+Aa-
    Zalo

    Bị phù chân ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phù chân khi mang thai một trong nhiều vấn đề mà hầu hết mẹ bầu đều gặp phải trong những tháng cuối thai kỳ. Vậy bị phù chân ở phụ nữ mang thai

    Phù chân khi mang thai một trong nhiều vấn đề mà hầu hết mẹ bầu đều gặp phải trong những tháng cuối thai kỳ. Vậy bị phù chân ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

    Phù chân khi mang thai là tình trạng rất thường gặp ở mẹ bầu, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ. Chân mẹ bị phù nề, to hơn bình thường rất nhiều, đôi khi chân có màu đỏ thẫm gây mất thẩm mỹ. Dân gian thường hay gọi đó là tình trạng xuống máu, báo hiệu sắp sinh.

    Dấu hiệu nhận biết tình trạng phù chân rõ nhất từ phần cổ chân trở xuống, bàn chân bị sưng lên, tuy không gây đau đớn nhưng có nhiều bất tiện và khiến mẹ bầu không thoải mái.

    Phù chân khi mang thai xuất hiện khi nào? 

    Theo bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, tùy cơ địa mỗi người mà tình trạng phù chân có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ. Có người bị sớm, có người bị muộn, có người phù chân nặng, có người lại không bị hoặc bị nhưng không khác biệt lắm.

    Tuy nhiên, phần lớn mẹ bầu bị phù chân vào những tháng cuối của thai kỳ do sự tăng nhanh về trọng lượng của thai nhi, tạo sức ép lên tĩnh mạch khiến máu khó lưu thông và bị đẩy xuống chân, gây nên tình trạng phù nề.

    Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị phù chân 

    Khi mang thai cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, và đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng phù nề chân, cụ thể:

    Khi mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất máu và chất lỏng nhiều hơn 50% so với bình thường để có đủ dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi. 

    Kích thước và trọng lượng của thai nhi phát triển mỗi ngày, nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ khiến tử cung của mẹ cũng phải lớn hơn để có đủ không gian cho thai nhi. Tử cung lớn hơn sẽ làm tăng áp lực và chèn ép lên tĩnh mạch chủ dưới khiến máu bị dồn nhiều ở chân và gây tình trạng phù nề. 

    Ngoài hai nguyên nhân kể trên, nguyên nhân gây nên tình trạng phù nề còn do sự thay đổi hormone bên trong cơ thể mẹ bầu khi mang thai. Khi hormone thay đổi khiến thành mạch máu sẽ mềm hơn, gây khó khăn cho tĩnh mạch trong việc vận chuyển máu từ chân về tim, dẫn đến tình trạng phù nề. 

    Bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì còn có nhiều nguyên nhân khác như giữ nguyên một tư thế quá lâu, làm việc nặng nhọc, thường xuyên đi giày cao gót, thiếu Natri, Kali…

    Bị phù chân khi mang thai có nguy hiểm không? 

    Phù chân chỉ là một tình trạng thay đổi sinh lý bình thường khi mang thai, không phải là bệnh lý nên không nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Theo bác sĩ về bệnh chuyên khoa, thông thường, tình trạng này sẽ tự biến mất sau khi sinh nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Thay vào đó, hãy bổ sung đủ chất để thai nhi có đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện và giữ tinh thần thoải mái nhất chờ đợi giây phút con yêu chào đời.

    Tuy nhiên, phù chân đôi khi lại là biểu hiện của một vài bệnh lý nguy hiểm, mẹ bầu không nên coi thường nếu phù chân đi kèm những dấu hiệu sau: Sưng cả tay và mắt; đau đầu nặng; đau dữ dội vùng dưới xương sườn; buồn nôn, nôn; thị giác gặp vấn đề

    Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Để an toàn, mẹ bều nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây phù nề chân là do sinh lý hay bệnh lý để có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả. 

    Bên cạnh đó, nếu phù chân nhưng chỉ ở một bên chân thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về tĩnh mạch như huyết khối tĩnh mạch sâu. 

    Phù chân khi mang thai, mẹ bầu cần làm gì? 

    Phù chân là tình trạng khó phổ biến, thường gặp ở phụ nữ mang thai. Mặc dù không phải bệnh lý nhưng lại khiến cuộc sống của mẹ bầu gặp nhiều khó khăn và bất tiện. Vì vậy, ngay khi gặp phải tình trạng này, mẹ nên có những biện pháp can thiệp để giảm thiểu tình trạng phù chân khi mang thai để không còn cảm thấy quá khó chịu:

    Không đứng hoặc ngồi quá lâu. Không nên vắt chéo chân khi ngồi mà hãy duỗi thẳng chân để máu dễ dàng lưu thông

    Kê cao chân bằng gối khi ngủ để máu lưu thông về tim dễ dàng hơn

    Massage chân thường xuyên để giảm phù nề và tình trạng chuột rút thường gặp ở mẹ bầu

    Khi ngủ cũng nên nằm nghiêng sang bên trái để làm giảm áp lực từ tĩnh mạch chủ khi vận chuyển máu từ chân về tim. 

    Lựa chọn quần áo thoải mái, không mặc bó sát vì có khả năng cản trở lưu thông máu

    Không nên đi giày cao gót, thay vào đó mẹ hãy chọn những đôi giày bệt, giày thể thao thoải mái

    Hạn chế đeo tất vì có thể gây cản trở lưu thông máu, nhất là những đôi tất có dây buộc chặt ở mắt cá chân hay bắp chân. Nếu thời tiết quá lạnh, mẹ hãy chọn những đôi tất thoải mái dành riêng cho bà bầu

    Vận động nhẹ nhàng bằng những bài tập dành cho mẹ bầu như yoga, bơi lội, đi bộ… chúng sẽ giúp máu được lưu thông dễ dàng hơn

    Nên uống đủ nước vì nếu để cơ thể mất nước nó sẽ phải cố gắng để giữ nước khiến cho tình trạng phù nề trầm trọng hơn 

    Nên ngâm chân bằng nước ấm khoảng 10 -15 phút trước khi đi ngủ để được thư giãn và cũng giúp máu tuần hoàn tốt hơn, cải thiện tình trạng phù nề

    Bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày những thực phẩm giàu Natri và Kali vì thiếu Natri, Kali có thể là nguyên nhân gây phù nề. 

    Tránh ăn mặn và không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ vì chúng là những yếu tố dễ gây nên phù nề

    Hạn chế sử dụng cafe, trà vì chúng có xu hướng gây trữ nước

    Trên đây là những chia sẻ của Bác sĩ giảng viên Y sĩ đa khoaTrường Cao đẳng Dược Sài Gòn chúc các bạn có một sức khỏe tốt.

    Diệu Nhi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-phu-chan-o-phu-nu-mang-thai-co-nguy-hiem-khong-a358806.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.