Biểu tình ở hơn 90 quốc gia nhằm phản đối giá nhiên liệu cao


Thứ 5, 20/10/2022 | 11:22


Cùng sự kiện

Trong năm nay, hàng nghìn cuộc biểu tình đã nổ ra ở 92 quốc gia trên thế giới vì vấn đề giá nhiên liệu tăng cao.

Theo dữ liệu thu thập trên toàn thế giới của tổ chức Dự án Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang, số lượng các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu đã tăng lên đáng kể do vấn đề chi phí nhiên liệu. Cụ thể, khoảng 92 quốc gia đã ghi nhận các cuộc biểu tình như vậy từ đầu năm tới nay.

Đáng chú ý, 1/3 trong số 92 quốc gia này trong năm 2021 còn không có biểu tình. Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có thu nhập cao ở châu Âu đã tăng từ 0 cuộc biểu tình trong năm 2021 lên 335 cuộc biểu tình chỉ trong tháng 3/2022. Trong khi đó, hồi cuối tuần qua, hơn 100.000 người dân Pháp cũng đổ ra đường trong cuộc biểu tình được cho là lớn nhất từng diễn ra tại nước này.

Ở một số nơi khác trên thế giới, các cuộc biểu tình còn diễn biến trở thành tình trạng bất ổn dân sự. Nổi bật nhất là tình hình tại Sri Lanka, khi những người biểu tình tụ tập và xông vào dinh thự tổng thống và lật đổ tổng thống khi ấy.

Tin thế giới - Biểu tình ở hơn 90 quốc gia nhằm phản đối giá nhiên liệu cao
Biểu tình ở Peru vào tháng 7/2022 vừa qua. Ảnh: Reuters 

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, ngay cả Mỹ cũng không tránh được những tác động tiêu cực từ lạm phát và giá nhiên liệu tăng. Trong đó, mức độ lạm phát cao kỷ lục đã khiến nền kinh tế Mỹ quay cuồng, các cử tri cũng mất dần niềm tin vào năng lực gánh vác nền kinh tế của đảng Cộng hòa, trong thời điểm chưa đầy 1 tháng nữa là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ 2022. Tuy nhiên, theo một số đảng viên Dân chủ, tình hình kinh tế ảm đạm ở phần còn lại của thế giới là nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng.

Trong một phát biểu về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cho biết: "Nền kinh tế của chúng ta vô cùng mạnh mẽ. Lạm phát xảy ra trên toàn thế giới và thậm chí còn tồi tệ hơn so với Mỹ. Vậy nên vấn đề là sự thiếu tăng trưởng kinh tế và chính sách hợp lý ở các quốc gia khác chứ không phải ở Mỹ".

Theo một khảo sát của Pew Research về 44 quốc gia có nền kinh tế phát triển, Mỹ xếp thứ 13 về tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong quý đầu tiên năm 2022. Từ năm 1991-2019, trung bình mỗi năm tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 2,3%. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lạm phát đã ở mức trên 5% kể từ tháng 5/ 2021 và dao động quanh mức 8% trong phần lớn năm 2022, đạt mức cao nhất vào tháng 6 với 9,1%.

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế thời COVID-19 được cho là nguyên nhân kéo dài tình trạng kinh tế bất ổn nhưng việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt tiếp theo cũng được cho một trong những yếu tố chính tác động tới nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ ngày càng phải sử dụng nhiều hơn kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược của mình để cố gắng cải thiện giá nhiên liệu. Chi phí năng lượng tăng có xu hướng đẩy giá cả tăng cao trên toàn nền kinh tế, trong đó giá thực phẩm đặc biệt bị ảnh hưởng do nhiều loại phân bón được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên hoặc các sản phẩm phụ từ dầu mỏ.

Là một quốc gia giàu có và là nhà xuất khẩu thực phẩm và năng lượng ròng, Mỹ có thể sẽ được thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất của suy thoái toàn cầu, nhưng nhiều nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với viễn cảnh đói kém và ngay cả các quốc gia châu Âu giàu có như Vương quốc Anh và Đức cũng phải chuẩn bị trước cho nguy cơ thiếu điện và mất điệndiện rộng trong mùa đông sắp tới.

Minh Hạnh (Theo Daily Wire)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bieu-tinh-o-hon-90-quoc-gia-nham-phan-doi-gia-nhien-lieu-cao-a554734.html