+Aa-
    Zalo

    Bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước “tuýt còi”, đại diện ứng dụng fintech BUFF nói gì?

    ĐS&PL Đại diện ứng dụng BUFF cho biết, hiện tại, ứng dụng vẫn đang hoạt động dựa trên các quy định pháp luật cho phép. Tuy nhiên, trước các câu hỏi chi tiết liên quan đến cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi xảy ra tranh chấp, cũng như ý kiến của doanh nghiệp khi bị UBCKNN “tuýt còi”, đại diện ứng dụng BUFF không đưa ra phản hồi.

    Như đã thông tin, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được UBCKNN cấp phép.

    Theo UBCKNN, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch như Passion Invest, Finhay, Infina, Savenow, BUFF,… sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

    "Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh", UBCKNN nêu rõ.

    copy of template cho blog 15
    Ứng dụng BUFF được quảng cáo với mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn.

    Theo tìm hiểu của PV, BUFF là ứng dụng phát triển bởi Công ty Cổ phần BUFF Fintech, thành lập ngày 28/4/2021, được cấp Giấy phép Kinh doanh số 0109615121 của Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ứng dụng này cho phép người dùng gửi tiền có kỳ hạn và không có kỳ hạn. Sản phẩm tích lũy kỳ hạn cố định có các khung thời gian 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng. Số tiền của người dụng đươc phân bổ vào các sản phẩm như cổ phiếu, trái phiếu, ETF, chứng chỉ quỹ mở, tín phiếu…

    Khi đăng ký tài khoản sử dụng BUFF, người dùng phải chấp thuận Điều khoản của ứng dụng . Trong đó, mục III khoản 2 của điều khoản nêu rõ “Đối với những thông tin được cung cấp tại Website/ Ứng dụng BUFF, khách hàng cần tự phân loại cho phù hợp với từng mục đích cụ thể trước khi đưa ra quyết định sử dụng hoặc những quyết định có liên quan. Sẽ không có thông tin nào tại Website/ Ứng dụng BUFF này cấu thành một lời mời đầu tư bất kỳ sản phẩm tài chính nào. Do đó, khách hàng sẽ tự chịu mọi rủi ro trong việc sử dụng thông tin của website/ứng dụng BUFF”.

    z38119260429557767c779996c7eb66f244e254c577e88
    Chú thích ảnh
    z38119270075114418a8b47a9192f9a8def8c57b4cba7d
    Một số điều khoản người dùng phải chấp thuận trước khi sử dụng ứng dụng BUFF.

    Ngoài ra, tại mục III, khoản 3 của điều khoản sử dụng nhấn mạnh việc BUFF có quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định sử dụng Website/ứng dụng BUFF và/hoặc quy định sử dụng từng nội dung cụ thể của website/ứng dụng BUFF tại bất cứ thời điểm nào theo yêu cầu của việc quản lý và vận hành BUFF. Những quy định mới nay sẽ có hiệu lực ngay tại thời điểm được đăng tải trên website và được hiểu là đã có sự đồng ý của người dùng.

    Sau cảnh báo từ UBCKNN, một người dùng ứng dụng BUFF cho biết đã đọc lại điều khoản sử dụng và cảm thấy hoang mang với những điều khoản mà ứng dụng đưa ra: “Thường khi đăng ký tài khoản, người dùng Việt Nam ít có thói quen xem xét kỹ điều khoản sử dụng. Trong trường hợp xảy ra bất cứ rủi ro nào, ứng dụng có chịu trách nhiệm hay không? Cơ sở pháp lý nào bảo vệ người dùng nếu có tranh chấp diễn ra?”.

    Theo TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh), nhà đầu tư trước khi tham gia các ứng đầu tư cần hiểu rõ bản chất hợp đồng mình đang ký.

    “Nếu mua chứng chỉ quỹ trực tiếp từ quỹ, thì sẽ được bảo vệ theo quy định về quỹ đầu tư. Nếu không ký hợp đồng trực tiếp với quỹ, mà thông qua ứng dụng, thì đối tác chính là ứng dụng đó. Và điều này cũng tương tự với gửi tiết kiệm thông qua ứng dụng, đối tác trực tiếp của người dùng là ứng dụng hay là ngân hàng. Nhà đầu tư cần nắm được hợp đồng mà mình ký kết là với ai, bản chất như thế nào”, TS Hồ Quốc Tuấn cho biết.

    TS Hồ Quốc Tuấn cũng nêu rõ, rủi ro lớn với nhà đầu tư là không thể giám sát hoạt động của các ứng dụng. Nếu ứng dụng công bố chỉ là trung gian môi giới, nhưng thực tế không hề chuyển tiền từ nhà đầu tư tới các quỹ/ngân hàng, thì nhà đầu tư đối diện khả năng “mất trắng” nếu app “biến mất”.

    Liên quan đến cảnh báo từ UBCKNN, trả lời câu hỏi của PV, đại diện ứng dụng BUFF cho biết tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng vẫn đang hoạt động dựa trên các quy định pháp luật cho phép. Cụ thể, ứng dụng BUFF lựa chọn Công ty cổ phần quản lý quỹ Tân Việt (TVFM) là đơn vị quản lý tài sản của Người dùng theo Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 03/2021/HĐUTĐT/TVFM, chỉ định Ngân hàng lưu ký là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

    Tuy nhiên, khi PV đặt các câu hỏi chi tiết liên quan đến cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi xảy ra tranh chấp, cũng như ý kiến của doanh nghiệp khi bị UBCKNN “tuýt còi”, đại diện ứng dụng BUFF không đưa ra phản hồi.

    Mới đây, BUFF cho biết đối tác hỗ trợ quản lý tài sản người dùng tại BUFF là CTCP Quản lý quỹ Tân Việt (TVFM), đồng thời nhấn mạnh Quỹ Tân Việt và Công ty Chứng khoán Tân Việt là 2 pháp nhân hoàn toàn khác nhau. Thông báo này được phát đi trong bối cảnh một số thông tin tiêu cực về CTCK Tân Việt gây ảnh hướng tâm lý người dùng BUFF. 

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-tuyt-coi-dai-dien-ung-dung-fintech-buff-noi-gi-a554657.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan