+Aa-
    Zalo

    Bi kịch tột cùng của 5 chị em sinh năm được mệnh danh là "kỳ quan thế giới thứ tám"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Là trường hợp sinh 5 đầu tiên trong lịch sử y học thế giới, nhưng 5 chị em nhà Dionne lại không được hưởng một cuộc sống trọn vẹn khi bị đem ra làm trò “mua vui”.

    Là trường hợp sinh 5 đầu tiên trong lịch sử y học thế giới, nhưng 5 chị em nhà Dionne lại không được hưởng một cuộc sống trọn vẹn khi bị đem ra làm trò “mua vui” cho thiên hạ, để rồi cuối cùng, họ chết trong bệnh tật, cô đơn.

    Những đứa trẻ đặc biệt

    Ngày 28/5/1934 là một ngày đáng nhớ với lịch sử y học thế giới khi người ta ghi nhận một ca sinh 5 vô cùng hy hữu tại một miền quê ở tỉnh Ontario, Canada.

    Elzire bên năm đứa con sinh năm. Ảnh: AP

    Bà Elzire Dionne (25 tuổi) khi ấy đã sinh hạ thành công 5 bé gái giống hệt nhau. Các bác sĩ thời ấy cho biết tỉ lệ các ca sinh 5 là 1/55 triệu ca (tức là 55 triệu ca sinh mới có 1 trường hợp sinh 5). Tuy nhiên, trường hợp của 5 đứa trẻ này còn đặc biệt hơn nữa khi chúng là ca sinh 5 cùng trứng, trường hợp của 5 chị em nhà Dionne quả là một ngoại lệ, chỉ tồn tại một cách hy hữu, 1/1 tỷ ca sinh.

    Kể từ lúc cất tiếng khóc chào đời, định mệnh cuộc đời của những đứa trẻ nhà Dionne đã rất khác biệt so với những đứa trẻ bình thường. Năm chị em nhà Dionne lần lượt được đặt tên là Annette, Emilie, Yvonne, Cecile, và Marie sinh ra khi mới có 7 tháng trong bụng mẹ, tổng trọng lượng của cả 5 đứa trẻ khi ấy chỉ được 6,3kg, trong đó em bé có trọng lượng lớn nhất là 1kg, bé nhỏ nhất nặng 0,8kg.

    Sống sót có vẻ là một thứ xa xỉ với 5 đứa trẻ lúc ấy, vì cặp sinh năm duy nhất trên thế giới trước đó đã qua đời chỉ trong 55 ngày sau khi sinh ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha vào năm 1866.

    Khi tin tức về sự ra đời kỳ diệu của 5 đứa trẻ lan rộng ra khắp khu vực Bắc Mỹ, các phóng viên và nhiếp ảnh gia cùng hàng ngàn người hiếu kỳ đã tìm đến thị trấn nhỏ để tận mắt chứng kiến hình hài của những đứa trẻ

    5 chị em lúc lên 4 tuổi, ảnh chụp đêm Giáng sinh. Bettmann Archive

    Trong khi một số người chê bai cặp vợ chồng vì đẻ ra những đứa trẻ kỳ lạ, thì không ít người khác lại hỗ trợ gia đình bằng nhiều cách. Thậm chí, một cặp vợ chồng đã đề nghị mua chiếc giường nơi các cô gái được sinh ra với giá 1.000 USD. Nhìn thấy được "giá trị" của 5 đứa trẻ, một nhà tổ chức triển lãm tại Hội chợ Thế giới Chicago đã liên lạc với cha của các em, ông Oliva Dionne, để bày tỏ ý tưởng đưa 5 bé gái ra làm "vật trưng bày" để đổi lại toàn bộ chi phí y tế, nhà ở, bữa ăn cộng thêm 250 USD mỗi tuần và một phần doanh thu bán vé.

    Do gia đình Dionne rất nghèo nên người cha đã đồng ý. Quyết định này của ông đã dấy lên làn sóng chỉ trích từ dư luận và sự không đồng tình của chính quyền Ontario. Vì lẽ đó, các nhà chức trách đã tuyên bố ông Dionne không có đủ tư cách nuôi con nên đã mang 5 đứa trẻ đi và chỉ để cho vợ chồng ông chăm sóc 5 đứa con trước đó của mình.

    Để bảo vệ cho 5 chị em nhà Dionne, chính quyền tỉnh Ontario đã đưa 5 bé gái này vào diện được nhà chức trách bảo trợ. Sau khi các bé được 4 tháng tuổi, 5 bé gái nhà Dionne được đưa tới Bệnh viện - Nhà trẻ Dafoe, một công trình được xây dựng lên để dành riêng cho 5 chị em nhà Dionne. Tại đây, các cô bé không nhận được sự chăm sóc của cha mẹ, mà chủ yếu lớn lên dưới sự chăm sóc của những bác sĩ, y tá, và người trông trẻ.

    Chuỗi ngày bi kịch

    Bệnh viện - nhà trẻ Dafoe hoạt động giống như một "viện bảo tàng sống" có 3 cảnh sát, 1 quản gia, 2 người giúp việc, 3 cô y tá. Họ được giao nhiệm vụ đưa 5 cô bé nhà Dionne ra ban công mỗi ngày để đám đông đổ về đây có thể tận mắt trông thấy những đứa bé sinh 5 đầu tiên trên thế giới sống sót khỏe mạnh và xinh xắn, đáng yêu như thế nào.

    Năm chị em sinh năm nhà Dionne trở thành "miếng mồi" du lịch. Ảnh: Bettmann Archive

    Khi nhu cầu được chiêm ngưỡng của công chúng ngày một lớn hơn, một sân chơi được lắp kính một chiều, nơi chỉ người bên ngoài mới nhìn thấy bên trong đã được xây dựng nên.

    Nhờ sự thu hút của 5 chị em sinh 5, nhà trẻ Dafoe là điểm đến hấp dẫn du khách nhất tỉnh Ontario trong thời gian từ năm 1934 đến 1943, vượt qua cả thác Niagara nổi tiếng, được hơn 3 triệu người đến thăm. Nơi đây đã thu về 1 triệu đô la ngay trong năm đầu tiên mở cửa và khoảng 500 triệu đô la trong suốt quá trình hoạt động kéo dài 9 năm.

    Du khách được thông báo rằng năm đứa trẻ không bị làm phiền bởi sự có mặt của đám đông nhưng điều này không đúng. Hai y tá chăm sóc chị em nhà Dionne từng tiết lộ: "Mỗi ngày, những đứa trẻ đều chạy về phía chúng tôi, than phiền về những khán giả tò mò. Rất nhiều lần, chúng sợ hãi, trốn tránh và không chịu chơi. Ác mộng cũng xuất hiện thường xuyên".

    Có lẽ vì môi trường làm việc quá khắc nghiệt, không y tá nào trụ quá 3 năm. Năm 1943, vợ chồng Oliva đâm đơn kiện Dafoe và giành lại quyền nuôi dưỡng các con. Tuy nhiên, đó không phải cuộc hội ngộ ngọt ngào.

    Cụ thể, nhờ tiền từ quỹ ủy thác của các con, gia đình Dionne chuyển tới một ngôi nhà lớn.

    Năm chị em sinh năm, lúc ấy 9 tuổi, chẳng biết gì về cuộc sống bên ngoài khu nhà cũ. Do thời gian chia cách quá dài, gia đình với họ không khác gì người xa lạ. Lần đầu tiên trong đời, năm đứa trẻ không được ngồi cạnh nhau trong bữa ăn và phải ngủ khác phòng.

    Để kiếm tiền, năm chị em vẫn phải ăn mặc giống hệt nhau, thường xuyên xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn và tới Mỹ cho công chúng chiêm ngưỡng. Ngoài ra, Elzire bắt các con làm việc nhà và sẵn sàng lăng mạ, đánh đập nếu thấy chúng làm không tốt. Oliva cũng tấn công các con. Một lần, Cécile thấy Émilie dưới tầng hầm, người co rúm và run rẩy. Émilie không kể điều gì đã xảy ra nhưng khi Cécile hỏi "Bố à" thì Émilie òa khóc.

    "Họ không đối xử với chúng tôi như trẻ nhỏ. Chúng tôi bị coi là người hầu, nô lệ", Annette nói về bố mẹ đẻ với New York Times năm 2017.

    Năm chị em nhà Dionne lúc trưởng thành. Ảnh: AP

    Năm 18 tuổi, năm chị em thoát ly khỏi gia đình và chuyển tới Québec. Yvonne và Cécile theo học điều dưỡng còn Marie và Annette vào đại học.

    Émilie gia nhập trường dòng nhưng rồi một ngày qua đời ở tuổi 20 do chứng động kinh. Đối với bốn cô gái còn lại, mất mát này là bi kịch nhưng cũng mở ra lối thoát: Từ nay, bộ năm chị em nhà Dionne không còn nữa. Họ nhận phần tiền của mình trong quỹ ủy thác, mỗi người 183.000 USD (tương đương 1,3 triệu USD ngày nay).

    Năm 1970, Marie tử vong ở tuổi 35 vì "nguyên nhân không rõ ràng". Tuy nhiên, có thông tin cho rằng cô tự tử. Annette và Cécile lập gia đình, có con nhưng sau đó đều ly dị. Yvonne sống độc thân.

    Cuối thập niên 1980, khi Annette và Cecile cũng đều ly hôn, 3 chị em còn sống khi đó đã chuyển về sống chung với nhau ở thành phố Montreal.

    Năm 1998, Annette, Cécile, Yvonne kiện chính phủ Canada vì hành vi bóc lột ngày trước và nhận khoản bồi thường 2,8 triệu USD.

    Đến năm 2001, Yvonne qua đời vì ung thư. Hai người còn lại đã 86 tuổi. Họ lựa chọn cuộc sống lặng lẽ bên nhau ở Montreal và không nhận trả lời phỏng vấn hay xuất hiện trên bất cứ chương trình truyền hình nào.

    Có thể nói, tiền bạc và sự nổi tiếng đều không mang lại hạnh phúc cho 5 chị em nhà Dionne. Và họ đã đi vào lịch sử với tư cách là chị em sinh năm bất hạnh và nổi tiếng nhất.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kich-tot-cung-cua-5-chi-em-sinh-nam-duoc-menh-danh-la-ky-quan-the-gioi-thu-tam-a337681.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan