-chan-mieng-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-a163968.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.