Biến thể phụ BA.5 vừa được phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm thế nào?


Thứ 3, 28/06/2022 | 10:41


Cùng sự kiện

Biến thể phụ BA.5 của Omicron đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia và được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng trở lại trong số ca mắc COVID-19.

Sau biến thể phụ BA.2 từng gây ra sự gia tăng trong số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, 2 "phiên bản" khác của biến thể Omicron được ghi nhận là BA.4 và BA.5. Được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 4/2022 và có liên quan đến xu hướng gia tăng trở lại của các ca COVID-19, BA.4 và BA.5 là những đột biến mới nhất của biến thể Omicron. Các biến thể này đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Điều khiến các chuyên gia bận tâm là 2 đột biến BA.4 và BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn so với những biến thể khác đang lưu hành, bao gồm cả biến thể phụ BA.2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tử vong và nhập viện ở những bệnh nhân mắc các biến thể phụ thuộc biến thể Omicron vẫn ở mức thấp so với những biến thể trước đây như Delta. Điều này cho thấy khả năng miễn dịch cộng đồng ngày càng tăng đang góp phần giảm bớt những hậu quả của đại dịch COVID-19.

BA.4 và BA.5 là gì?

Hai biến thể BA.4 và BA.5 được cho là có nhiều điểm tương đồng với biến thể BA.2 của Omicron. Tuy nhiên, 2 "phiên bản" mới BA.4 và BA.5 cũng mang những đột biến riêng bao gồm những thay đổi được gọi là L452R và F486V trong protein của virus, giúp chúng điều chỉnh khả năng bám vào tế bào vật chủ và điều chỉnh một số phản ứng miễn dịch.

Một bản thông tin được báo cáo trước tháng 5 chỉ ra rằng BA.4 và BA.5 có chung nguồn gốc với các chủng Omicron trước đó. Tuy nhiên, một phân tích chưa được công bố dẫn đầu bởi các nhà di truyền học Bette Korber và William Fischer tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico (Mỹ) cho thấy 2 biến thể mới này có thể là các nhánh của BA.2.

Tin thế giới - Biến thể phụ BA.5 vừa được phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm thế nào?
Sự xuất hiện của 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang được các chuyên gia theo dõi sát sao. Ảnh: Getty

Ông Korber và ông Fischer cũng phát hiện ra rằng nhiều trình tự bộ gen được phân loại của biến thể BA.2 trong cơ sở dữ liệu công khai cũng giống với BA.4 hoặc BA.5. Do đó, các nhà nghiên cứu có thể đang đánh giá thấp sự gia tăng liên tục của các biến thể, cũng như sự đa dạng của các đột biến này.

Nguyên nhân các biến thể đang gia tăng trên toàn cầu

Lợi thế trong việc lây truyền của các biến thể có thể là do những thay đổi sinh học làm tăng tốc độ lây nhiễm, chẳng hạn như sự thay đổi cho phép virus lây nhiễm nhanh hơn từ giữa người với người. 

Ông Christian Althaus, một nhà dịch tễ học tại Đại học Bern, cho biết sự gia tăng của 2 biến thể BA.4 và BA.5 có thể bắt nguồn từ khả năng lây nhiễm sang những người đã có miễn dịch với các biến thể phụ của Omicron trước đó và cũng như các biến khác. Ông Althaus giải thích thêm khi phần lớn thế giới đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát với virus SARS-CoV-2, sự gia tăng, vốn không thể tránh khỏi, của BA.4 và BA.5 sẽ được thúc đẩy bởi khả năng miễn dịch cộng đồng và số ca mắc chỉ có thể giảm xuống khi có đủ số người nhiễm bệnh.

Trên cơ sở sự gia tăng của BA.5 ở Thụy Sĩ, ông Althaus ước tính rằng khoảng 15% người ở đó sẽ bị nhiễm bệnh. Nhưng các quốc gia hiện nay có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng khác nhau do lịch sử của các đợt bùng phát dịch COVID-19 và tỷ lệ tiêm chủng. Do đó, quy mô của sóng BA.4 và BA.5 sẽ thay đổi tùy theo từng nơi.

Ông Althaus nhận xét: "Tỷ lệ này có thể là 5% ở một số quốc gia và 30% ở những quốc gia khác".

BA.4 và BA.5 sẽ có tác động thế nào?

Tác động của 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 ở mỗi quốc gia sẽ có sự khác biệt. Bà Waasila Jassat, một chuyên gia y tế công cộng tại Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Johannesburg (Nam Phi), cho biết dù có số ca mắc COVID-19 cao, nhưng số ca bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong ở Nam Phi chỉ tăng nhẹ trong làn sóng BA.4 và BA.5.

Tin thế giới - Biến thể phụ BA.5 vừa được phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm thế nào? (Hình 2).
Nguy cơ bệnh nặng nhập viện và tử vong của các bệnh nhân mắc biến thể BA.4, BA.5 đến nay không cao. Ảnh: Getty 

Trong một nghiên cứu sắp được công bố trên medRxiv, bà Jassat và các đồng nghiệp của bà nhận thấy làn sóng BA.4 và BA.5 của Nam Phi dẫn đến tỷ lệ nhập viện tương tự với làn Omicron nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn ở quốc gia này. Cả 2 làn sóng Omicron đều không gây bệnh nặng như làn sóng Delta trước đó.

Ngoài Nam Phi, các quốc gia khác cũng ghi nhận những tác động đáng kể từ BA.4 và BA.5. Ở Bồ Đào Nha - nơi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi tăng cường COVID-19 rất cao - mức độ tử vong và nhập viện liên quan đến đợt bùng phát dịch mới nhất tương tự như trong đợt bùng phát biến thể Omicron đầu tiên.

Theo ông Althaus, một lời giải thích cho sự khác biệt này có thể là do nhân khẩu học của Bồ Đào Nha.

Ông chỉ ra: "Càng có nhiều người già, bệnh càng nặng".

Bà Jassat cho rằng bản chất của khả năng miễn dịch ở một quốc gia cũng có thể dẫn đến các kết quả khác nhau. Khoảng một nửa số người Nam Phi trưởng thành đã được tiêm chủng và chỉ mới 5% người được tiêm mũi nhắc lại. Nhưng điều này, kết hợp với tỷ lệ lây nhiễm cao kỷ lục từ các đợt COVID-19 trước đó, đã dựng lên một bức tường "miễn dịch tổng hợp" giúp người dân Nam Phi nhận được sự bảo vệ tốt hơn, chống lại nguy cơ bệnh nặng, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, những người có nhiều khả năng đã được tiêm chủng.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy các kháng thể được kích hoạt thông qua tiêm chủng ít hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm BA.4 và BA.5 so với các chủng Omicron trước đó. Các nhà khoa học nhận định điều này có thể khiến những người đã được tiêm chủng và được tiêm tăng cường dễ bị nhiễm bệnh hơn. Ngay cả những người đã có "miễn dịch tổng hợp", khả năng miễn nhiễm với BA.4 và BA.5 cũng không cao. Các nhóm nghiên cứu đã cho rằng nguyê nhân chính là do đột biến tăng đột biến L452R và F486V trong protein của virus. 

Minh Hạnh (Theo Nature)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-the-phu-ba5-vua-duoc-phat-hien-o-viet-nam-nguy-hiem-the-nao-a542432.html