+Aa-
    Zalo

    Biến chứng thường gặp ở trẻ em hậu COVID-19? Làm gì để phòng ngừa hội chứng viêm đa hệ thống?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đa số trẻ em mắc bệnh đều nhanh hồi phục hơn người lớn, tuy nhiên, một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).

    Các dấu hiệu hậu COVID-19 điển hình hay gặp ở trẻ

    Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì tình trạng hậu COVID ở trẻ em có thể bao gồm các vấn đề sau:

    - Vấn đề về hô hấp: COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nhất nên các triệu chứng hô hấp kéo dài khá phổ biến, bao gồm: ho, đau ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn.

    - Vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể xảy ra, bao gồm: đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi.

    - Mùi và vị: Khoảng 1/4 trẻ em từ 10-19 tuổi bị thay đổi mùi, vị giác khiến ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và đặc biệt khiến trẻ có thể không nhận ra 1 số mùi nguy hiểm (khói, khét khi cháy, chập điện...).

    - Các vấn đề về thần kinh: Giai đoạn COVID-19 cấp tính có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong một số trường hợp hiếm có thể dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não. Trẻ em đã từng bị COVID-19 có thể có những thay đổi nhỏ về chú ý, ngôn ngữ, vận động và tâm trạng.

    - Mệt mỏi về tinh thần: Đãng trí hơn, giảm khả năng chú ý, học tập khó khăn hơn, đọc chậm hơn, đọc ngắt quãng, đọc lặp lại nhiều lần, khả năng viết chậm hơn… có thể xảy ra. Nếu trẻ căng thẳng, ngủ không đủ giấc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này.

    tre em hau covid 19 3
    Ảnh minh họa.

    - Mệt mỏi về thể chất: Trẻ có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng khi hoạt động kém hơn, ngay cả khi không có các tổn thương về tim mạch hoặc hô hấp do virus gây ra.

    - Đau đầu: Đây là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi mắc COVID-19. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh và hạn chế căng thẳng có thể giúp trẻ giảm bớt.

    - Sức khỏe tâm thần và hành vi: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đặc biệt, đối với trẻ đang mắc các rối loạn, bệnh tâm thần/hành vi, việc phải nhập viện, cách ly, nghỉ học… có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.

    - Hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ em (MIS-C): Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, thường xảy ra từ 2 - 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa... có thể bị tổn thương.

    - Các triệu chứng của bệnh tiểu đường: Đi tiểu thường xuyên, trẻ hay khát nước, nhanh đói, giảm cân, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em mắc COVID-19, theo Sức khỏe & Đời sống.

    Khi nào trẻ cần khám hậu COVID-19

    Tất cả trẻ em không nhất định phải tái khám hậu COVID-19 vì ít trẻ mắc di chứng này và không nghiêm trọng như người lớn. Hầu hết triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi... ở giai đoạn cấp, trẻ sẽ lướt qua dễ dàng, không để lại di chứng kéo dài khi khỏi bệnh.

    Di chứng hậu COVID-19 nguy hiểm nhất ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). MIS-C là bệnh chỉ xảy ra với trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn. Các triệu chứng bệnh đặc trưng bao gồm sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, mắt đỏ, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, nổi hồng ban, tim đập nhanh...

    Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị hạ huyết áp hoặc sốc, suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành, rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính, thậm chí tử vong.

    Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mắc MIS-C rất thấp, chỉ khoảng 0,1%, thường gặp ở nhóm 8 - 11 tuổi, trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ bị MIS-C nặng hơn. Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lưu hành chủ yếu như hiện nay thì trẻ bị viêm đa hệ thống hậu COVID-19 càng ít hơn.

    Ngoài ra, trẻ bị mất ngủ, rối loạn hành vi, tâm lý, hay quên, thường xuyên thở hụt hơi, ho nhiều có đờm, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn tiêu hóa, khô da, rụng tóc, thay đổi tổng trạng chung như biếng ăn, giảm cân... phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, can thiệp kịp thời. Những triệu chứng bất thường này có thể là biểu hiện của bệnh lý khác không phải COVID-19, theo VnEpress.

    Làm gì để phòng ngừa hội chứng viêm đa hệ thống?

    Cách tốt nhất để phòng ngừa Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ là ngăn cản virus xâm nhập và lây lan. Những khuyến cáo dưới đây cần được thực hiện để tránh tiếp xúc hoặc nhiễm virus gây ra COVID-19:

    - Tiêm vaccine COVID-19 ngay khi có thể. Vaccine giúp làm giảm tỉ lệ lây nhiễm và giảm tỉ lệ gặp triệu chứng hay biến chứng nặng ở bệnh nhân.

    - Giữ tay sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn.

    - Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh: Đặc biệt, tránh những người đang ho, hắt hơi hoặc có các dấu hiệu khác cho thấy họ bị bệnh và có khả năng truyền nhiễm virus, vi khuẩn.

    - Thực hiện giãn cách xã hội: Khi ra khỏi nhà, mọi người nên giãn cách nhau ít nhất 2 mét.

    tre em hau covid 19

    - Đeo khẩu trang ở nơi công cộng: Khi ở những nơi công cộng trong nhà hoặc ngoài trời, nơi có nguy cơ cao lây truyền COVID-19, chẳng hạn như tại một sự kiện tụ tập đông người, người lớn và trẻ trên 2 tuổi nên đeo khẩu trang che kín mũi và miệng. Có thể sử dụng khẩu trang vải hoặc các loại khẩu trang chuyên biệt hơn tùy thuộc vào việc được tiêm chủng đầy đủ hay chưa.

    - Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng: Khuyến khích trẻ làm theo hướng dẫn của người lớn và tránh chạm vào mặt trẻ.

    - Che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho: Nên tập che miệng khi hắt hơi hoặc ho để tránh lây lan vi sinh vật.

    - Làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều mỗi ngày: Các bề mặt này bao gồm các khu vực trong nhà như tay nắm cửa, công tắc đèn, điều khiển từ xa, tay cầm các thiết bị/ đồ dùng, mặt bàn, ghế, bàn làm việc, bàn phím, vòi nước, bồn rửa và nhà vệ sinh…

    - Giặt quần áo và các vật dụng khác khi cần thiết: Thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, sử dụng chế độ giặt ấm nhất thích hợp trên máy giặt. Một số đồ chơi của trẻ có thể cần được sát khuẩn hoặc giặt thường xuyên.

    Khi trong nhà có trẻ nhiễm COVID-19, cần theo dõi chặt chẽ xem có dấu hiệu mắc phải Hội chứng viêm đa hệ thống không. Nếu có bất cứ triệu chứng nghi ngờ, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cần chăm sóc bản thân tốt nhất có thể bằng cách ăn uống đủ chất, kết hợp ngủ nghỉ và hoạt động thể chất điều độ. Và giải tỏa căng thẳng bằng một số kỹ thuật như hít thở sâu, thư giãn cơ và thiền giúp bình tĩnh, vượt qua những lo lắng không đáng có.

    Linh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-chung-thuong-gap-o-tre-em-hau-covid-19-lam-gi-de-phong-ngua-hoi-chung-viem-da-he-thong-a530560.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan