+Aa-
    Zalo

    Bí mật của bình luận viên bóng đá và những đêm trắng “ôm” micro

    • DSPL
    ĐS&PL Ai cũng nghĩ làm bình luận viên hẳn là đơn giản và thích thú, nhưng có trò chuyện, nghe những người làm nghề kể mới hiểu được những vất vả mà các bình luận viên trải qua.

    Những ngày này, không khí ngày hội thể thao SEAGames đang cháy hừng hực và vai trò của các bình luận viên, những người “truyền lửa” trên sóng phát thanh, truyền hình đóng vai trò rất quan trọng. Mới nghe qua, ai cũng nghĩ làm bình luận viên hẳn là đơn giản và thích thú, nhưng có trò chuyện, nghe những người làm nghề kể mới hiểu được những vất vả mà các bình luận viên phải trải qua.

    Suýt tai nạn vì ngủ gật

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bình luận viên Tiến Dũng hiện đang công tác tại VFF Channel và VPF Media, có 5 năm làm bình luận viên thể thao cho hay làm nghề bình luận viên đâu chỉ đơn giản là xem và nói.

    Dũng kể: “Làm bình luận viên thể thao hủy hoại sức khỏe kinh khủng. Đầu tiên phải kể đến việc ăn uống thất thường, có tuần, chỉ toàn ngồi trong cabin, ăn đồ ăn nhanh. Tôi sợ đến mức nhìn thấy đồ ăn chỉ muốn... ói”.

    Có ngày Dũng phải bình luận đến 2-3 trận đấu. Những hôm không diễn ra giải đấu, lại đọc off (đọc không lên hình) cho các chương trình thể thao. Công việc liên tục, khiến giọng nói của Dũng khản đặc và hay mất giọng.

    Tiến Dũng trong cabin làm việc mùa nắng nóng

    “Từ ngày làm bình luận viên, tôi thành bệnh nhân “thân thiết” của một phòng khám tai mũi họng, gần như tháng nào tôi cũng phải đến đó để kiểm tra. Nói chung, đây không phải là tình trạng của riêng tôi mà của phần lớn anh em bình luận viên. Dù thế, chúng tôi vẫn rất yêu nghề”, Dũng cười chia sẻ.

    Để giữ được giọng nói to, chuẩn, sau những ngày làm việc vất vả, Dũng phải nhờ đến các “thần dược” dân gian. Khi thì Dũng đun giá đỗ lấy nước uống, hôm lại nhâm nhi một tách trà. Đặc biệt là nói không với rượu bia trong vòng 24 giờ trước trận đấu.

    Dũng cho biết: “Làm nghề này bận rộn lắm, gần như tôi không có khái niệm lễ Tết. Nhiều lúc bạn bè tụ tập, họp lớp, tôi có tham dự nhưng không dám dùng rượu bia. Bạn bè trách móc, nói tôi không nhiệt tình. Nhưng khổ nỗi, uống chất có cồn, tôi không còn giữ được giọng chuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc”.

    Ngoài những yếu tố khó khăn về giọng nói, nghề bình luận viên gần như nay đây mai đó. Như Dũng, tháng nào cũng phải di chuyển tới các sân vận động lớn nhỏ trên toàn quốc. Đặc biệt, việc ngồi lỳ trong cabin nhiều giờ liền cũng khiến chàng trai trẻ gặp không ít phiền toái.

    Dũng cười: “Chúng tôi vẫn đùa nhau “tối ở đâu là nhà, ngã ở đâu là giường” và cabin đã trở thành ngôi nhà của anh em bình luận viên. Có những hôm, cabin nóng như chảo lửa, không điều hòa (nhiệt độ trên sân 37 độ, nhưng trong cabin chừng trên 50 độ) chúng tôi vẫn phải ngồi hàng giờ liền. Mồ hôi nhễ nhại, có lúc kiệt sức chỉ muốn gục tại bàn, nhưng rồi anh em vẫn động viên nhau cố gắng. Việc nói liên tục không ngừng nghỉ trong thời tiết nắng nóng, khiến tôi bị viêm họng hàng tháng trời. Nhiều hôm, họng sưng tấy, đau rát vẫn phải làm việc”.

    Đồng quan điểm với Tiến Dũng, anh Nguyễn Liên Minh (từng có 10 năm làm bình luận viên bóng đá) hiện đang công tác tại trung tâm Truyền thông của tổng công ty truyền thông Đa phương tiện-VTC) cho rằng, với một bình luận viên bóng đá, việc giữ được một chất giọng tốt là khá cần thiết.

    “Mình rất hòa đồng với anh em, nhưng luôn phải biết giữ chừng mực, vì mình còn công việc ngày hôm sau. Với bình luận viên bóng đá, nếu dùng nhiều chất cồn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giọng nói”, anh Minh chia sẻ.

    Ngày mới đi làm, anh Minh gặp không ít khó khăn, khi phải theo các giải đấu: “Ngày mới vào nghề, thường xuyên di chuyển, nhiều lúc mang vác máy móc thấy nặng nề, nhưng rồi làm nhiều cũng quen việc. Hiện tại, với tôi, công việc có rất nhiều niềm vui. Tôi luôn cháy hết mình với nghề”.

    Anh Minh cho hay, mỗi nghề có một sự vất vả riêng, dù thế, chỉ cần chúng ta biết cố gắng, khắc phục thì không khó khăn nào là không thể vượt qua. “Công việc của chúng tôi, thức đêm khá nhiều. Có những hôm làm đến 2-3h sáng, sợ các em đói quá, chúng tôi phải đi mua xôi để mọi người ăn. Có hôm mua không đúng ý, còn bị các anh em “dỗi”. Rồi mỗi người lại kể một câu chuyện cười, khi đó, không khí rất thoải mái. Dường như mọi mệt mỏi đều tan biến hết”, anh Minh cười.

    “Ai cũng nghĩ rằng làm bình luận viên sướng, nhưng chúng tôi kiêm luôn nhiều chức danh, nên khá vất vả. Nhiều hôm khuân máy quay, chân máy, dụng cụ quay phim từ xe xuống khán đài là cả một vấn đề. Có khi thấm mệt, cứ nghĩ không đủ sức đọc lời bình... Giờ đây, chúng tôi đã quen với công việc và cảm thấy mình có thể thích nghi được”, Dũng chia sẻ.

    Cũng theo Dũng, năm 2014, Dũng thường xuyên làm muộn, có hôm khoảng 3h sáng mới chợp mắt. Đi xe máy từ cơ quan về nhà thi thoảng lại ngủ gật mất vài giây, khi có xe ô tô chạy qua mới giật mình. Sáng hôm sau đã phải bay từ 5h sáng vào Sài Gòn, buổi chiều 3h lại có mặt ở sân Cần Thơ, dẫn hiện trường trực tiếp...

    Dũng kể: “Ngày còn học cấp 3, tôi thường theo bạn bè đi xem bóng đá ở sân vận động Hàng Đẫy, ngày đó nhìn thấy bình luận viên Quang Huy - Quang Tùng, ăn mặc thể thao, đeo chiếc túi da chăm chú theo dõi trận đấu. Khi đó tôi ước sau này mình trở thành một bình luận viên bóng đá. Vì thế, dù học trái ngành, nhưng sau khi ra trường, tôi đã thi vào đài truyền hình Việt Nam và làm bình luận viên. Được đi lại, theo dõi nhiều trận đấu lớn trên các sân vận động khắp toàn quốc, tôi nhận ra đằng sau chiếc micro là những câu chuyện dài về các bình luận viên”.

    Dù vất vả nhưng Tiến Dũng vẫn đam mê với nghề.

    Theo Tiến Dũng, nghề bình luận viên cần nhiều tố chất, chẳng hạn như: Giọng nói chuẩn, cá tính, đam mê, hiểu biết thể thao... trong đó, đam mê là yếu tố quan trọng nhất. Có đam mê, nhiệt huyết mới truyền tải được tinh thần thể thao đến người xem, người nghe.

    “Tôi nghĩ, có đam mê với công việc mình chọn thì mới thúc đẩy công việc phát triển tốt hơn. Với bình luận viên thể thao, đôi khi đam mê cháy thành cảm xúc và bình luận viên phải làm sao để truyền tải được điều đó tới khán giả xem truyền hình. Nếu không đam mê, không có hiểu biết nhất định thì nội dung sẽ rất nhàm chán”, Tiến Dũng tâm sự.

    Dũng nhớ lại: “Hồi mới vào nghề, dù đã thức cả đêm để nghiên cứu về cầu thủ hai đội nhưng có lúc, tôi đang bình luận, tự dưng quên mất tên cầu thủ và sơ yếu lý lịch anh ta, giây phút đó tôi khá run và lúng túng. Cũng may, có anh đồng nghiệp ngồi cạnh, anh ấy kịp thời đỡ lời giải nguy cho tôi. Về sau, hễ rảnh, tôi lại dành thời gian học hỏi thêm”.

    Lỡ hẹn ra mắt gia đình người yêu

    Thường làm những nghề khác sẽ có một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn, nhưng với các bình luận viên bóng đá, điều đó vô cùng xa xỉ.

    Chàng trai trẻ trải lòng: “Bình luận viên không có ngày nghỉ vì các giải bóng đá lớn nhỏ diễn ra liên tục. Rảnh rỗi thì lại làm chương trình Nhịp đập thể thao, Tổng hợp vòng đấu, Ấn tượng vòng đấu,... Nói chung làm quanh năm suốt tháng, mỗi tuần làm đủ 7 ngày. Nhiều lúc bố mẹ tôi cũng phàn nàn vì con trai không có thời gian về thăm gia đình, không quan tâm bố mẹ. Thực ra, cũng muốn lắm, nhưng không thể rời mắt khỏi công việc”.

    Hiện tại, Dũng vừa mới có người yêu, tuy nhiên, chàng trai khá buồn khi nhắc tới chuyện tình cảm của mình: “Tôi và bạn gái mới yêu, nhưng cô ấy khá thiệt thòi vì tôi ít có thời gian quan tâm, chăm sóc. Tôi đi công tác liên miên hết tỉnh này sang tỉnh khác, có khi nửa tháng không về là chuyện quá bình thường.

    Nhớ nhất là một giải đấu tận Sài Gòn, diễn ra trong vòng 10 ngày. Hôm đó, tôi hứa về sẽ ra mắt gia đình bạn gái, nhưng vì công việc phát sinh không thể sắp xếp rời công việc được. Kết quả, cô ấy giận tôi một tháng trời và hỏi: “Anh có còn nhớ em là ai không?” khi đó, tôi không biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi.

    Còn em gái tôi cũng hờn trách: “Anh không quan tâm em”, chỉ vì ở cùng một nhà, sống cạnh phòng nhau, nhưng cả tháng không chạm mặt một lần bởi tôi thường rời nhà từ sáng sớm, khi kết thúc công việc về nhà thì em gái đã đi ngủ”.

    Anh Minh cho hay, làm bình luận viên bóng đá thường xuyên phải đi công tác xa nhà, nên ít có thời gian cho gia đình: “Nhiều lúc, cuối tuần mình muốn đưa vợ con đi chơi, nhưng bận bịu nên nhiều lần thất hẹn. Nhưng vì công việc đành phải chấp nhận. Cũng may, vợ tôi là người thấu hiểu và hết mực ủng hộ công việc của chồng”.

    Thanh Bình

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-cua-binh-luan-vien-bong-da-va-nhung-dem-trang-om-micro-a200362.html
    Sự kiện: Chuyện nghề
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan