+Aa-
    Zalo

    Bộ Công Thương đề xuất dùng ngân sách nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ Công Thương đề xuất dùng ngân sách nhà nước để nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu.

    Sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

    bo cong thuong de xuat dung ngan sach nang muc du tru xang dau quoc gia dspl
    Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Dân Việt

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện để khắc phục.

    Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là kịp thời sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan; thực hiện đầy đủ và phân định trách nhiệm rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương cũng như của các doanh nghiệp để đáp ứng nguồn cung…

    Tại phiên giải trình, các ĐBQH thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành như: nguồn cung xăng dầu, xăng dầu dự trữ quốc gia,... Có đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc để loại bỏ xăng dầu giả, kém chất lượng khỏi thị trường, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đầu cơ, “găm hàng” trong kinh doanh xăng dầu.

    Giải trình về tình hình thị trường xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao. Trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung). Sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).

    Trong năm 2023, Bộ Công Thương thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

    Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và trình Thủ tướng lần thứ tư vào ngày 27/12/2022. Theo đó, Bộ đề xuất từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày; giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

    Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối của ngân sách (hiện nay mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia).

    Để giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các DN.

    Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định.

    Cũng tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ Công thương đã thành lập 3 Đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra đồng loạt và toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

    Bộ cũng đã ban hành 15 công điện, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối; tăng cường toàn bộ lực lượng thực hiện giám sát 24/24h ở tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện các cửa hàng ngừng hoạt động.

    Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong năm 2022 và đầu năm 2023, đã giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước; thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ, với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-cong-thuong-de-xuat-dung-ngan-sach-nang-muc-du-tru-xang-dau-quoc-gia-a567293.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân tăng khung giá bán lẻ điện bình quân

    Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân tăng khung giá bán lẻ điện bình quân

    Theo lãnh đạo Cục điều tiết điện lực (bộ Công thương), tình hình khủng hoảng năng lượng hiện nay, biến động tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh trên toàn cầu,...đã tác động lớn đến việc tăng giá năng lượng tại nhiều nước trên thế giới.