+Aa-
    Zalo

    Bị hạn chế di cư, giới nhà giàu Trung Quốc chọn cách đi nghỉ ngắn hạn ở nước ngoài

    • DSPL
    ĐS&PL Cảm thấy ngột ngạt với bầu không khí ô nhiễm, thực phẩm, thuốc men không an toàn... ngày càng nhiều các gia đình Trung Quốc lựa chọn cách sống ở nước ngoài ngắn hạn.

    Cảm thấy ngột ngạt với bầu không khí ô nhiễm, thực phẩm, thuốc men không an toàn... ngày càng nhiều các gia đình Trung Quốc lựa chọn cách sống ở nước ngoài dưới hình thức những kỳ nghỉ ngắn hạn.

    Vợ chồng cô Xu Zhangle và hai đứa con là một cặp vợ chồng trung lưu điển hình đến từ Thâm Quyến. Cùng với 60 gia đình Trung Quốc khác, họ sẽ có một kỳ nghỉ dài hạn tới Thái Lan vào tháng 7, nơi họ hy vọng được tận hưởng trải nghiệm cuộc sống giống như người nhập cư.

    Gia đình họ đã trả cho một đại lý du lịch khoảng 50.000 NDT (hơn 170 triệu đồng) để ở lại Chiang Mai, vùng núi phía bắc Thái lan, trong 3 tuần. Toàn bộ chi phí bao gồm vận chuyển, trại hè cho các con tại một trường quốc tế địa phương, một căn hộ dịch vụ và chi tiêu hàng ngày.

    Cô Zhangle yêu thích lối sống thoải mái và bầu không khí dễ chịu của Chiang Mai. Cô muốn sống như người dân địa phương trong một tháng hoặc thậm chí lâu hơn, thay vì chỉ trải qua một kỳ nghỉ ngắn hạn.

    Cô nói: "Đây không chỉ là du lịch mà tôi muốn sống xa ngoài Trung Quốc."

    Gần đây, các công dân thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực bảo vệ tài sản của mình và có cảm giác tự do hơn bằng cách dành nhiều thời gian ở nước ngoài. Họ đã đầu tư một số tiền đáng kể vào các tài sản ở nước ngoài và nộp đơn xin thị thực dài hạn, tuy rằng phần lớn chúng đều thất bại.

    Hiện tại, công dân Trung Quốc đang gặp nhiều rào cản hơn đối với việc đi du lịch nước ngoài, bị kiểm soát trong việc chuyển tiền cũng như hạn chế việc thăm thân nước ngoài. Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng về ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm, thuốc men, chế độ... đang thúc đẩy các gia đình trung lưu tìm kiếm những cách mới để có thể "lách luật".

    Một trong số những phương pháp được nhiều người lựa chọn đó là sống ở người ngoài trong khoảng thời gian ngắn hạn, từ 1 tháng trở lên, để tận hưởng một lối sống "ngoại quốc", bù đắp cho giấc mơ di dân không thành ở hiện thực.

    Ông Cai Mingdong, người sáng lập Chiết Giang Newway, một công ty điều hành Giáo dục và Du lịch trực tuyến ở Ninh Ba, phía nam Thượng Hải cho biết: "Tôi nghĩ rằng điều này đang trở thành một xu hướng. Các gia đình trung lưu Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng để di cư và sở hữu nhà ở nước ngoài. Mặt khác, họ vẫn khao khát có cuộc sống tự do hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn so với các thành phố hạng nhất ở Trung Quốc. Họ háo hức tìm kiếm những lựa chọn thay thế để mang lại cho bản thân và con cái mình một lối sống toàn cầu.

    Và thế là sự dễ dàng xin thị thực nhiều lần và giá vé máy bay rẻ đã giúp cho việc ở lại nước ngoài của họ thuận tiện và thiết thực trong vài tuần đến tối đa 3 tháng mỗi năm."

    Giờ đây, nhiều gia đình trung lưu giàu có Trung Quốc có thể có được thị thực du lịch trong 5 hoặc thậm chí 10 năm, cho phép họ ở lại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand và các nước châu Á khác - dài đến 6 tháng mỗi lần.

    Cai nói thêm: "Năm 2011, một vé máy bay khứ hồi từ Thượng Hải đến New Zealand có giá 14.000 NDT (khoảng 48 triệu đồng), nhưng bây giờ nó chỉ có giá khoảng 4.000 NDT (gần 14 triệu đồng)"

    Điều này đã mở ra khả năng cho nhiều gia đình trung lưu không đủ điều kiện di dân, được sống ở nước ngoài trong một thời gian ngắn.

    Nhiều gia đình trung lưu giàu có Trung Quốc có thể có được thị thực du lịch trong 5 hoặc thậm chí 10 năm, cho phép họ ở lại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand và các nước châu Á khác - dài đến 6 tháng mỗi lần - Ảnh: SCMP.

    Khách du lịch Trung Quốc đã thực hiện hơn 140 triệu chuyến đi ra nước ngoài vào năm 2018, tăng 13,5% so với năm trước với chi tiêu ước tính khoảng 120 tỷ USD, theo Học viện Du lịch Trung Quốc, một viện nghiên cứu chính thức thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch.

    Tại các thành phố của Thái Lan như Bangkok và Chiang Mai, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến ở đó để trải nghiệm lối sống khác với ở Trung Quốc.

    Owen Zhu, một người Trung Quốc hiện đang sống tại một chung cư ở Bangkok được anh mua từ năm ngoái cho hay: "Cuộc sống ở đây rất khác so với ở Trung Quốc.

    Tự do hơn, văn hóa và cộng đồng dân cư rất đa dạng. Chất lượng không khí, thực phẩm và dịch vụ cao hơn nhiều so với các thành phố hạng nhất ở Trung Quốc, giá cả lại phải chăng hơn."

    Ở Bangkok, tại nhiều khu chung cư quốc tế nơi người nước ngoài sinh sống, tiền thuê hàng tháng cho một căn hộ một phòng ngủ vào khoảng 2.000 - 3.000 NDT trong khi một căn hộ tương tự ở Thâm Quyến có giá đắt gấp đôi, tiền thuê lại tăng cao liên tục.

    Anh Zhu nói thêm: "Hàng hóa tiêu dùng ở đây đến từ nhiều quốc gia và dễ dàng giao tiếp với những người nước ngoài khác từ khắp nơi trên thế giới hơn ở trong nước.

    Thực tế, có nhiều người Trung Quốc giống tôi, đến Thái Lan để sống một thời gian rồi quay về Trung Quốc, nhưng sau vài tháng họ lại trở lại."

    Cả Cai và Zhu cho biết họ đã phát hiện ra hiện tượng mới này trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc và nhận định đây là một cơ hội kinh doanh có tiềm năng.

    Mối lo ngại ngày càng tăng về ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm, thuốc men, chế độ... đang thúc đẩy các gia đình trung lưu tìm kiếm những cách mới để có thể "lách luật" làm họ có thể sống ở nước ngoài - Ảnh: SCMP.

    Zhu đang tiến hành đăng ký một công ty ở Bangkok và có kế hoạch xây dựng một trang web để phục vụ các công dân Trung Quốc có nhu cầu sống ở nước ngoài mà không cần sở hữu bất động sản hay cần được nhập cư, đặc biệt là các thành viên của cộng đồng LGBT.

    Còn Cai thì cho biết hiện đã có hàng chục gia đình Trung Quốc ở đồng bằng sông Dương Tử đã trả tiền cho anh ta để gửi con cái họ đến các trường học ở New Zealand hoặc châu Âu trong khoảng 3-4 tuần vào giữa năm học, trong khi họ sẽ thuê biệt thự gần đó để ở. Những điểm đến được ưa chuộng nhất là New Zealand và Toronto (Canada).

    Năm ngoái, cô Trịnh Phương, một bà mẹ đơn thân và là nhà văn tự do ở Bắc Kinh, đã thuê một biệt thự nhỏ ở Australia trong một tháng cho mẹ con cô và gia đình một người bạn nhằm trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài và thoát khỏi sự ô nhiễm đáng sợ của thủ đô ở đất nước hơn tỷ dân.

    Cô Trịnh nói: "Thành thật mà nói, tôi không có đủ tiền để đầu tư mua tài sản hay làm thẻ xanh ở Australia. Tuy nhiên, sẽ hợp lí hơn cho tôi và con trai nếu trả khoảng 30.000 NDT (khoảng 103 triệu đồng) để sống ở nước ngoài trong 1-2 tháng.

    Trịnh Phương cũng sẽ gia nhập chuyến đi cùng gia đình Xu ở Chiang Mai vào cuối năm nay đồng thời cô đang lên kế hoạch cho một chuyến đi tương tự đến Anh vào năm tới.

    Một người bạn của Trịnh Phương, cô Alice Yu, đã đầu tư làm thị thực theo chế độ nhà đầu tư EB-5 của Mỹ từ vài năm trước. Cô dự định thực hiện một hoặc hai chuyến đi dài ra nước ngoài mỗi năm cho đến khi gia đình cô cuối cùng có thể chuyển đến sống ở Mỹ.

    Nhu cầu về thị thực dành cho nhà đầu tư EB-5 tại Trung Quốc đang giảm hẳn do sự không ổn định trong tương lai của chương trình và luật nhập cư vào Mỹ nói chung đã trở nên hà khắc hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Việc phê duyệt thị thực theo chính sách này có thể kéo dài tới 10 năm, gây ra sự tồn đọng lâu dài, ảnh hưởng tới lợi ích khiến dòng vốn đầu tư vào Mỹ từ các cá nhân nước ngoài giảm đáng kể.

    Căn hộ một phòng ngủ ở Bangkok chỉ có giá thuê khoảng 2.000-3.000 NDT/tháng - Ảnh: Getty.

    Cô Yu nói: "Có lẽ việc có thời gian và tiền bạc để tận hưởng kỳ nghỉ dài tại một biệt thự ở vùng nông thôn ngoại quốc đang trở thành tiêu chí cho một gia đình được coi là tầng lớp trung lưu thực sự của Trung Quốc.

    Dù có hay không có thị thực lưu trú dài hạn của Mỹ, tôi vẫn muốn các con mình lớn lên theo lối sống toàn cầu và có được nhiều tự do hơn so với việc chỉ trưởng thành ở Trung Quốc. Tất cả các gia đình Trung Quốc giàu có và trung lưu cũng đều muốn vậy."

    Con trai của cô Karen Gao bắt đầu theo học tại một trường quốc tế ở Chiang Mai vào tháng 6, với chi phí khoảng 70.000 NDT/năm (240 triệu đồng), sau đó cô sẽ tạm rời vị trí quản lý quan hệ công chúng ở Thâm Quyến và chuyển đến Thái Lan bằng visa du lịch.

    Cô Gao nói: "Vài tháng mỗi năm được sống trong bầu không khí trong lành, ăn thực phẩm sạch và không bị kiểm duyệt hay kiểm soát internet, lại có chi phí sinh hoạt rẻ hơn so với Bắc Kinh, dường như là một lựa chọn rất tốt."

    Hiện con trai Gao đã được cấp thị thực du học còn cô thì nhận được thị thực giám hộ để đi cùng con.

    Cô cho biết thêm: "Ở Thâm Quyến, tôi không thể cho con đi học vì không có giấy phép cư trú. Do vậy đây sẽ là lựa chọn tốt nhất cho chúng tôi khi cảm thấy không chắc chắn và lo lắng về việc đầu tư và sinh sống ở Trung Quốc."

    Năm ngoái, Gao, giống như hàng ngàn nhà đầu tư tư nhân khác, hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu sống ở các thành phố hạng nhất của Trung Quốc, đã chịu tổn thất nặng nề khi các khách sạn và nhà nghỉ mà họ đầu tư ở Đại Lý, tỉnh Vân Nam, bị phá hủy trong chiến dịch của chính quyền địa phương nhằm hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường xung quanh hồ Erhai.

    Minh Minh(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-han-che-di-cu-gioi-nha-giau-trung-quoc-chon-cach-di-nghi-ngan-han-o-nuoc-ngoai-a266020.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan