+Aa-
    Zalo

    Bi kịch của chữ (Kỳ 27): Tiếng họa my trong đêm

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Kỳ báo trước, nhà báo Việt kể chuyện về viên đại úy biệt kích Sài Gòn. Kỳ này, câu chuyện lại trở về khu trại giam mà Việt đang ở.

    (ĐSPL) - Kỳ báo trước, nhà báo Việt kể chuyện về viên đại úy biệt kích Sài Gòn và người tình trong đêm mưa trên cao điểm tử thần. Kỳ này, câu chuyện lại trở về khu trại giam mà Việt đang ở.

    (Bản quyền tiểu thuyết tự truyện “Bi kịch của chữ” thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này (nếu có) trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác... đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này).

    ...Nằm trên thềm ngục lạnh suốt mấy tháng liền, Việt không sao ngủ được. Bởi rận rệp cắn nhí nhoáy suốt đêm và hễ cứ chập chờn là thấy toàn ác mộng. Có lẽ vì cái thềm xi măng quá hẹp, cứ trở mình là va đầu vào vách tường giam, hoặc không cẩn thận là rơi ngay xuống đất. Nên việc mất ngủ trong tù cũng không có gì lạ, nhất là đối với Việt, trong thời gian ấy, luôn lo mình bị thế lực hắc ám nào đó thủ tiêu vì những bí mật của vụ án tham nhũng mà anh đã tiếp cận được với tư cách một nhà báo.

    Những đêm dài chốn lao tù, hình ảnh một người con gái luôn trở đi, trở lại trong ký ức nặng nề của Việt. Đêm nào nàng cũng đến trong giấc mơ chập chờn của anh rồi lặng lẽ ra đi. Không ai biết được nàng đã lọt vào khu biệt giam qua nhiều lớp khóa và cửa sắt dày bằng cách nào. Ngay cả người bạn tù cùng phòng được quản giáo trại giam giao nhiệm vụ giám sát Việt cũng không hề biết điều ấy.

    Anh nhắm mắt lại và thấy hơi ấm của nàng ở ngay cạnh mình. Gương mặt của nàng hiện lên trong trẻo và ấm áp. Ở ngoài đời, họ thường hay cãi cọ nhau về những chuyện chẳng đâu vào đâu và nàng là người khá đành hanh. Anh luôn coi nàng là đứa trẻ con và ngược lại, nàng cũng coi anh như vậy mặc dù anh hơn nàng nhiều tuổi.

    Còn ở khu biệt giam này, nàng lặng đến và đi như một vầng mây bí ẩn, thoắt ẩn thoắt hiện. Khi Việt nhận thấy hơi ấm của da thịt nàng cũng là lúc vầng mây thân thuộc ấy bao phủ lên anh và anh rùng mình đón nhận trong xúc động nghẹn ngào. Nàng luôn trở về trong giấc ngủ của Việt, lặng lẽ đến bên anh để vỗ về, âu yếm và chia sẻ.

    Việt bất giác nghĩ về tiếng hát của các tù nhân đêm đêm nơi ngục tối. Tiếng hát mệt mỏi và cô đơn của số phận. Đêm nào họ cũng hát. Tiếng hát thao thức, rì rầm từ buồng giam này sang buồng giam khác. Họ hát và lắng nghe nhau hát. Ở khu biệt giam này, không mấy khi tù nhân được thấy mặt nhau.

    Hàng ngày, vào lúc bị giải đi hỏi cung, Việt cũng loáng thoáng thấy ở các buồng giam bên cạnh, một vài gương mặt xanh xao, trầm uất ló ra sau ô cửa hẹp. Có một số tù nhân tuổi tác già nua, mặt bợt bạt nhầu nhĩ, tóc bạc xóa, ánh mắt nhói lên vẻ đắng cay và tuyệt vọng. Việt cũng như họ, không giấu được nỗi bất bình và oán giận, nhưng cố nén chặt xuống, cố nuốt vào bên trong mong giữ được sự cân bằng để sống sót.

    Và, khi đêm xuống, sau bữa cơm tù khốn khổ, họ bắt đầu khe khẽ hát, động viên nhau hát cho vợi bớt đi nỗi nhọc nhằn tăm tối của đời người sau những song sắt buồng giam: “Tiếng hát đều đều và chậm rãi của người/như nước chảy trong đá/như trăng soi trong đá/như máu thức trong đá/Tiếng hát mệt mỏi và tha thiết của người/đưa bàn tay lại gần một bàn tay/đưa ánh mắt lại gần một ánh mắt/đưa con người lại gần một con người/Và chúng ta cất bước trên đường thẳm/trong tiếng hát đều đều và chậm rãi/trong tiếng hát thiết tha và mệt mỏi/hướng đến những ngôi chùa trong đêm/nơi máu thức trong đá/nơi trăng soi trong đá/nơi nước chảy trong đá”

    Cậu tù nhân trẻ tuổi cùng buồng giam với Việt có giọng hát khá hay và thuộc nhiều ca khúc. Cứ khoảng 20 giờ tối trở đi, anh ta bắt đầu hát. Khi ấy, Việt đã móc màn và trèo lên bệ xi măng nằm tránh muỗi.

    Anh ta đứng cạnh đầu giường Việt, hai tay nắm vào song cửa sắt, mặt hướng ra phía hành lang, cố tình để tiếng hát véo von bay sang các buồng giam bên cạnh. Chợt có lúc, sau giọng ca của anh ta, có một giọng nữ khác cũng cất lên líu lo từ phía đầu bên kia của dãy buồng giam vọng lại.

    Sau này Việt mới biết, đôi họa my ấy phải lòng nhau vì tiếng hát. Anh liên tưởng đến chiếc lồng chim và mấy con họa my cứ nhảy lên tanh tách trong lồng vì mê tiếng hót của nhau. Hóa ra, con người ta đôi khi cũng giống chim chóc đáo để. Một ông già sành nuôi chim cảnh cho biết, có con họa my mới bắt ở rừng về, nhớ bạn, nhớ rừng, không chịu nổi cảnh bị nuôi nhốt trong lồng, suốt đêm cứ hót gọi bầy, không chịu ăn uống gì cả, nó cứ lao người lên nóc lồng muốn thoát ra, đến vỡ toác đầu mà chết- thà chết chứ không chịu tù túng. Anh bạn trẻ ở cùng buồng giam với Việt cũng vậy.

    Đêm nào anh ta cũng “hót”. Bạn tình của anh ở phía buồng giam bên kia, giọng cũng lẳng lơ ra trò. Thỉnh thoảng giữa chừng câu hát, nàng lại thở dài đánh sượt một cái rõ to, rồi bâng quơ một câu đến não lòng, xót ruột “Nhớ chồng quá, chồng ơi!”.

    Lúc ấy, anh chồng “hờ” bên buồng tôi nở một nụ cười mãn nguyện, hét váng lên “Vợ ơi là vợ, nhớ vợ quá đi thôi!”. Hỏi kỹ mới biết, đôi họa my này đã “thầm yêu trộm nhớ” nhau tới gần hai năm ở cái trại giam này rồi. Trước khi vào tù, nàng đã có chồng và đang ở tình trạng ly thân (ấy là nàng nói thế!). Trước khi bị bắt, chàng đã có vợ và cũng ở tình trạng sắp ly dị (ấy là chàng bảo vậy!).

    Đêm đêm, sau khi hát đến khản giọng rồi thì họ thì thầm tán tỉnh nhau. Đôi họa my ấy lấy đêm làm ngày trong suốt kỳ trăng mật. Luật trại giam cấm tù nhân ca hát tự do, nói chuyện to cũng không được phép.

    Các thầy quản giáo đi tuần đêm, nếu phát hiện thấy đứa nào hát và nói chuyện từ buồng này sang buồng khác, lập tức các thầy sập cửa thông hơi xuống, biến buồng giam thành cái quan tài ngột ngạt cho chúng mày dở sống, dở chết. Nhưng bất chấp tất cả, đôi họa my ấy vẫn tìm mọi cách rủ rỉ với nhau suốt đêm.

    Thật ra, các thầy quản giáo trực đêm thường tụ tập nhau “vui chơi” hoặc xem truyền hình bóng đá trong phòng có máy lạnh. Vì thế, họ cũng không sung sướng gì khi đêm nào cũng phải đi tuần độ dăm bận.

    Nghe tiếng khóa lách cánh ở phía cửa vào hành lang là các tù nhân biết ngay là các thầy quản đi tuần, và buồng nào buồng ấy im như thóc. Khi các thầy quản đi khỏi, các buồng giam lại râm ran chuyện trò, buồng này hát xong lại yêu cầu buồng kia hát tiếp. Và cứ thế, các tù nhân đêm nào cũng trở thành ca sỹ bất đắc dĩ.

    Tình yêu nơi ngục tù mới đầu nghe như chuyện không tưởng. Nhưng cũng giống như mọi chốn khác trên thế gian này, nơi nào có đàn ông, đàn bà thì nơi ấy có tình yêu. Con họa my đực ở buồng tôi có một giọng huýt sáo tuyệt hay.

    Thậm chí vào ban ngày, khi các thầy quản đi ra, đi vào luôn soành soạch, cậu trai ấy vẫn huýt sáo gọi bạn tình như thường. Ấy là khi tiếng sáo mồm réo rắt cất lên trong ban mai, líu lo đến mức người đứng xa cứ tưởng đấy là giọng hót thực thụ của một chú chim sơn ca nào đấy vô tình bay lọt vào khu trại giam. Chắc phải luyện tập công phu lắm và trước nhất phải có năng khiếu thì anh bạn trẻ ấy mới sở hữu được một giọng hót lạ kỳ như vậy.

    Trong khu biệt giam này, ban ngày, cũng có lúc cậu ta bắt chước tiếng chim bồ câu đực gọi mái và ban đêm, cậu ta bắt chước tiếng chuột kêu, tiếng dế trũi để trổ tài ve vãn bạn tình ở cách đó mấy buồng giam. Khi cậu trai này huýt sáo gọi mái, sức truyền cảm của điệu sáo mồm của người tù ấy tình tứ, tha thiết đến độ cô nàng ở buồng giam bên kia không chịu nổi, phải cất tiếng đáp lời ngay “Em nghe thấy rồi, hiểu hết rồi, anh yêu ơi!”.

    Thế thì có chết nhau không chứ, cậu họa my đực bên này lại nhảy lên tanh tách, ra hiệu cho Việt biết, nàng đã phải lòng chàng đến mức độ như thế nào. Yêu nhau tới gần hai năm trong ngục tối mà họ chưa hề biết mặt nhau. Lại một chuyện không tưởng. Chỉ nghe giọng hát của nhau mà đắm đuối, mê say nhau đến mức tương tư mất ăn, mất ngủ.

    Lại thêm một chuyện không tưởng. Việt buồn ngủ mà không sao ngủ được vì cậu trai ấy thức suốt đêm ve vãn, tâm sự với bạn tình. Họ nói chuyện trên giời, dưới bể, chuyện quá khứ, yêu đương, chuyện làm ăn và chuyện vì sao lâm nạn phải vào trong này...

    (Còn tiếp...)

    Tiểu thuyết tự truyện của nhà thơ, nhà báo NGUYỄN VIỆT CHIẾN

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]Dj62EtGnLC[/mecloud]

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kich-cua-chu-ky-27-tieng-hoa-my-trong-dem-a136429.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan