+Aa-
    Zalo

    Bí mật về những căn cứ quân sự tạo nên "lưới thép toàn cầu" của Mỹ

    • DSPL
    ĐS&PL Mỹ có những căn cứ quân sự nào ở nước ngoài? Bí mật gì khiến thế giới tò mò nhất về các căn cứ này? Trên thực tế, những căn cứ quân sự này làm nên uy lực của Mỹ, nó được

    Mỹ có những căn cứ quân sự nào ở nước ngoài? Bí mật gì khiến thế giới tò mò nhất về các căn cứ này? Trên thực tế, những căn cứ quân sự này làm nên uy lực của Mỹ, nó được ví như "lưới thép toàn cầu" của Mỹ.

    Nếu Triều Tiên tiến hành tấn công tên lửa nhằm vào Guam sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng với toàn bộ khu vực, do hòn đảo này là nơi Mỹ đóng hai trong số những căn cứ quân sự kiên cố nhất của Washington ở Thái Bình Dương.

    Tháng trước, Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị tấn công tên lửa nhằm vào khu vực gần đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

    Sở dĩ Bình Nhưỡng lựa chọn Guam làm mục tiêu tấn công, bởi nơi đây có những căn cứ đặc biệt quan trọng của Mỹ tại nước ngoài.

    “Sự hủy diệt của tên lửa Triều Tiên tại Guam sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trong khu vực”, Andrei Kots, cây viết bình luận quân sự của tờ Sputnik cho hay.

    Dưới đây là những căn cứ quân sự hùng mạnh và quan trọng nhất đối với chiến lược của Mỹ:

    1. Các căn cứ quân sự ở Guam

    Guam là một đảo thuộc lãnh thổ Mỹ nằm ở phía Tây Thái Bình Dương và là nơi Washington cho đóng hai căn cứ quân sự lớn: Căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Guam nằm ở Apra Harbour, một cảng nước sâu ở phía Tây của đảo.

    Theo Andrei Kots, các căn cứ quân sự ở Guam được đánh giá là “cơ bắp” của Lầu Năm Góc tại Thái Bình Dương. Ở căn cứ không quân Andersen, Mỹ bố trí những máy bay ném bom tầm xa, máy bay mang tên lửa đồng thời có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

    Máy bay ném bom chiến lược B1-B tại căn cứ không quân Andersen ở Guam.

    Cơ sở hạ tầng ở căn cứ Andersen cho phép Không quân Mỹ triển khai bất kỳ loại máy bay nào, kể cả máy bay ném bom chiến lược hiện đại B-52, B-1 Lancer và B-2 Spirit, cũng như các loại máy bay chiến đấu hay máy bay cảnh báo sớm cùng các loại tiêm kích…

    Theo một số báo cáo, 6 chiếc máy bay B-1B đang được triển khai tại Guam.

    Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, lực lượng không quân có thể tăng số lượng lên lập tức chỉ trong vài ngày, Kots lưu ý.

    “Lực lượng Không quân Mỹ có khả năng tiến hành ném tên lửa và thả bom nhằm vào các mục tiêu nằm dọc theo bờ biển châu Á Thái Bình Dương. Cho tới nay, mục tiêu tiềm năng chính của “chiến lược” Mỹ nằm mà Guam nhằm tới là Triều Tiên. Nhưng các căn cứ trên Guam cũng có thể đặt ra mối đe dọa đối với hai đối thủ địa chính trị lớn của Washington trong khu vực là Nga và Trung Quốc”, chuyên gia nêu.

    Tàu hải quân Mỹ đỗ tại cảng nước sâu Apra Harbour. 

    Trong khi đó, căn cứ hải quân Guam, cùng với Trân Châu Cảng ở Hawaii, là một trong hai căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương.

    Theo Kots, trong tương lai, khoảng 20.000 lính thủy đánh bộ từ Okinawa của Nhật Bản sẽ di chuyển tới căn cứ hải quân Guam.

    Không có số liệu chính xác về số lượng và chủng loại tàu Mỹ đang có mặt tại cảng nước sâu Apra Harbour.

    Tuy nhiên, theo báo cáo của Hải quân Mỹ hồi cuối tháng 10 năm ngoái, tàu ngầm tên lửa đạn đạo USS Pennsylvania (SSBN 735) đã tới thăm cảng vào ngày 31/10/2016 và tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles (SSN 688) thường xuyên tuần tra ở khu vực.

    2. Những cơ sở quân sự của Mỹ ở Nhật Bản

    Các căn cứ ở Guam không phải là nơi duy nhất giúp Lầu Năm Góc “chiếu tướng” Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Một số khu vực tại Nhật Bản và Okinawa là nơi đóng quân của khoảng 90 cơ sở quân sự của lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật (USFJ). Đây là lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM).

    Kots đặc biệt lưu ý tới căn cứ không quân Misawa nằm cách Thủ đô Tokyo  khoảng 684km về phía Bắc vì đó là một trong số ít địa điểm Mỹ bố trí máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ thứ năm F-22 Raptor trên cơ sở luân phiên.

    “Nhìn chung, số lượng và thành phần các căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, lực lượng không quân và hải quân cho thấy, Lầu Năm Góc xem đất nước này như một chỗ đứng vững chắc trong trường hợp có thể xảy ra mâu thuẫn với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên”, nhà báo của tờ Sputnik nhận định.

    3. Căn cứ không quân Ramstein

    Những căn cứ ở Nhật chưa phải là tất cả, nhà báo Kots lưu ý. Nếu một ai đó theo dõi sát sao các hoạt động quân sự của Mỹ sẽ để ý thấy rằng những căn cứ quân sự lớn nhất của Washington được đặt ở Đức và Qatar, nhằm lần lượt duy trì khả năng kiểm soát châu Âu và Trung Đông.

    Bên ngoài căn cứ Ramstein.

    Kots chỉ ra rằng, căn cứ không quân Ramstein, nằm ở bang Rheinland-Pfalz của Đức, được coi là trụ sở của lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu cũng như một cơ sở lớn của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời là cửa ngõ để Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trên toàn cầu.

    “Nơi đây triển khai 16 phi đội máy bay vận tải quân sự của đơn vị Airlift Wing 86. Từ căn cứ này, binh lính và thiết bị quân sự của Mỹ được chuyển đến nhằm tham gia vào các cuộc tập trận chung ở Đông Âu và khu vực Baltic với các đồng minh NATO”, Kots viết.

    Huấn luyện chó nghiệp vụ tại căn cứ Ramstein.

    Bên cạnh đó, có tới 150 vũ khí hạt nhân được dự trữ tại căn cứ này, nhà báo nhấn mạnh.

    Theo ông, căn cứ không quân Ramstein sẽ được sử dụng như một điểm trung chuyển lính Mỹ-NATO cùng khí tài và có thể là nơi xuất kích các máy bay chiến lược của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Nga và khối quân sự phương Tây.

    4. Căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar

    Al Udeid là một căn cứ quân sự nằm ở phía Tây Nam của Thủ đô Doha, Qatar. Đây được coi là chỗ đứng quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông.

    Bộ Chỉ huy Trung ương Quân đội Mỹ (CENTCOM) và Bộ Chỉ huy Không lực Trung ương Mỹ cũng có mặt tại đây.

    Máy bay ném bom B-52 tại căn cứ Al Udeid.

    Vào thời những năm 2000, hàng ngàn lính Mỹ cùng khoảng 300 xe tăng Abrams, 400 xe chiến đấu Bradley cùng các hệ thống tên lửa phòng không Patriot và pháo tự hành đã được triển khai tại căn cứ này.

    Quan trọng hơn cả, căn cứ Al Udeid tự hào vì sở hữu đường bay dài 4.000m có khả năng chấp nhận bất kỳ loại máy bay nào.

    Kots nhấn mạnh, ngoài máy bay vận tải, ở đây cũng được triển khai nhiều loại máy bay khác như dòng trinh sát RC-135V/W Rivet Joint, máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler, máy bay chiến đấu phản lực, máy bay ném bom và thiết bị bay không người lái (UAV).

    “Căn cứ không quân Al Udeid là quan trọng nhất trong số 35 cơ sở quân sự Mỹ ở khu vực. Nơi đây là bước đệm giúp Washington cùng liên quân quốc tế thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố ở Syria và Iraq”, Kots cho hay.

    Trước đây, căn cứ này đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự quy mô lớn của Lầu Năm Góc ở Afghanistan và Iraq. Hiện tại, khoảng 10.000 lính Mỹ đang đồn trú ở Al Udeid.

    Danh Tuyên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-ve-nhung-can-cu-quan-su-tao-nen-luoi-thep-toan-cau-cua-my-a200669.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan