+Aa-
    Zalo

    Bệnh tay chân miệng xuất hiện tại ở nhiều trường học tại Hà Nội, cha mẹ cần lưu ý điều quan trọng này

    (ĐS&PL) - Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng tăng. Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.

    Thông tin tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 29/9 - 6/10), Hà Nội có thêm 265 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.

    Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, cụ thể như Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).

    Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022 và chưa ghi nhận ca tử vong.

    truoc tinh trang tay chan mieng xuat hien tai cac truong hoc tai ha noi phu huynh can luu y cach phong benh cho tre1

    Cũng trong tuần này, thành phố đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại Sóc Sơn và Đống Đa.

    Từ đầu năm đến nay, đã có 47 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.

    Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng.

    Đặc biệt, tại một số quận, huyện có số mắc tăng cao như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức… và đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo.

    Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.

    Theo Sức khỏe & Đời sống, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Riêng 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tăng lên khoảng 140 ca/tuần, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay lên 2.063 ca mắc (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong.

    Cảnh giác với virus Enterovirus type 71 (EV71)

    Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn đáng kể. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, bởi bệnh chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên.

    Tuy nhiên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày.

    Ngược lại, virus Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

    ‎Ngoài Coxsackie A16 và Enterovirus type 71, một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4 - A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1 - B3 và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

    Trong tháng 6/2023, số ca tay chân miệng ở TP. HCM có dấu hiệu gia tăng và kiểu gen B5 của Enterovirus 71 (EV71) đã được ghi nhận ở các bệnh nhi mắc bệnh có triệu chứng nặng.

    B5 là kiểu gen (subgenotype) của EV71 – tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em, vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại 3 bệnh viện Nhi của TP Hồ Chí Minh.

    truoc tinh trang tay chan mieng xuat hien tai cac truong hoc tai ha noi phu huynh can luu y cach phong benh cho tre2

    Đáng chú ý cả 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại BV Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với EV71 và đều có kiểu gen B5. Được biết kiểu gen B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007 và tại TP Hồ Chí Minh năm 2015, 2018.

    Dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng và cách phòng tránh

    Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong. Các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71. Tỷ lệ người lành mang trùng cao 71%. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây lan.

    Bệnh tay chân miệng xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, số ca nhiễm bệnh tay chân miệng thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Đây là thời gian trẻ tập trung học tại trường, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng rất cao nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình không thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế.

    truoc tinh trang tay chan mieng xuat hien tai cac truong hoc tai ha noi phu huynh can luu y cach phong benh cho tre3

    Nhằm tích cực phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng đến trẻ nhỏ trong môi trường học đường, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

    Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung phòng bệnh cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh.

    Vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình.

    Bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay. Hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, thường xuyên với nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

    Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu.

    Đối với các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ:

    Thường xuyên rửa sạch bàn tay trẻ, rửa sạch bàn tay người giữ trẻ xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

    Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

    Đối với trường có tổ chức bữa ăn tại trường: Đảm bảo ăn chín, uống chín, đủ chất dinh dưỡng; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; không cho trẻ ăn bốc, không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

    Theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến nhà trẻ, trường học trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh.

    Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ

    Khi phát hiện một số dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để chẩn đoán đúng bệnh. Nên đưa trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt, nhất là khi có các dấu hiệu bất thường.

    Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Thực đơn dành cho trẻ bị bệnh tay chân miệng

    Cháo khoai tây thịt bò: Nguyên liệu gồm có khoai tây, cà rốt, thịt bò. Bố mẹ hãy gọt vỏ khoai tây và cà rốt, cắt miếng nhỏ và cho vào máy xay nhuyễn. Đem thịt bò xay nhuyễn và đánh đều với 30ml nước. Khi nồi thịt bò đã sôi, cho khoai tây, cà rốt và gạo vào nồi đun chín rồi cho rau mùi và nêm nếm gia vị vừa ăn.

    truoc tinh trang tay chan mieng xuat hien tai cac truong hoc tai ha noi phu huynh can luu y cach phong benh cho tre4

    Cháo sườn bí đỏ: Nguyên liệu gồm có bí đỏ, sườn heo, hành tím. Đem gạo rửa sạch, nấu thành cháo trắng chín nhừ; Bỏ bí đỏ luộc/hấp cho chín nhừ rồi nghiền nhuyễn bằng nĩa cho lên đảo đều, nem nếm gia vị rồi cho lẫn vào cháo; Dùng sườn rửa sạch, luộc chín. Sau đó gỡ thịt ra xay nhỏ; phi thơm hành, đảo thịt đều tay, cho thêm ít nước mắm rồi cho vào cháo là đã được một bát cháo thơm ngon bổ dưỡng.

    Cháo cá hồi bí đỏ: Nguyên liệu gồm có cá hồi, bí đỏ, gừng. Đem rửa sạch phần đầu hoặc xương cá hồi bằng giấm, đem chần nước sôi với vài lát gừng; lóc phần thịt cá hồi để riêng, phần xương đem ninh nhừ và lọc lấy nước; Cho gạo vào nồi nước cá hồi đã lọc nấu thành cháo chín nhừ; Phần thịt cá hồi thái nhỏ hoặc đánh tơi, rồi phi thơm với hành và nêm nếm; Bí đỏ cắt miếng nhỏ, hầm nhừ với cháo. Múc cháo ra chén và cho cá hồi cùng hành hoa vào ăn cùng.

    Lưu ý

    Không cho trẻ ăn các thức ăn cứng và cay nóng. Khi bệnh bước vào giai đoạn nặng, các mụn nước sẽ xuất hiện ở bên trong má, nướu. Nếu bạn cho trẻ ăn thức ăn cứng hay cay nóng sẽ khiến trẻ bị đau, khó nuốt thức ăn, từ đó khiến trẻ sợ ăn và ảnh hưởng tới sức khỏe.

    Ngoài ra, bạn cũng nên tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn mặn hoặc các loại trái cây có vị chua như cam, quýt. Nếu trẻ không muốn ăn thì bạn cũng không nên ép sẽ khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn.

    Chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa trong ngày. Mỗi bữa cho trẻ ăn vừa đủ, không nên ép trẻ ăn quá nhiều sẽ dẫn đến việc trẻ quấy khóc, sợ ăn.

    Nên chọn loại thìa không có cạnh sắc để dễ đút và không đụng đến các vết loét trong miệng trẻ. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sạch sau khi ăn.

    Sau 4 - 5 ngày khi trẻ đã giảm bệnh chân tay miệng và khỏi các triệu chứng ban đầu (nôn, sốt, đau họng…), có thể cho trẻ ăn theo chế độ dinh dưỡng bình thường, không kiêng khem.

    Do bệnh tay chân miệng ở trẻ không có thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy cách tốt nhất để phòng ngừa bé bị tay chân miệng là chăm sóc sức khỏe của trẻ thật tốt. Cha mẹ cần bổ sung cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, tăng khả năng phòng bệnh chân tay miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, thông tin từ báo Dân tộc và Phát triển.

     Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-tay-chan-mieng-xuat-hien-tai-o-nhieu-truong-hoc-tai-ha-noi-cha-me-can-luu-y-dieu-quan-trong-nay-a594774.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan