Bí ẩn về thị trấn trên núi Ba Vì bị lãng quên và lời đề nghị nhã nhặn


Chủ nhật, 27/09/2020 | 02:24


Cùng sự kiện

Riêng khu nghỉ dưỡng sang trọng với hàng trăm biệt thự trên núi Ba Vì có kiến trúc độc đáo sau hơn nửa thế kỷ hoang phế đã được đánh thức...

Trong nửa đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng trên núi từ Bắc vào Nam. Vật đổi sao dời, nhiều khu nghỉ dưỡng nay thành phố thị nhốn nháo, kiến trúc pha tạp. Riêng khu nghỉ dưỡng sang trọng với hàng trăm biệt thự trên núi Ba Vì có kiến trúc độc đáo sau hơn nửa thế kỷ hoang phế đã được đánh thức...

Một phế tích biệt thự chưa được phục dựng

Bài 1: Sự kinh ngạc của người Pháp trước sự kỳ ảo nơi núi thiêng, khí vượng

Thời bao cấp, cái thời Hà Nội lợp nhà bằng giấy dầu, phố leng keng tàu điện và phở “không người lái” nhưng bù lại không khí trong lành. Vào ngày trời đẹp như nàng Kiều, đứng ở đường Thanh Niên có thể nhìn thấy núi Ba Vì. Nhưng ngày ấy đã xa, giờ nhà cao tầng san sát chắn tầm mắt, không khí thì luôn ô nhiễm có ngày ở mức báo động. Song bù lại nay đến đất Ba Vì rất gần, lên núi cũng rất dễ. Nếu không biết đường cứ từ đầu phố Văn Cao sát Hồ Tây chạy thẳng tuốt là đến chân núi.

Núi Ba Vì nằm ở phía Tây Hà Nội cao gần 1.300m, thấp hơn núi Tam Đảo mà người xưa lại hồn nhiên “Nhất cao là núi Ba Vì” bởi họ quan niệm “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” (núi thiêng không bởi cao mà thiêng vì có thần ở đó). Núi Ba Vì thờ thánh Tản Viên còn gọi là Sơn Tinh. Trong tín ngưỡng dân gian, thánh Tản Viên được tôn là một trong bốn vị thánh “tứ bất tử” ở Việt Nam.

Ba Vì là một vùng đất cổ, nơi sinh ra truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, sáng tạo ra tâm thức Việt: Có chí, có tri, có thiện sẽ chiến thắng cái ác. Nhờ có tâm thức này mà người Việt đã nhiều lần chiến thắng quân xâm lược Phương Bắc.

Ngày nay người ta hài hóa đoạn “Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu thì Sơn Tinh lại làm núi cao bấy nhiêu” bằng đoạn “Khi Thủy Tinh bảo thuồng luồng, hà bá đục núi thì hai con thủy quái này cười rất nhạt và bảo rằng, ngài cứ chi tiền tươi bọn em đục ngay”.

Nơi thờ thần Sơn Tinh là đền Thượng trên đỉnh Ba Vì. Có lẽ vì những bí ẩn tín ngưỡng nên năm 1902, Công sứ Pháp tại Sơn Tây là Muselier đã cùng một đội tùy tùng lên núi thám hiểm. Chuyến đi không dừng chỉ khám phá, hơn thế Muselier muốn tìm đến nơi thờ vị Thánh thiêng trong đời sống tâm linh của người Việt. Leo núi luồn rừng chẳng hề dễ dàng nhưng cuối cùng đoàn thám hiểm đã lên đến đỉnh núi.

Sau này trong hồi ký, Muselier đã viết về đền Thượng và sự kỳ ảo ở đỉnh Ba Vì: “...Họ đã huy động bao nhiêu người để xây dựng ngôi đền? Đường đi vô cùng khó khăn, rất hiểm trở, nguy hiểm, họ mất bao nhiêu thời gian để vận chuyển vật liệu? Ngoài sức người và sức ngựa còn có phương tiện nào tham gia vào việc này? Rồi tôi miên man nghĩ về vị Thánh được thờ trong đền. Đang chìm vào suy nghĩ bỗng nhiên tôi giật mình khi nhìn một quầng sương như một chiếc thuyền khổng lồ màu bạc lao thẳng đến. Cú va chạm nhẹ nhưng thảng thốt đầy cảm xúc. Vừa kịp thấy cái lạnh phả vào mặt, tôi đã thấy nắng rực rỡ bừng lên. Sương bị nắng bào mòn, mỏng như khói bao phủ lên cây rừng khiến màu xanh của đại ngàn bỗng chốc bị đổi màu giống như một tấm ảnh cũ vì thời gian. Vài phút sau cảnh vật bật nét trở lại, xanh ngắt...”.

Sự thay đổi mầu sắc chóng vánh ở đỉnh Ba Vì khiến Muselier và đoàn tùy tùng vô cùng thích thú. Xứ Đoài có câu thành ngữ: “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”, mùa hè ở Sơn Tây thì khủng khiếp, nước vừa qua khỏi cổ đã thành mồ hôi nhưng mây Ba Vì thì tuyệt như Muselier mô tả.

Về mây Ba Vì trong bài “Đôi mắt người Sơn Tây” nhà thơ Quang Dũng viết: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”, với người không biết xứ này sẽ thấy Quang Dũng lạ kỳ, chẳng nhớ cha mẹ mà lại nhớ mây. Nhưng với dân nơi đây, câu thơ đó là nỗi nhớ quê da diết.

Trở về sau chuyến đi, Muselier đã cho trùng tu lại đền Thượng, làm đường lên đền. Một con đường bằng mồ hôi và máu vì Muselier đã bắt tù nhân và dân địa phương lao động khổ sai. Từ Bắc vào Nam có rất nhiều khu nghỉ dưỡng sinh thái nhưng không đâu có khung cảnh ảo thực đan xen như Ba Vì. Dưới chân ngọn núi thiêng là dòng sông Đà như dải lụa bạch mềm mại rải quanh chân núi tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Vào lúc hoàng hôn, đứng bên con đường mòn nhỏ gần khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì nhìn xuống, bóng mặt trời đỏ như hoa chuối rừng ngả rất nhẹ trên dải lụa, thời khắc đó thì ngôn ngữ cũng bất lực, nó là nguyên nhân cho nghệ thuật nhiếp ảnh phong cảnh ra đời.

Khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành trên nền cũ thành Đại La, khai sáng kinh thành Thăng Long, ngài rất tin phong thủy. Ba Vì và Tam Đảo che chắn bên tả bên hữu kinh thành cũng là hậu chẩm, chỗ dựa vững chắc cho vùng đất này để Thăng Long là kinh đô muôn đời. Trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn, có đoạn nói về vượng khí ở vùng đất “rồng cuộn, hổ ngồi” rất mạnh. Trong cuốn “Thượng Kinh phong vật chí”, phần viết về xứ Đoài có câu: “Ba Vì không chỉ là núi thiêng mà khí ở đây rất vượng, tốt cho sức khỏe”.

Năm 1936, trong báo cáo kết quả khảo sát độ cao 600m để xây trạm nghỉ dưỡng, bác sĩ Gravelat, Giám đốc cơ quan y tế quân đội thuộc Tập đoàn quân sự Đông Dương của Pháp đã viết: “Không khí ở nơi đây khiến con người luôn khỏe khoắn”.

Rừng Ba Vì lại có nhiều tầng với kỳ hoa dị thảo, vào mùa thu hoa dã quì khoe sắc bên những lối mòn như chỉ dẫn lối lên núi mà còn di dưỡng tinh thần cho người đi chơi núi. Dù có nhiều lợi thế nhưng việc xây khu nghỉ dưỡng ở núi Ba Vì gặp nhiều trắc trở...

Nguyễn Ngọc Tiến 

Bài viết đang trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 154

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-ve-thi-tran-tren-nui-ba-vi-bi-lang-quen-va-loi-de-nghi-nha-nhan-a340325.html