+Aa-
    Zalo

    Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân giá xăng tăng vọt

    • DSPL
    ĐS&PL Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải rất chia sẻ với việc giá xăng tăng mang lại không ít khó khăn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân.

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải rất chia sẻ với việc giá xăng tăng mang lại không ít khó khăn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân.

    Thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, Liên bộ Công Thương - Tài chính  phát đi thông tin điều hành giá xăng dầu từ 17h ngày 2/4.

    Theo đó, nhà điều hành quyết định tăng giá với hàng loạt mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, xăng sinh học E5 tăng 1.377 đồng/lít; Xăng A95 tăng 1.484 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; Dầu madut 180CST 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.

    Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng sinh học E5 không cao hơn 18.588 đồng/lít; Xăng A95-III không cao hơn 20.033 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.087 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 15.971 đồng/lít.

    Giá xăng dầu từ 17h hôm nay 2/4.

    Theo thông tin trên tờ Infonet, lý giải về việc giá xăng tăng mạnh, tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều 2/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc quản lý giá xăng dầu thành phẩm tiến tới theo thị trường có sự quản lý định hướng nhà nước.

    "Vì thế hôm nay, dù không ai mong muốn, theo đúng thị trường thế giới nên chúng ta phải điều chỉnh tăng giá xăng", ông Hải chia sẻ.

     “Chúng tôi cũng là người tiêu dùng, do đó chúng tôi rất chia sẻ với việc giá xăng tăng mang lại không ít khó khăn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân. Tuy nhiên, chúng ta đã biết hiện nay việc quản lý giá xăng dầu thành phẩm tiến tới theo thị trường có sự quản lý định hướng nhà nước. Hiện nay chúng ta có 28 doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp xăng dầu, chứ không như trước kia nhắc đến xăng dầu là nhắc tới Petrolimex. Nhưng hiện nay đã hoàn toàn khác”, ông Hải nói.

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

    Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thứ 2, chúng ta có sự điều hành 15 ngày/lần theo Nghị định 83 và đã có công thức điều chỉnh theo chiều hướng tăng và giảm. Và nhà nước không bỏ bất cứ 1 khoản ngân sách nào để can thiệp vào việc tăng, giảm của xăng dầu. Xăng dầu có thể nói là một trong số ít mặt hàng thiết yếu chúng ta đưa đến thị trường tiêu dùng.

    Tuy nhiên, việc định hướng có sự điều tiết của nhà nước như ngày 20/3 vừa qua (Chính phủ quyết định tăng giá điện) và đến ngày 18/3 vừa rồi đến kỳ xét giá xăng. Tại thời điểm đó, giá xăng dầu thế giới đã tăng, nhưng xét đến kinh tế vĩ mô tránh việc chồng chéo, cùng một lúc tăng kép 2 loại mặt hàng thiết yếu, nên Chính phủ đã quyết định không tăng giá xăng vào ngày 18/3.

    “Để làm được điều này chúng ta đã dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù giá xăng dầu, qua đó giữ giá như xăng E5 chúng ta bù 2.042 đồng/lít; xăng RON 95 bù đến 2.000 đồng/lít. Nhưng sau 15 ngày và đến ngày hôm nay (2/4), giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, vì thế hôm nay, điều không ai mong muốn, theo đúng thị trường thế giới,chúng ta phải điều chỉnh tăng giá xăng”, ông Hải chia sẻ. 

    Thu Hằng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-cong-thuong-ly-giai-nguyen-nhan-gia-xang-tang-vot-a269381.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan