+Aa-
    Zalo

    Bi hài đằng sau những tên gọi ở nhà của con

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đằng sau những cái tên, những nickname chất chứa yêu thương ở nhà mà bố mẹ đặt cho con là những câu chuyện bi hài mà ít ai ngờ tới được.

    (ĐSPL) - Đằng sau những cái tên, những nickname chất chứa yêu thương tưởng chừng như bình thường ấy là những câu chuyện bi hài mà ít ai ngờ tới được.

    Ngoài việc đặt tên họ cho con để làm giấy khai sinh, nhiều gia đình còn đau đầu với việc đặt cho con của mình một cái tên ở nhà. Đây đang là trào lưu của các cặp vợ chồng trẻ. Do vậy, nếu như gia đình nào không có tên gọi ở nhà cho con thì được coi là "lỗi thời". Thế như đằng sau những cái tên, những nickname chất chứa yêu thương tưởng chừng như bình thường ấy là những câu chuyện bi hài mà ít ai ngờ tới được.

    Khi đã có gia đình và được làm bố của đứa con trai 4 tuổi, anh Nguyễn Văn Nguyên, trú tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn không đặt cái tên ở nhà cho con như những gia đình khác. Bởi, mỗi lần ai hỏi tên ở nhà của con đều làm anh nhớ đến câu chuyện của mình.

    Cách đây 5 năm, anh dẫn chị Hà (vợ anh bây giờ - PV) lần đầu tiên về quê giới thiệu với gia đình. Vốn cũng đã ngoài 30 tuổi lại con trai duy nhất trong nhà nên khi nghe tin anh đưa người yêu về giới thiệu bố mẹ anh cũng mừng ra mặt.

    Về đến nơi nghe bố mẹ anh gọi : “Cu đã về đó rồi hả con?” khiến chị Hà ngơ ngác không biết là nói ai, còn anh Nguyên thì ngượng chín mặt. Ngay sau đó, đứa cháu con của cô em gái chạy ra ôm chầm lấy anh và hét lên: “A, cậu Cu về rồi!” thì chị Hà mới phì cười hiểu ra.

    Vậy là suốt buổi hôm ấy thay vì gọi tên Nguyên như ở thành phố thì bố mẹ anh lại gọi anh là "Cu". Không thấy thú vị cho cái tên gọi ở nhà của người yêu, chị Hà lại thấy buồn cười và có phần chạnh lòng khi thấy mọi người vẫn giữ cái tên của người đàn ông mà chị yêu bao lâu nay bằng cái tên rất trẻ con ấy.

    Sau lần ra mắt ấy, anh Nguyên thấy chị Hà có phần lạnh nhạt và tìm cách tránh mặt. Thấy lạ, anh tìm gặp chị bằng được để làm rõ mọi chuyện thì mới hiểu được lý do. Chị Hà vốn sinh ra ở thành phố, lại rất cá tính nên khi về quê người yêu thấy ai ai cũng gọi anh bằng cái tên trẻ con ấy, chị nghĩ chắc hẳn anh phải được nuông chiều lắm. Mà lúc nào anh cũng được gia đình coi như một đứa trẻ thì làm sao chững chạc, là bờ vai vững chắc để chị dựa vào. Phải mất một thời gian lâu sau, anh Nguyên mới chứng minh cho chị Hà hiểu được và cuối cùng chị đã đồng ý cưới anh.

    Việc dùng quá nhiều tên ở nhà vô tình làm quên mất tên thật của mỗi người.


    Cũng là việc đặt tên ở nhà, chị Lưu Mỹ Hạnh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) lại có câu chuyện khá hài hước. Số là khi sinh được cô con gái đầu lòng chị đặt tên con trong giấy khai sinh là Mỹ Linh và tên ở nhà theo cách gọi của tiếng Việt là Mun (nhưng ý chị Hạnh tên Moon trong tiếng Anh có nghĩa là mặt trăng - PV).

    Khi con được 2 tuổi, chị đưa cháu về chơi với ông bà ngoại ở Hà Tĩnh. Ở nhà ông bà cũng nuôi một con chó đen và cũng hay gọi là chó Mun. Ban đầu chị không để ý, nhưng nghe ông bà gọi Mun, Mun thì cả chó và con gái đều chạy đến. Và một hôm khi cả nhà đang ngon giấc thì bố chị quát lớn: “Mun, sủa gì mà lắm thế” thế là con gái chị đang thiu thiu ngủ cũng choàng dậy khóc thét vì nghĩ có ai đó đang mắng mình. Sau lần ấy, chị đã yêu cầu bố mẹ đổi lại tên cho con chó không gọi là Mun nữa.

    Còn đối với gia đình bà Nguyễn Thị Mai (Quảng Bình) thì ngay cả những người họ hàng gần gũi còn ít biết cái tên thật của cậu con trai của bà chứ chưa nói gì đến hàng xóm. Thế mới có chuyện hỏi tên gọi ở nhà thì ai cũng biết, còn tên thật thì phải nhờ công an xã kiểm tra thì mới hay.

    Mỗi lần nhắc về chuyện cái tên, bà Mai vẫn biết ơn mãi ông trưởng công an xã đã tâm huyết, nhiệt tình lục lại sổ sách để tìm tên thật cho con mình. Bởi chỉ cần chậm một vài tiếng đồng hồ nữa thôi, thì con bà đã không còn cơ hội sống sót.

    Bà Mai kể: "Cách đây không lâu, trong một lần đi làm anh Hoàn (con trai bà - PV) không may gặp tai nạn bất tỉnh nhân sự cách nhà mình hơn 50km. Nhiều người đi đường phát hiện đã đưa anh vào viện và gọi về địa chỉ nơi đăng ký trong chứng minh thư của anh.

    Do điện thoại của anh bị mất trong lúc gặp tai nạn, vậy là bệnh viện phải nhờ đến công an huyện để liên lạc báo về cho gia đình. Lúc đó khoàng 11h đêm, công an xã nhận được tin nhưng qua tìm hiểu cũng không ai biết thông tin gì về gia đình của anh Hoàn để liên lạc.

    Sau đó, do mấy người trên công an huyện nói là cần báo gấp vì cháu đang nguy kịch, ông trưởng công an xã mới vội đến ủy ban xã cả đêm lục lại từng trang thì mới biết cháu Hoàn là con của bà Mai. Nhờ gia đình nhận được tin báo kịp thời nên anh Hoàn được tiếp máu đúng lúc, chỉ cần chậm một tiếng nữa thì không biết chuyện gì đã xảy ra nữa.

    "Sau này, ông ấy có đến thăm cháu, ông ấy còn nói, nếu nói tên Báp Láp thì ông ấy biết liền chứ nói tên Hoàn thì ông chịu vì bình thường mọi người vẫn gọi con tôi là Báp Láp. Không phải chỉ một mình ông ấy đâu mà cả xã này đều chỉ gọi cháu là Báp Láp thôi”, bà Mai chia sẻ.

    Việc đặt tên gọi ở nhà là một cách thể hiện tình yêu thương của rất nhiều cha mẹ dành cho đứa con của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng tên “bí danh” này nhiều khi cũng đưa lại không ít phiền toái cho không ít người.

    Cũng “méo mặt” với việc đặt tên cho con là anh Quân (Quảng Bình). Ngay hôm siêu âm con, khi biết mình mang bầu bé gái, vợ anh Quân âu yếm quay sang chồng hỏi anh định đặt tên cho con gái là gì. Không hiểu lúc đẫy nghĩ sao, anh Quân bỗng bật ra cái tên Thỏ. Vừa nghe đến đấy, vợ anh khóc lu bù ngay giữa phòng siêu âm. Anh Quân tái mặt không hiểu tại sao. Mãi sau, giữa những tiếng nức nở, anh mới nhận ra người yêu cũ của mình ngày xưa cũng tên là Thỏ!

    Theo cô giáo Trần Lê Na, giáo viên dạy Văn cấp 3 ở Quảng Bình cho hay: “Việc đặt tên ở nhà hiện nay không chỉ là việc thể hiện cách gọi trìu mến đối với con mà đang trở thành một “trào lưu”. Con nhà ai mà không có tên ở nhà thì coi như “lạc hậu”.

    Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, những cái tên đó chỉ phù hợp với lúc còn nhỏ thôi. Đó là chưa kể việc sử dụng cái tên ở nhà quá nhiều sẽ dẫn đến việc quên mất cái tên thật của các con, mà như vậy thì cái tên thật sẽ mất đi ý nghĩa của nó!”.

    Xuân Hương

    [mecloud]KYRhKf66cs[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-hai-dang-sau-nhung-ten-goi-o-nha-cua-con-a117638.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.